LỒNG RUỘT – khi bạn có kiến thức, con trẻ có thể thoát khỏi nguy hiểm

Lồng ruột ở trẻ em là bệnh gì?

Lồng ruột là tình trạng một đoạn ruột chui vào trong lòng một đoạn ruột kế cận, gây ứ trệ thức ăn và dịch tiêu hóa. Lồng ruột làm tắc nghẽn dòng máu nuôi ruột, có thể dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử ruột và thủng ruột.

Lồng ruột thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là từ 3 – 9 tháng; bé trai có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2-3 bé gái. Hầu hết các trường hợp lồng ruột ở trẻ em < 2 tuổi thường không rõ nguyên nhân. Trẻ lớn hiếm gặp lồng ruột hơn và thường có nguyên nhân như: túi thừa Meckel’s, nang ruột đôi, polyp ruột, u thành ruột.

Triệu chứng lồng ruột ở trẻ em?

Dấu hiệu ban đầu thường gặp là một trẻ khỏe mạnh bỗng đột ngột khóc thét từng cơn do đau bụng. Khi đau trẻ có thể co gối vào ngực, bấu víu cha mẹ hoặc giãy giụa khóc lóc. Trẻ đau từng cơn một, lúc đầu mỗi cơn kéo dài khoảng 15-20 phút. Những cơn đau này càng về sau càng kéo dài và thường xuyên hơn.

Những triệu chứng khác gồm: nôn ói, tiêu phân nhầy máu, u bụng, bụng trướng, trẻ mệt lã do mất nước, tiêu chảy, sốt.

Không phải mọi trẻ đều có tất cả triệu chứng kể trên. Một số trẻ không đau bụng cơn rõ ràng, một số khác không bị tiêu máu hay có cục u trong bụng. Trẻ lớn hơn có thể chỉ đau bụng âm ỉ mà không có triệu chứng khác.

Khi nào nên đưa trẻ đến khám bệnh?

Lồng ruột cần điều trị cấp cứu.
Ở trẻ còn bú mẹ, khi trẻ đau bụng, khóc thét từng cơn, trong cơn đau trẻ co gối vào ngực, nẫy người, bấu víu bố mẹ là dấu hiệu đặc biệt chú ý, phải đưa trẻ đi gặp bác sĩ để kiểm tra càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân tại sao trẻ nhũ nhi thường bị lồng ruột cho tới nay vẫn chưa được biết chính xác. Nhưng có những yếu tố thuận lợi khiến trẻ dễ bị lồng ruột như trẻ bụ bẫm, nhiễm siêu vi hô hấp, đường ruột trước đó... Tuy nhiên, lồng ruột lại không liên quan đến việc trẻ chạy nhảy, nô đùa như nhiều người lầm tưởng.

Biến chứng của lồng ruột là do sự tắc nghẽn:

Tắc lòng ruột làm cho thức ăn và dịch không lưu thông được, trẻ nôn ói gây mất nước, mệt lã, bơ phờ, đừ, kém linh hoạt.

Tắc ruột kéo dài gây thiếu máu nuôi thành ruột làm chết đoạn ruột bị lồng, phải phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột bị hoại tử. Trẻ phải nhập viện, nằm viện lâu và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Thiếu máu nuôi dẫn tới thủng đoạn ruột hoại tử gây viêm phúc mạc: đây là tình trạng nặng, đe dọa tính mạng của trẻ, cần được điều trị cấp cứu.

Trẻ có thể vào sốc khi bị viêm phúc mạc:
– Tay chân trẻ lạnh, mát, tái hoặc nổi bông.
– Bụng trẻ trướng to, nhấp nhô theo nhịp thở chậm nông hoặc rất nhanh.
– Vẻ mặt trẻ bơ phờ, sợ sệt, hốt hoảng.
Khi có các dấu hiệu trên gọi là tình trạng sốc. Nếu nghi ngờ trẻ bị sốc, cần đưa đi cấp cứu ngay vì bé đã rất nặng.

Lồng ruột được chẩn đoán như thế nào?
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh, thăm khám cho bé. Bác sĩ có thể sờ thấy một khối u trong bụng bé. Để chắc chắn bác sĩ cần:
– Siêu âm bụng hoặc cần thiết có thể chụp thêm X quang, CT scan để tìm dấu tắc ruột, thủng ruột.

Điều trị lồng ruột cho trẻ bao gồm:
Chích một cây kim luồn vào mạch máu của trẻ: tùy tình trạng mất nước của trẻ, bác sĩ sẽ có chỉ định truyền dịch, thuốc tiêm hay không.

Đặt một ống thông qua mũi vào dạ dày giúp bụng trẻ bớt trướng căng.

Tháo khối lồng ruột bằng phương pháp:

Bơm hơi qua một ống thông được đặt từ hậu môn của trẻ giúp đẩy lùi khối ruột lồng. Phương pháp này được chọn lựa hàng đầu trong hầu hết các bệnh viện nhi hiện nay. Đây là một thủ thuật đơn giản, tỉ lệ thành công khá cao (hơn 90%) nếu trẻ được đưa đến bệnh viện sớm khi chưa có biến chứng nặng.

Phẫu thuật khi thủng ruột, bơm hơi thất bại hoặc có nguyên nhân gây nên lồng ruột. Phẫu thuật viên sẽ tháo đoạn ruột bị lồng, cắt bỏ đoạn ruột nếu đoạn ruột đã hoại tử không giữ lại được.

Trong rất ít các trường hợp, lồng ruột có thể tự tháo mà không cần điều trị. Tuy nhiên tình trạng này phải được bác sĩ xác định và theo dõi, thân nhân không được tự ý chờ đợi cho khối lồng tự tháo.

Lưu ý quan trọng: Lồng ruột có khả năng tái phát vài lần, nên cha mẹ chú ý biểu hiện của con mình sau khi điều trị. Khi có các biểu hiện tương tự như ban đầu, bố mẹ phải nghi ngờ và đưa trẻ vào bệnh viện khám lại sớm.

Bố mẹ cần chuẩn bị những gì khi đưa trẻ vào viện?
Do cần điều trị cấp cứu lồng ruột. Bạn có thể không có đủ thời gian để chuẩn bị.

Bác sĩ sẽ cần thông tin gì?

Bác sĩ sẽ hỏi một số câu, bao gồm:
o  Trẻ bị đau bụng hoặc triệu chứng khác từ lúc nào?
o  Đau bụng liên tục hay từng cơn?
o Trẻ có buồn nôn, nôn hay tiêu chảy không?
o Bạn có thấy máu trong phân của trẻ không?
o  Con bạn bị lồng ruột mấy lần rồi?

Bạn có thể làm gì trong thời gian này?
Hãy nhớ các triệu chứng bệnh của con bạn để cung cấp cho bác sĩ chính xác.
Hãy đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay.
Đừng tự ý cho con uống thuốc không phải do bác sĩ kê toa.
Đừng cho trẻ ăn bất cứ thứ gì khi nghi ngờ con bạn bị lồng ruột.

Danh sách một số bệnh viện điều trị Lồng ruột tại miền Nam
Bệnh viện Nhi đồng thành phố – Địa chỉ: 15 Võ Trần Chí, Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM – Điện thoại: 08 2253 6688
Bệnh viện Nhi đồng 1
Bệnh viên Nhi đồng 2
Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ

BS NGUYỄN THỊ CẨM LOAN – THS BS HUỲNH CAO NHÂN
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ