Thực tập phương án chữa cháy và cứu hộ thoát nạn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Sáng 19-7-2019, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, lực lượng đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Công an huyện Bình Chánh phối hợp cùng các cơ quan chức năng đã tổ chức buổi thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với sự phối hợp của nhiều lực lượng tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Theo tình huống giả định, do thân nhân bệnh nhân sạc điện thoại ở ổ điện hộp đầu giường tại phòng bệnh cánh A, Khoa Tiêu hóa (Lầu 5 khối 8 tầng) dẫn đến chập điện và gây ra cháy.           

Cháy phòng bệnh khoa Tiêu hóa  
Cháy phòng bệnh khoa Tiêu hóa
Điều dưỡng giật chuông báo cháy
Điều dưỡng giật chuông báo cháy

Ngay lập tức, hệ thống báo cháy của Bệnh viện hoạt động như còi hú cảnh báo, phát thanh tự động báo cháy trong toàn bộ tòa nhà, cửa thoát hiểm ở các tầng tự động mở, các thang máy tự động chạy xuống tầng G và mở cửa, riêng có 01 thang được chuyển sang chế độ cứu nạn cứu hộ theo lập trình.

Tại thời điểm báo cháy, Ban Giám đốc Bệnh viện ngay lập tức triển khai phương án chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cho toàn bộ cán bộ nhân viên và thân nhân bệnh nhân sử dụng dịch vụ đang có mặt trong Bệnh viện. Lực lượng PCCC cơ sở của Bệnh viện hướng dẫn nhân viên và thân nhân bệnh nhân thoát hiểm theo thang bộ và tập trung tại vị trí tập kết an toàn, đồng thời kiểm tra từng phòng bệnh tránh trường hợp có người bị kẹt lại. 

Tổ hướng dẫn thoát nạn sơ tán, di chuyển bệnh nhân, thân nhân và nhân viên y tế: chia làm 03 nhóm để phân luồng sơ tán:
– Nhóm bệnh nhân không cần hỗ trợ hô hấp: thân nhân bế trẻ đi theo đường thang bộ thoát hiểm gần nhất, có 01 nhân viên y tế (NVYT) hướng dẫn.
– Nhóm bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp: 01 NVYT đẩy 01 bệnh nhân, có kèm theo 01 thân nhân/01 nhân viên hỗ trợ ra thang máy dành riêng cho cứu hộ PCCC. 
– Nhóm thân nhân đang thăm bệnh: bảo vệ dịch vụ (Công ty Đại Trường Hải) trực tại các Tầng hướng dẫn sơ tán ra thang bộ thoát hiểm gần nhất. Trường hợp thân nhân không tự di chuyển được: điều dưỡng Khoa đẩy bằng xe lăn ra thang bộ thoát hiểm ngoài trời (phía đối diện hệ thống XLNT), có xe thang nâng chuyên dụng hỗ trợ cứu nạn đưa nạn nhân xuống mặt đất;

Đồng thời, Ban chỉ huy PCCC của BV cũng đã phối hợp với đội Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ – Công an huyện Bình Chánh, Công an xã Tân Kiên tổ chức thực hiện phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, cứu tài sản và thoát hiểm. Ngay khi nhận được tin báo, lực lượng đội Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ – Công an huyện Bình Chánh, Công an xã Tân Kiên đã triển khai lực lượng và phương tiện để chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Sau gần 20 phút khẩn trương triển khai đúng quy trình, thao tác, đảm bảo an toàn, toàn bộ cuộc thực tập đã hoàn thành đúng quy trình, đạt các yêu cầu cơ bản đã đề ra, không xảy ra thiệt hại nghiêm trọng nào về người và tài sản. Các đơn vị phối hợp chữa cháy đã cùng họp thảo luận rút kinh nghiệm sau buổi diễn tập.
Lực lượng PCCC chuyên nghiệp triển khai vào vị trí phun nước cứu hỏa và cứu hộ
      

Xe thang chuyên dụng cứu người bị mắt kẹt ở trên cao xuống đất.

Thực tập phương án chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố là hoạt động thường xuyên nhằm kiểm tra hiệu quả trong hoạt động công tác PCCC cũng như hệ thống thiết bị PCCC tại Bệnh viện. Đồng thời, qua cuộc thực tập thực tế này sẽ nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy của từng cán bộ, viên chức, người lao đông và thân nhân bệnh nhân tại Bệnh viện, khả năng xử lý tình huống cháy nổ, tổ chức thoát nạn của lực lượng PCCC tại cơ sở và sự phối hợp chữa cháy, cứu nạn cứu hộ của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.


Trước đó ngày 18-6-2019, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng đã phối hợp với đội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) – Công an huyện Bình Chánh, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lớp tập huấn cho toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động đang làm việc tại Bệnh viện kiến thức chung về công tác phòng ngừa phòng cháy và chữa cháy, cách thoát nạn khi có sự số về cháy nổ xảy ra cũng như cách sử dụng các phương tiện chữa cháy hiện có tại Bệnh viện.

Qua đó, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố rút ra một số biện pháp nhằm làm tốt công tác phòng ngừa xảy ra cháy, nổ và yêu cầu toàn thể nhân viên đang làm việc tại Bệnh viện thực hiện:  
 – Quản lý, sắp xếp ngăn nắp, khoa học các kho lưu trữ hồ sơ, vật tư, thiết bị, phòng máy tính chủ, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn cháy nổ có thể xảy ra;
– Quản lý, kiểm tra việc sử dụng nguồn điện, tủ điện, ổ cắm điện, nguồn nhiệt nhằm đảm bảo an toàn về PCCC;
Tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động xây lắp, sửa chữa, hàn tiện có phát sinh tia lửa; Có biện pháp che chắn các vật dụng dễ cháyđảm bảo an toàn PCCCtại khu vực thi công;
– Thường xuyên kiểm tra những khu vực có khả năng cháy nổ cao, loại bỏ ngay các nguy cơ gây cháy. Khi phát hiện cháy, nổ thì phải xử lý và dập tắt ngay từ lúc phát sinh, không để xảy ra cháy lan.

Nhân viên Bệnh viện sử dụng thành thạo các phương tiện PCCC sẵn có

PHÒNG HÀNH CHÍNH QUẢN TRỊ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ