Tìm hiểu pháp luật để cùng tham gia phòng, chống tham nhũng

Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Phòng ngừa tham nhũng là một vấn đề then chốt, công tác phòng ngừa đóng vai trò quan trọng được đẩy mạnh trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định các hành vi tham nhũng là những hành vi như sau:

  1. Tham ô tài sản;
  2. Nhận hối lộ;
  3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
  4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
  5. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
  6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
  7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
  8. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;
  9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;
  10.  Nhũng nhiễu vì vụ lợi;
  11. Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
  12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những nội dung mới và thay đổi căn bản so với Luật cũ. Luật đã quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tăng cường một bước, tập trung và phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi; quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức và một số nhóm viên chức giữ chức vụ, chức danh quản lý để từng bước quản lý chặt chẽ về dữ liệu tài sản, thu nhập, qua đó theo dõi, xác minh phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời, đổi mới căn bản phương thức kê khai để giảm bớt số đối tượng phải kê khai hằng năm và khắc phục tính hình thức trong thực hiện.

Ai là người phải kê khai tài sản thu nhập?
– Cán bộ, công chức.
– Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.
– Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
– Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tài sản, thu nhập phải kê khai, bao gồm:
– Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng;
– Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên;
– Tài sản, tài khoản ở nước ngoài;

Phản ánh, tố cáo và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng
Cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh về hành vi tham nhũng, cá nhân có quyền tố cáo về hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật. Người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng được áp dụng các biện pháp bảo vệ như bảo vệ người tố cáo và được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác sẽ bị xử lý kỷ luật tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.

Thể hiện sự nghiêm minh trong xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tăng cường hiệu quả thực thi Luật và hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định rõ các nguyên tắc về việc xử lý tham nhũng và bổ sung xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đã liệt kê các hành vi khác và quy định mang tính nguyên tắc xử lý đối với các hành vi này. Đồng thời, cũng quy định xử lý hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Với niềm tin và quyết tâm đẩy mạnh tiêu cực trong đơn vị, toàn thể công chức, viên chức, người lao động Bệnh viên Nhi đồng Thành phố hãy tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng; mạnh dạn tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước, ổn định niềm tin trong nhân dân.

(Trích tử các Điều 2,4,34,35,65,67,92 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019).

PHÒNG TỔ CHỨC CÁN BỘ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ