Các loại vaccin bé cần được tiêm là gì?

Tiêm chủng là một phương pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả chống lại các tác nhân gây bệnh nguy hiểm có khả năng gây tử vong ở các bé. Mỗi thời điểm trong năm có sự xuất hiện các tác nhân vi sinh vật gây bệnh đặc trưng và các ba mẹ hãy đảm bảo con mình được tiêm chủng đầy đủ để bé có được sự bảo vệ tốt nhất.

TIÊM CHỦNG LÀ GÌ

Tiêm chủng bảo vệ trẻ em bằng cách sử dụng khả năng miễn dịch của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Khi các bé được tiêm chủng, một lượng nhỏ vi sinh vật đã được làm yếu, hay đã chết được đưa vào cơ thể các bé qua đường uống, hít hoặc tiêm. Các loại vi sinh vật vô hại này thu hút và bị hệ miễn dịch của các bé tiêu diệt, qua đó hệ miễn dịch được tập dợt và chuẩn bị tốt hơn cho sự đối đầu với các vi sinh vật này trong tương lai.

Mặc dù tiếp xúc với các tác nhân vi sinh vật, nhưng những trẻ được tiêm vắc-xin không bị mắc bệnh do tiêm các tác nhân đó vào cơ thể. Một số ít trường hợp hiếm gặp, các loại vắc-xin sống giảm độc lực như sởi, thủy đậu có thể làm các bé có biểu hiện một số triệu chứng nhưng rất nhẹ nếu so với trường hợp các bé bị nhiễm các tác nhân trên mà không được tiêm chủng.

Một số vắc-xin có tác dụng cả đời, nhưng một số cần phải được nhắc lại nhiều lần.

CÁC LOẠI VẮC-XIN BÉ CẦN ĐƯỢC TIÊM LÀ GÌ

Các loại vắc-xin phổ biến được tiêm cho bé tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố có thể chống lại các tác nhân vi sinh vật như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ Hib, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi A, tiêu chảy Rota, phế cầu, cúm, sởi, quai bị, Rubella, thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản, não mô cầu, thương hàn, HPV.

Tuy nhiên, trong từng thời gian khác nhau của năm, có một số loại vi sinh vật sẽ hoạt động mạnh hơn. Ba mẹ cần chú ý, xem lại sổ tiêm chủng kiểm tra bé đã được tiêm ngừa đầy đủ hay chưa.

MÙA XUÂN BÉ CẦN TIÊM ĐỦ LOẠI VẮC-XIN NÀO

Thuỷ đậu – Thủy đậu hay gọi là trái rạ, do siêu vi Varicella Zoster gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường hay gặp vào tháng 2 đến tháng 6. Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan nếu người bị bệnh không được chữa trị và chăm sóc đúng cách. Cách phòng thủy đậu tốt nhất hiện nay là tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh.

MÙA HÈ BÉ CẦN TIÊM ĐỦ LOẠI VẮC-XIN NÀO

Viêm não Nhật Bản – Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè nóng bức, vào các tháng 6-7-8 hàng năm. Siêu vi viêm não Nhật Bản tấn công vào hệ thần kinh trung ương gây những di chứng nặng nề. Tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản là cách phòng bệnh chủ động tốt nhất cho các bé.

MÙA THU – ĐÔNG BÉ CẦN TIÊM ĐỦ LOẠI VẮC-XIN NÀO

Phế cầu – Vi khuẩn phế cầu có thể gây bệnh cho bất kỳ ai và tuỳ vào cơ quan mà vi khuẩn gây các bệnh như viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết. Để phòng tránh các bệnh lý nguy hiểm do phế cầu khuẩn gây ra thì tiêm phòng vắc-xin phế cầu khuẩn là vô cùng thiết thực.

Não mô cầu – Vi khuẩn não mô cầu lây lan qua đường hô hấp, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Thời điểm bệnh xảy ra nhiều nhất là mùa đông và đầu xuân. Bệnh dễ lan rộng trong tập thể đông đúc như nhà trẻ, trường học. Bệnh cảnh nặng là viêm màng não mủ thường gặp ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 1 năm, hoặc nhiễm trùng huyết tối cấp có thể gây tử vong rất nhanh. Trong các chủng não mô cầu A, B, C, D, Y, W135 thì nhóm A thường gây bệnh thành dịch lớn. Bệnh viêm não mô cầu là bệnh có thể phòng ngừa được bằng tiêm phòng vắc-xin.

Cúm mùa – Cúm là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do siêu vi cúm gây nên. Nhiều người cho rằng cúm mùa là bệnh cảm thông thường, tuy nhiên đây lại là hai bệnh khác nhau. Khác với cảm, cúm mùa có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời. Tại Việt Nam, mùa cúm có thể rơi vào các tháng 3 – 4 và tháng 9 – 10 hàng năm. Đây là một bệnh dễ lây lan cho các bé và có nguy cơ xuất hiện các biến chứng nặng, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên là nhóm nguy cơ có khả năng mắc cúm cao và biến chứng nặng hơn do đó cần được tiêm ngừa hàng năm.

Khoa Sức khỏe trẻ em
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố