Sai lầm bất hủ về ăn dặm: Nhạt thế sao mà ăn được!


Người lớn đã quen ăn mặn nên khi ăn nhạt, cảm thấy rất khó ăn. Tuy nhiên, trẻ em chưa từng ăn mặn bao giờ, thức ăn duy nhất mà bé từng ăn trước khi ăn dặm là sữa mẹ hay sữa công thức đều rất nhạt, không kiểu quá ngọt như sữa có đường mà mọi người vẫn tưởng (Nếu không tin, bạn thử uống mà xem) Theo tác giả Anh Nguyễn – chuyên gia dinh dưỡng ở Anh, tác giả cuốn sách Làm mẹ không áp lực, trẻ em có hơn 10.000 chồi vị giác, trong khi người lớn chỉ có khoảng 5.000. Chính vì thế, vị giác của trẻ rất tinh tế hơn người lớn, cảm giác vừa ở người lớn là rất mặn đối với trẻ. Hơn nữa, trong thực phẩm đều có độ ngọt và mặn tự nhiên, như chúng ta cảm nhận khi ăn rau luộc mà không chấm nước mắm. Ăn thức ăn không gia vị sẽ giúp bé cảm nhận được vị ngọt, mặn tự nhiên của thực phẩm tốt hơn để phát triển vị giác. Trẻ phát triển trí não thông qua các giác quan vì vậy phát triển vị giác tốt hơn đồng nghĩa với phát triển não tốt hơn.
Hơn nữa, lượng muối mà bé có thể tiếp nhận trong năm đầu tiên trong đời là rất rất thấp, việc ăn thức ăn có nêm thêm mắm muối có thể gây quá tải cho cơ thể bé. Điều này có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe cho bé về sau này. Việc bé chán ăn, không ăn là bởi vì nhiều nguyên nhân khác nhau không phải do nhạt. Đôi khi việc bố mẹ nêm gia vị có thể khiến bé thấy lạ miệng và ăn nhưng việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển vị giác. Vì thế, tốt nhất là trong năm đầu đời, bố mẹ không nên nêm thêm thêm muối vào đồ ăn cho bé, từ năm thứ hai có thể nêm một chút nhưng vẫn nên cho bé ăn nhạt hơn so với khẩu vị bình thường của gia đình. Tốt nhất là bố mẹ có thể nấu đồ ăn rồi nêm 1 chút xíu rồi múc ra cho bé, sau đó mới nêm nếm bình thường cho cả nhà ăn để tiết kiệm thời gian nấu nướng. Sau 3 tuổi, bé có thể ăn gia vị như người lớn nhưng vẫn nên ăn nhạt, hạn chế muối đường.

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ