Buồn phiền không chỉ gây “khổ” mà còn gây đau

Định nghĩa về sức khỏe của WHO từ năm 1948 cho rằng: “Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật.” Vì thế, nếu một người có bất ổn về mặt tinh thần đã là không có sức khỏe bình thường. Từ đó, tầm quan trọng của việc chăm sóc và đảm bảo sức khỏe tinh thần là một chủ đề hết sức cần thiết. 

Trẻ em cũng cần hỗ trợ tâm lý

Ngay từ lúc còn là bào thai, trẻ đã có những liên hệ mật thiết với người mẹ về mặt cảm xúc. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc người mẹ gặp stress trong thai kỳ có thể gia tăng nguy cơ gây ra những bất thường về mặt sức khỏe của thai nhi.

Khi lọt lòng mẹ, 1000 ngày đầu đời là khoảng thời gian quan trọng nền tảng để hình thành nên cấu trúc tâm trí của đứa trẻ sau này. Những trẻ gặp những vấn đề sang chấn tâm lý ở giai đoạn sớm này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về mặt sức khỏe tinh thần sau này. Thậm chí, nhiều rối loạn nhân cách khi trưởng thành được cho rằng có nguồn gốc từ những khó khăn trong tâm trí một người từ thời ấu thơ. 

Theo dòng phát triển, việc trẻ phải tách rời mẹ để bước vào môi trường mẫu giáo, cấp 1 cũng là một biến cố có thể gây nên tình trạng căng thẳng cho con. Nếu phụ huynh không có những can thiệp phù hợp sẽ dễ làm trẻ rơi vào những khủng hoảng, stress, lo âu kéo dài và nguy cơ xuất hiện các biểu hiện trầm cảm… 

Khổ – Đau

Tại phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, nhiều trẻ được đưa đến phòng khám tâm lý với biểu hiện đau bụng, đau đầu, chóng mặt, khó thở, hay lên cơn mệt, thậm chí cơn co giật mà sau khi khám các chuyên khoa chưa ghi nhận các nguyên nhân thực thể.

Đây có thể là biểu hiện của một rối loạn về mặt tâm lý có tên gọi: rối loạn dạng cơ thể (somatoform disorder). Bệnh nhân thường xuyên thay đổi bác sĩ vì thường không tìm ra nguyên nhân chính nào về y khoa. Các triệu chứng xuất hiện do các xung đột nội tâm. Những người không hiểu rõ về bệnh có cảm giác như bệnh nhân giả vờ. Bệnh nhân thường lo lắng về tình trạng bệnh tật của mình do bệnh kéo dài và không được điều trị thích hợp.

Ngoài ra, nhiều trẻ có biểu hiện giật cơ vùng mặt, nheo mắt, giật miệng… Các vấn đề này được gọi là Rối loạn Tic (Tic disoder) là cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được. Nếu xảy ra ở các cơ vận động thì được gọi là “Tic vận động”, xảy ra ở các cơ hô hấp thì gọi là “tic âm thanh”.

Trẻ bị tic vận động thường thể hiện nhiều triệu chứng như nháy mắt, vẹo cổ, nhún vai, giật cơ… Trong khi đó, khi trẻ có các biểu hiện phát ra tiếng rít, khụt khịt, hắng giọng… có thể cảnh báo việc bị tic âm thanh. Tỷ lệ trẻ trai mắc tic được ghi nhận nhiều hơn so với trẻ gái. 

Khi cơ thể ‘lên tiếng’

Điều quan trọng nhất khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trên, phụ huynh phải đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để loại trừ các nguy cơ mắc những rối loạn thực thể. Sau khi có kết luận của các bác sĩ chuyên khoa về việc chưa ghi nhận những bất thường về thực thể, trẻ cần được đưa đến gặp các chuyên gia tâm lý để can thiệp. 

Thông qua các buổi tham vấn – trị liệu cùng trẻ và gia đình, chuyên gia tâm lý và gia đình trẻ sẽ dần tìm hiểu ý nghĩa của các triệu chứng  đang xảy ra với trẻ. Đối với mỗi trường hợp, có thể tồn tại nhiều yếu tố khó khăn trong tâm trí đằng sau những biểu hiện triệu chứng cơ thể. 

Có những trẻ vì sợ đi học do gặp khó khăn trong học tập, nên cứ đến lớp là đau bụng quằn quại. Vậy triệu chứng đau bụng này có lợi ích giúp trẻ không phải đến trường. Một số trẻ sống trong hoàn cảnh gia đình có ba mẹ hay mâu thuẫn cãi vã sẽ thường xuyên có những cơn mệt, khó thở khiến gia đình phải đưa trẻ đi bệnh viện. Vậy phải chăng triệu chứng này chính là yếu tố giúp trẻ được quan tâm chăm sóc, ba mẹ cùng ‘có cơ hội’ để lại gần với nhau khi tập trung lo lắng cho trẻ? 

Trong tình huống trẻ có những rối loạn tic, nhiều kinh nghiệm lâm sàng chỉ ra rằng trẻ có những ức chế về mặt cảm xúc, căng thẳng, khó chịu trong sinh hoạt, học tập dẫn đến tình trạng rối loạn này.

Phụ huynh cần lắng nghe và tạo không gian an toàn để trẻ chia sẻ và bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Không nên cho rằng trẻ đang ‘giả vờ’, ‘nói dối’ vì với các rối loạn này, trẻ thật sự cảm thấy khó chịu ở các vùng khác nhau trên cơ thể. 

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố