Kỷ niệm 72 năm ngày thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019)

Cách mạng tháng 8-1945 vừa thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược đất nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân dân ta đã anh dũng chiến đấu, chặn tay bọn xâm lược. Trong những tháng, năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống hoặc đổ máu trên các chiến trường. Theo lời kêu gọi của Đảng, của Chính phủ và Bác Hồ, kế thừa truyền thống “nhân ái, thủy chung” của dân tộc, nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu của mình cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.
Đầu năm 1946 “Hội giúp binh sĩ bị nạn” ra đời ở Thuận Hóa (Huế), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác… Sau đó ít lâu, được đổi thành “Hội giúp binh sĩ bị thương”. Ở Trung ương, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam thành lập ngày 27-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự. Chiều ngày 28-5-1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương.
Để giúp các chiến sĩ trong mùa đông giá rét, cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” được tổ chức trong cả nước, mở đầu bằng Lễ khai mạc “Xung phong mùa đông binh sĩ” được tổ chức chiều ngày 16-11-1946 tại Nhà hát Lớn Thành phố Hà Nội. Phát biểu trong buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nước ta được giải phóng là nhờ có xương máu của toàn dân và xương máu của các chiến sĩ đã hy sinh nơi tiền tuyến… ở hậu phương chúng ta có gia đình ấm áp, ở tiền phương các binh sĩ phải chịu rét mướt… Bây giờ, tôi có hai chiếc áo rét. Một chiếc tôi mặc đã mấy năm nay và một chiếc của ủy ban vận động mùa đông binh sĩ vừa may biếu tôi. Cả hai chiếc tôi tặng các binh sĩ ngoài mặt trận”. Ủy ban vận động “Mùa đông binh sĩ” có sáng kiến tổ chức bán đấu giá áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lấy tiền mua nhiều chiếc áo khác cung cấp cho bộ đội ngoài mặt trận.

Tranh cổ động, Ty thông tin và phòng Thông tin huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên phát hành năm 1946, cổ động phong trào “Mùa đông binh sĩ”.

Tranh cổ động, Ty Thông tin tỉnh Lạng Sơn phát hành năm 1946, cổ động nhân dân tham gia may quần áo rét cho bộ đội.

Tranh cổ động nhân dân tiết kiệm gạo, chăn, vải, áo giúp quỹ Mùa đông binh sĩ, năm 1946.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19-12-1946, hưởng ứng Lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên. Thương binh, liệt sĩ trở thành vấn đề cần được quan tâm. Trước tình hình đó, cùng với việc tiếp tục kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 20/SL ngày 16-2-1947 chính thức đặt chế độ “Lương hưu thương tật” và “Tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên về chính sách thương binh, liệt sĩ, khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.

Để chỉ đạo công tác này trong cả nước, ngày 26-2-1947, Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập. Tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày thương binh” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh. Thực hiện chỉ thị của Người, một Hội nghị trù bị gồm đại biểu của các cơ quan, các ngành ở Trung ương, và một số địa phương đã họp tại một địa điểm ở xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nhất trí chọn ngày 27-7 hàng năm là Ngày thương binh toàn quốc. Ông Lê Tất Đắc, đại diện Chính trị Cục Quân đội Quốc gia Việt Nam tham gia cuộc họp đã tóm lược về ngày đáng ghi nhớ này bằng câu ca dao:

“Dù ai đi Đông về Tây
27 tháng 7 nhớ ngày thương binh
Dù ai lên thác xuống ghềnh
27 tháng 7 thương binh nhớ ngày”

18 giờ ngày 27-7-1947, “Ngày thương binh toàn quốc” mở đầu bằng cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, khoảng 300 người gồm đại diện Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Đoàn thanh niên, Nha Thông tin, Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam và chính quyền địa phương đã dự cuộc mít tinh này. Tại cuộc mít tinh các đại biểu đã nghe ông Lê Tất Đắc công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Thường trực tổ chức Ngày thương binh, liệt sĩ toàn quốc.
Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“… Thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy…”.
– Ông Lê Thành n, Phó trưởng phòng thương binh, thuộc Chính trị Cục nói về mục đích, ý nghĩa ngày thương binh toàn quốc và trách nhiệm của toàn dân đối với thương binh, liệt sĩ.
– Ông Lê Tỵ đại diện thương binh nói lên lòng biết ơn của thương binh đối với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của nhân dân.
– Bà Bá Huy, Bí thư phụ nữ Cứu quốc xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, (người sau này được Bác Hồ gửi thư khen vì có nhiều thành tích giúp đỡ bộ đội, thương binh) đã phát biểu.
– Cuộc mít tinh đã ghi nhận sự ra đời của ngày thương binh liệt sĩ đầu tiên 27-7-1947. Ngày thương binh đầu tiên cũng được tổ chức ở một số tỉnh phía Nam, đặc biệt là thành phố Sài Gòn. Tuy đang bị thực dân Pháp tạm chiếm đàn áp, khủng bố gắt gao nhưng đồng bào đã tổ chức theo cách riêng của mình như: đến ngày đó các cửa hàng “đằng mình” đều đóng cửa nửa ngày và cũng trong thời gian đó không ai ra đường để biểu thị thái độ bất hợp tác với địch. Từ đấy hàng năm đến ngày 27-7, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ 6 bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho thương binh nhân ngày 27-7 hàng năm trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh Vũ Đình Tụng nhân Ngày Thương binh, tử sĩ 27-7. (Báo Cứu quốc, số 1305 ra ngày 27/7/1949).
Thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh nhân Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1953) nhờ Bộ trưởng chuyển tới anh em thương binh một tháng lương của Người và 50 chiếc khăn tay do phụ nữ dân tộc Thái gửi biếu Người.

Từ tháng 7-1955, Ngày thương binh được đổi thành Ngày thương binh liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thẳng vẻ vang của toàn dân tộc.
Từ năm 1970, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định lấy ngày 1 tháng 12 hàng năm làm Ngày thương binh liệt sĩ. Theo đó ngày 1-12 hàng năm, cùng với việc cử đoàn đại biểu đến tặng quà thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều có thư động viên, thăm hỏi và nhắc nhở quân dân các địa phương quan tâm, săn sóc, giúp đỡ thương binh.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo chỉ thị 223/CT-TW ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1975, ngày 27-7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày thương binh liệt sĩ” của cả nước.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, với các tên gọi “Thương binh toàn quốc”, “Ngày thương binh liệt sĩ” và được tổ chức trong những hoàn cảnh khác nhau (chiến tranh, hòa bình ở nửa đất nước, đất nước thống nhất, cả nước tiến hành công cuộc đổi mới), đúng với mục tiêu đề ra ban đầu, mỗi năm đến Ngày thương binh liệt sĩ 27-7, trên khắp đất nước, nhiều việc làm thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, thể hiện truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người đã vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do và cuộc sống bình yên của nhân dân mà hy sinh, cống hiến.

Kỷ niệm kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019), các địa phương trong cả nước đã có nhiều chương trình hoạt động thiết thực, ý nghĩa thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với người có công với cách mạng, gia đình chính sách.

Cũng trong các hoạt động kỷ niệm này, từ ngày 25/6/2019 đến hết ngày 22/8/2019, Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia (Cổng 1400) triển khai chương trình nhắn tin “Tri ân liệt sĩ” với cú pháp TALS gửi 1405 (20.000 đồng/01 tin nhắn). Chương trình nhắn tin “Tri ân liệt sĩ” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp cùng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam chủ trì thực hiện.
Mục đích của chương trình nhằm vận động đông đảo nhân dân cả nước ủng hộ nguồn lực để tri ân các anh hùng liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sỹ, hỗ trợ giám đinh ADN liệt sỹ. Đồng thời, thông qua chiến dịch góp phần tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân trên cả nước về sự sẻ chia và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đây là năm thứ 7, Cổng 1400 triển khai chương trình kêu gọi ủng hộ qua hình thức nhắn tin. Năm 2018, chương trình đã nhận được hơn 711.540.000 đồng tiền ủng hộ tương đương với 35.577 tin nhắn từ các thuê bao di động trên cả nước.
“Tri ân liệt sĩ” là chương trình nhắn tin ý nghĩa, thiết thực. Ban tổ chức chương trình mong muốn các tấm lòng hảo tâm trên cả nước cùng chia sẻ thông tin rộng rãi đến cộng đồng, thực hiện nhắn tin TALS gửi 1405 để hỗ trợ các bà Mẹ Việt Nam anh hùng đang đơn côi trong những căn nhà dột nát, giá lạnh cần được trùng tu, sửa chữa; Hỗ trợ nhiều mộ liệt sỹ chưa biết tên cần được giám định ADN xác định danh tính, quê quán; Hỗ trợ nhiều liệt sỹ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên cả nước.

THANH HÀ (Tổng hợp)
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ