Bệnh thủy đậu ở trẻ em là bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi Herpes varicellae gây ra. Đường lây chủ yếu bằng đường hô hấp qua những giọt nước bọt bắn ra từ người bệnh, có thể lây do tiếp xúc trực tiếp với dịch bóng nước da.
Làm sao nhận biết được trẻ mắc bệnh thủy đậu ?
Trẻ bị sốt, có biểu hiện hồng ban khoảng vài mm nhanh chóng chuyển thành bóng nước sau 24 giờ.
Bóng nước da từ 3-10 mm, lúc đầu chứa dịch trong, sau 24 giờ hóa đục, nhiều lứa tuổi (có bóng nước mới mọc xen kẽ bóng đã hóa đục và bóng đã đóng mày hay bong vảy). Bóng nước mọc rải rác ở mặt, ngực, bụng, lưng, trẻ có thể bị ngứa, gãi làm vỡ bóng nước.
Bóng nước có thể mọc ở niêm mạc miệng, đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu, sinh dục hay ở mắt, gây đau nhức khó chịu, biếng ăn, biếng bú.
Nếu không được khám và điều trị kịp thời, trẻ có thể biểu hiện các biến chứng như viêm mô tế bào do bội nhiễm: bóng nước hóa mủ, đỏ da hay sưng tấy xung quanh bóng nước, vẻ mặt nhiễm trùng nhiễm độc, nặng hơn trẻ có thể bị rối loạn tri giác, co giật, hôn mê, suy hô hấp đưa đến tử vong.
Điều trị và chăm sóc trẻ mắc bệnh thủy đậu như thế nào ?
Phụ huynh phải đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, quyết định cho nhập viện hay cho điều trị ngoại trú
Trẻ được điều trị triệu chứng: chống ngứa bằng thuốc kháng histamin, giảm đau, hạ sốt: dùng Paracetamol, không dùng Aspirin vì có thể gây biến chứng tổn thương não. Liều lượng uống theo chỉ định của bác sĩ
- Thuốc điều trị đặc hiệu: Acyclovir được uống theo toa bác sĩ kê đơn
- Khi sang thương da có bội nhiễm: bác sĩ cho sử dụng thêm kháng sinh.
- Chăm sóc trẻ:
– Vệ sinh cơ thể: không kiêng tắm. Bôi tổn thương da bằng kem Acyclovir hoặc xanh methylen.
– Không kiêng ăn, ăn uống thức ăn dễ tiêu, giàu năng lượng.
– Cho trẻ nghỉ học 7-10 ngày để tránh lây lan cho các bạn trong lớp
– Tránh tiếp xúc với người xung quanh đặc biệt là phụ nữ mang thai.
– Nên mang khẩu trang cho trẻ lẫn người chăm sóc.
– Tái khám theo hẹn của bác sĩ thường sau 2-3 ngày.
Khi nào đưa trẻ khám ngay ?
Khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau:
– Sốt cao liên tục khó hạ.
– Trẻ < 1 tháng.
– Sang thương quá nhiều, toàn thân.
– Bóng nước hóa mủ và tấy đỏ xung quanh.
– Nghi ngờ nhiễm trùng huyết: sốt cao, vẻ mặt nhiễm trùng, lừ đừ.
– Lừ đừ, bỏ ăn.
– Co giật, yếu chi.
Phòng ngừa
Hiện nay đã có vắc xin tiêm ngừa thủy đậu
– Vắc-xin phòng bệnh:
+ Tiêm vắc-xin: bắt đầu lúc trẻ được 12 tháng (nếu trong nhà có người bệnh có thể lúc 9 tháng), nhắc lại liều 2 lúc 5 – 6 tuổi hay cách liều 1 là 3 tháng.
+ Người lớn tiêm 2 liều cách nhau 1 tháng.
– Biện pháp phòng ngừa khác: tránh tiếp xúc với người bệnh, rửa tay thường xuyên.
BS CKII NGUYỄN MINH TIẾN
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ