Bài dự thi cuộc thi viết ‘Khoảnh khắc nghề y’: Duyên định mệnh – Báo Thanh Niên

Sau nhiều ngày tìm hiểu tình hình tuyển sinh của các trường đại học, chiều hôm ấy Mẹ hớn hở nói với con gái là hãy cố gắng tập trung để học, năm sau thi vào trường y.

Con cực lực phản đối làm Mẹ thất vọng vô cùng. “ Ngành y bạc bẽo đến vô tình. Ba Mẹ cả đời làm ngành y, con thấy có sung sướng gì đâu!”. Mẹ không buồn vì con không nghe lời Mẹ. Mẹ thấy nhói trong lòng khi con không hiểu được sự cao quí của nghề mà Mẹ đã chọn. Nghề y đến với Mẹ như một cơ duyên định mệnh!
Các câu chuyện tệ hại nói về ngành y ngày một nhiều trên các trang báo mạng. Làm sao trách được những suy nghĩ không phải từ con trẻ? Cuộc sống vốn dĩ phức tạp và cũng rất khắc nghiệt. Làm nghề nào cũng có “mặt trái” của nó. Sống phải biết mơ ước và có hoài bão thực hiện cho được ước mơ của mình. Mẹ nhất định sẽ luôn ủng hộ và đồng hành cùng con .
Tuổi thơ của Mẹ là những chuỗi ngày khốn khổ vì bệnh tật. Chứng bệnh suyển kinh niên đã cướp đi nụ cười và ánh mắt vô tư của cô bé khi vừa lên mười. Mỗi ngày cắp sách đến trường với nổi khắc khoải lo âu cơn bệnh sẽ bất chợt ập đến và hành hạ cơ thể gầy còm. Đã nhiều lần phải ngất xỉu trong lớp học. Nửa đêm thức giấc, chợt thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Mẹ đã lớn lên và quen dần với “áo trắng thiên thần”. Có lẽ vì thế trong Mẹ hình thành một ước mơ: trở thành thầy thuốc để thoát khỏi bệnh tật .
Kể từ khi vào học ngành y, hình như căn bệnh khó chữa của Mẹ cũng lùi vào quá khứ. Gia cảnh khó khăn, thể lực cũng không tốt, với số tiền học bổng ít ỏi, Mẹ phải vượt qua bao vất vả, gian nan mới có thể thực hiện được mơ ước của mình. Mẹ vẫn còn nhớ mãi, sau những buổi đi thực tập, đến bữa ăn là nôn thốc tháo, tái mét mặt mày vì ám ảnh cái mùi “hoại thư sinh hơi” của khoa ngoại chỉnh hình. Lần đầu tiên vào phòng mổ để phụ tiếp dụng cụ, Mẹ suýt ngất xỉu khi đối diện với bệnh nhân bị xe ben cán nát hai chân. Chuỗi ngày khủng khiếp như vậy cứ diễn ra hoài và mãi như thế.
Ngày đầu tiên đi làm ở phòng hồi sức cấp cứu, Mẹ đã phải đối diện với cái chết và biết bao nhiêu cảnh thương tâm. Bệnh nặng đến chết, hết tiền trả viện phí và cũng chẳng đủ tiền thuê xe chở xác về, chỉ còn biết gào khóc đến lã người. Các nhân viên phải gom góp những đồng lương ít ỏi để giúp thuê xe chở về. Cứ mỗi tối đến, thằng bé bên khoa ngoại lại khóc rên vì đói. Nó phải trải qua năm lần mổ ruột vì bệnh thương hàn. Gia đình nghèo quá nên đành bỏ mặc cho bệnh viện. Thế là các chị em thay phiên nhau lấy phần ăn tối mang theo để chia sẻ cho nó. Đêm trực tất tả đến chân mỏi mắt mờ, ấy vậy mà khi bệnh viện kêu gọi cho máu khẩn cấp để cứu bệnh nhân nguy kịch vì bị vỡ tử cung, các anh chị em trong ca trực vẫn sẵn sàng không chút đắn đo. Tất cả những nỗi đau tột cùng của người bất hạnh, cùng với niềm hạnh phúc vỡ òa của người may mắn được cứu sống, cứ nối tiếp nhau xảy ra từng giờ, từng ngày rồi đi vào trong tâm trí của Mẹ, không biết tự bao giờ đã trở thành niềm vui và lẽ sống của đời Mẹ, một hạnh phúc âm thầm, lặng lẽ!
Mẹ gặp Ba con (cùng làm ngành y) và xây dựng hạnh phúc gia đình. Bất hạnh lại đến với gia đình của mình. Ba con bị một khối u ác tính phải mổ cắt đi 2/3 lá phổi. Mẹ phải nghỉ việc để chăm lo cho gia đình. Điều kỳ tích đã đến, Ba con đã thoát khỏi cơn hiểm nghèo.
Đã hai lần trong đời, Mẹ phải bỏ nghề, tảo tần mưu sinh để lo cho cuộc sống gia đình. Định mệnh xoay chuyển thế nào nên Mẹ lại quay về với nghề y. Mấy mươi năm tận tụy với nghề, có thể Mẹ chưa cho các con cuộc sống đủ đầy, nhưng điều mà Mẹ tự hào nhất, hạnh phúc nhất là hai con, tài sản vô giá của Mẹ, được nuôi dạy khôn lớn và khỏe mạnh. Có lẽ giờ đây con đã hiểu, tại sao với ngần ấy tuổi rồi mà Ba Mẹ vẫn phải còn học nữa, học mãi. Nghề y vất vả như thế đấy, bởi vì “con người” luôn là một đáp án kỳ bí .
Với những khoảnh khắc thầm kín, Mẹ mong rằng sẽ giúp cho con có suy nghĩ chín chắn về cuộc sống, để con có thể chọn cho mình một tương lai tốt đẹp. Đường đời lắm chông gai, nghiệt ngã phải có quyết tâm và kiên trì thì mới có thể cập bến vinh quang.
Nguồn: Báo Thanh Niên