Tim bẩm sinh ở trẻ em

Bệnh tim bẩm sinh là một tật bệnh của tim có từ khi trẻ trong bụng mẹ. Theo hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, cứ khoảng 1000 trẻ sơ sinh thì có 9 bé mắc bệnh tim tẩm sinh, mức độ thay đổi từ nhẹ đến nặng. Tim bẩm sinh có thể đi kèm với bệnh lý bất thường về gene như trong hội chứng Down nhưng đa phần các trường hợp không rõ nguyên nhân.
Tim bình thường hoạt động như sau:

  • Quả tim được xem như là một cái máy bơm trung tâm để đưa máu đi nuôi cơ thể. Quả tim có hai phần: tim trái và tim phải. Mỗi phần tim có hai buồng: ở trên là buồng nhĩ và ở dưới là buồng thất. (hình)
  • Máu từ tim trái đi nuôi các cơ quan (não, gan, thận, cơ…) chứa nhiều chất Oxy- chất cần thiết cho cơ quan hoạt động bình thường- máu có màu đỏ tươi. Sau khi đến các cơ quan, máu cho đi Oxy và nhận về các chất thải của cơ quan, máu chuyển sang màu đỏ sậm và trở về tim phải.
  • Từ tim phải, máu đỏ sậm được đưa lên phổi. Nhờ hoạt động hô hấp, chất Oxy từ không khí vào phổi và máu, màu đỏ sậm do thiếu Oxy trở thành đỏ tươi chứa nhiều Oxy. Máu đỏ này được trả về tim trái và tim trái tiếp tục bơm máu đi nuôi cơ thể.

Khi trẻ bị tim bẩm sinh, hoạt động bình thường của tim bị thay đổi dẫn đến các biểu hiện bệnh.
Thông thường, tim bẩm sinh được phân thành các nhóm chính:

  • Tật tim làm tăng lượng máu lên phổi: là những tật tim khiến cho một lượng máu đỏ từ tim trái đáng lẽ phải đi nuôi cơ thể lại quay trở về phổi làm tăng lượng máu trên phổi. Bé sẽ có các triệu chứng khò khè, thở nhanh và hay bị viêm phổi tái đi tái lại. Tật tim thường gặp trong nhóm này là: Thông liên thất, Thông liên nhĩ, Còn ống động mạch…
  • Tật tim làm giảm lượng máu lên phổi: là những tật tim ngăn cản máu đỏ sậm từ tim phải đáng lẽ phải lên phổi để trở thành máu đỏ tươi. Điều này làm cho trẻ bị thiếu Oxy và gây tình trạng tím ở môi, lưỡi, mặt trong má và nướu răng. Tím xuất hiện từ lúc mới sinh. Tật tim thường gặp trong nhóm này là: Tứ chứng Fallot
  • Tật tim làm giảm lượng máu đi nuôi cơ thể, gây tắc nghẽn đường ra của máu đỏ tươi đi nuôi cơ thể. Điển hình trong nhóm này là dị tât hẹp eo động mạch chủ.

Khi trẻ bị tim bẩm sinh, hoạt động tim bình thường bị thay đổi và trẻ có biểu hiện bệnh với nhiều triệu chứng:

  • Tím ở mặt trong má, nướu, lưỡi (từ lúc sinh ra hay tím xuất hiện sau này).
  • Ăn bú kém, chậm tăng cân, vã mồ hôi nhiều lúc ăn.
  • Thở nhanh, khò khè, viêm phổi tái đi tái lại.
  • Tiếng tim không bình thường (ví dụ như tim đập nhanh, hồi hộp…)

Nếu trẻ có những dấu hiệu nêu trên ba mẹ cần cho đi khám bệnh để tầm soát bệnh tim bẩm sinh.

BS NGUYỄN TẾ ĐINH HƯƠNG
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ