10 hoạt động vui chơi kích thích giác quan cho trẻ tự kỷ.

Các hoạt động vui chơi kích thích giác quan không chỉ hữu ích cho trẻ em mẫu giáo mà chúng còn đặc biệt tốt với trẻ tự kỷ. Trẻ tự kỷ là những trẻ có nhu cầu đặc biệt vì vậy các hoạt động dạy trẻ phải luôn hướng tới mục tiêu từng cá nhân. Trẻ mắc chứng tự kỷ đều có chung một số khó khăn đó là: khiếm khuyết về tương tác xã hội, khiếm khuyết về giao tiếp (không lời và lời nói), các hành vi bất thường hoặc các mối quan tâm bị thu hẹp, rập khuôn và lặp lại, nhiều trẻ cũng gặp khó khăn trong việc xử lý cảm giác

Lợi ích của hoạt động giác quan đối với trẻ tự kỷ:

Cho trẻ tự kỷ tham gia vào các hoạt động điều hòa cảm giác có lợi theo nhiều cách, vì nó có thể giúp:

  • Kích thích não bộ, tạo ra các đường dẫn truyền thần kinh và cải thiện hệ thống xử lý cảm giác
  • Cải thiện các kỹ năng xã hội như giao tiếp và tương tác
  • Cải thiện sự phối hợp, cũng như các kỹ năng vận động tinh, vận động thô
  • Làm dịu những đứa trẻ xuống khi chúng bị kích động

Một số hoạt động vui chơi kích thích giác quan mà phụ huynh có thể tổ chức cho trẻ tại nhà:

  1. Đất nặn thơm Play doh

Lấy một mẻ lớn đất nặn và chia chúng thành từng bát riêng. Trộn các thành phần khác nhau vào mỗi bát, để tạo ra mùi dễ nhận biết, ví dụ như quế, tinh chất hạnh nhân, nước chanh, tinh chất vani, gừng và vv (bạn cũng có thể thêm màu thực phẩm). Trong khi những đứa trẻ chơi với đất nặn, chúng có thể tận hưởng những mùi khác nhau và cố gắng đoán chúng là gì.

  1. Rửa xe

Thiết kế một trạm rửa xe trong nhà – hoặc bên ngoài như trong vườn, ngoài sân – với bát nước, xà phòng, bọt biển / bàn chải / vải / khăn và xe nhựa đồ chơi. Trẻ sẽ thích chơi với nước xà phòng, cọ rửa xe ô tô và lau đi lau lại chúng.

  1. Bếp ngoài trời

Nếu nhà bạn có không gian, ba mẹ có thể cân nhắc thiết kế một gian bếp ngoài trời cho trẻ vì bếp ngoài trời khá thú vị, đặc biệt là với trẻ hay bị cuốn hút vào các hoạt động vui chơi kích thích giác quan. Bạn có thể mua bếp làm sẵn, hoặc tự làm bằng cách tái sử dụng từ những vật dụng trong nhà hoặc ba mẹ mua nguyên vật liệu mới về làm. Hãy đảm bảo rằng bếp luôn sẵn có nhiều đồ dùng nấu ăn để trẻ có thể chơi.

  1. Nhạc cụ tự chế

Ba mẹ có thể cùng con làm ra rất nhiều loại nhạc cụ, sau đó cả nhà cùng chơi với nhau thì sẽ rất vui. Các ý tưởng làm nhạc cụ tự chế như: máy lắc (ví dụ đổ đầy gạo hay các hạt đậu vào chai nhựa), lục lạc (xâu nút hay xâu chuỗi hạt), trống (ví dụ sử dụng thìa gỗ để đập vào chậu nhựa) hay làm chuông (treo vài chai nước hoặc những vỏ chai lên)

  1. Vẽ dấu chân

Đối với hoạt động này, bạn sẽ cần một cuộn giấy lớn và một số khay sơn, khăn giấy và nước để lau sạch sơn dưới chân trẻ. Bạn có thể gợi ý cho trẻ (ví dụ: ba mẹ vẽ một số vòng tròn và sau đó cho trẻ làm những cánh hoa in dấu chân xung quanh vòng tròn đó), hoặc ba mẹ sẽ để chúng vẽ tự do.

  1. Trò chơi nếm

Trong trò chơi này, có thể bịt mắt trẻ lại cho trẻ nếm thử vị của thức ăn, sau đó trẻ nói xem vị đó như thế nào. Cha mẹ sẽ lựa chọn thực phẩm theo sở thích hay không thích của bọn trẻ nhưng cha mẹ hãy nhớ rằng trò chơi này là một cách tốt để giới thiệu hương vị mới. Các món cha mẹ có thể giới thiệu cho trẻ như sữa chua, ngũ cốc, thạch, bánh gạo, chuối, bánh mì, sốt cà chua, quýt…

  1. Slime bột ngô

Chất nhờn ma quái (slime) tự chế này là một trò chơi rất tuyệt vì nó có các đặc tính đặc biệt – nó là một chất giao thoa giữa chất lỏng và chất rắn. Bạn trộn bột ngô với nước trong một thau lớn cho đến chúng tạo thành một hỗn hợp có độ sệt vừa phải. Nếu bạn đấm mạnh vào chất nhờn, slime lại có độ kết dính khá cao, không dính tay, nhưng khi bạn múc một ít và giữ nó trên tay, nó sẽ chảy ra nhìn như chất lỏng

  1. Đồ chơi đông lạnh

Bạn cần phải chuẩn bị hoạt động này một hoặc hai ngày trước đó. Tìm một hộp nhựa lớn sẽ vừa trong ngăn đông của bạn, đổ đầy nước vào đó, cho một số đồ chơi vào và cấp đông. Bạn làm ba lớp như vậy, và sau đó lấy khối này ra khỏi ngăn đông. Bọn trẻ sẽ phải lấy đồ chơi ra khỏi băng, trẻ có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ (ví dụ như bình xịt có nước ấm, búa đồ chơi, v.v.).

  1. Bàn chơi cát

 

Đôi khi các hoạt động vui chơi đơn giản lại hay nhất. Hầu hết bọn trẻ đều thích chơi cát, vì vậy hãy làm cho trẻ một chiếc bàn chơi cát cùng với một số đồ để chúng chơi như xô, cào, khuôn, sàng…

  1. Rắn bong bóng

Đối với hoạt động này, bạn sẽ cần chai nhựa, vớ và dung dịch thổi bong bóng. Cắt đi phần đáy chai và lồng chiếc tất vào phần đáy chai sao cho chiếc tất phủ kín căng phần đáy chai sau đó gấp mép chiếc tất lại y như một chiếc quần bó sát. Nhúng đầu có bọc chiếc tất vào dung dịch thổi bong bóng sẽ tạo ra những con rắn bong bóng dài đáng yêu.

 

Quý phụ huynh có thể thử một loạt các hoạt động vui chơi kích thích tất cả năm giác quan như chạm, ngửi, nếm, nhìn và nghe. Sau đó phụ huynh quan sát và đánh giá những gì trẻ làm tốt và những điều trẻ cần phải tránh. Điều quan trọng mà các phụ huynh cần ghi nhớ đó là các hoạt động vui chơi kích thích giác quan sẽ có lợi cho tất cả trẻ em trong quá trình giáo dưỡng trẻ, không chỉ riêng những trẻ được chẩn đoán (hoặc có các dấu hiệu của) tự kỷ

Chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Tài liệu tham khảo: https://www.firstdiscoverers.co.uk/sensory-activities-children-autism/