Kỷ niệm 130 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020) Bàn về tư tưởng của Bác đối với ngành Y tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị cha già dân tộc, lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Thế giới, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời.

Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động thiết thực, các cấp các ngành với các công trình, phần việc hiệu quả để báo công với Bác. Nhân đây nói về những lời căn dặn của Bác đối với ngành y tế.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có mối quan tâm rất lớn đến việc xây dựng nền y học Việt Nam, Người xem những lời giáo huấn của các bậc tiền bối về y đức là bài học quý để căn dặn các thế hệ thầy thuốc đời sau học tập và noi theo, vì vậy trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, việc xây dựng nền y học Việt Nam vững mạnh, trong đó việc xây dựng người thầy thuốc Việt Nam mẫu mực được Người đặc biệt quan tâm.

Nói đến công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Người nói: “Mỗi người dân yếu ớt tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là góp phần làm cho cả nước mạnh khoẻ”, “…Việc gì cũng cần có sức khoẻ mới thành công”. Người kêu gọi “luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”. Người đã phát động phong trào “đời sống mới” với nội dung chủ yếu là giữ gìn vệ sinh.

Đặc biệt, trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc ngày 27 tháng 2 năm 1955, Bác Hồ đã gửi thư căn dặn ba điều như sau:

  1. “Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
  2. Thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mạng nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh, em ruột thịt của mình coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu” câu nói ấy rất đúng.
  3. Xây dựng một nền y học của ta. Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã được độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y học thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng”.

Năm 1964 trong hội nghị chính trị đặc biệt họp tại Hà Nội, khi thấy giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên, cố Viện trưởng Viện mắt, Bác liền hỏi “Chú Nguyên, chú chữa mắt, chú có biết vì sao về các làng xóm vẫn thấy các cháu còn toét mắt”?. Và trong lúc giáo sư đang tìm câu trả lời thì Bác đã nói: “Các cô, các chú chưa chú ý tuyên truyền phòng bệnh trong nhân dân. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng các bệnh mắt sâu rộng hơn nữa”!

Mùa xuân năm 1946, Bác còn nhắc nhở cán bộ y tế: “Đừng có ngại khó, ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu, phải dịu dàng, khiêm tốn, thương yêu đồng bào, không được hách dịch ban ơn…”

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc nước ta. Trong nhiều thập niên qua, ngành y tế Việt Nam đã không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt, từ tổ chức mạng lưới đến chất lượng trong công tác phòng và chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố đã tiến hành bình chọn các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020. Mục đích nhằm tuyên dương các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, thiết thực. Những tập thể và cá nhân được biểu dương, khen thưởng phải thật sự là những gương tiêu biểu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố nói riêng và ngành Y tế nói chung trong việc thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các tiêu chí đánh giá, bình chọn dành cho tập thể, cá nhân cụ thể, rõ ràng, thuyết phục đều được xem xét biểu dương, khen thưởng theo quy định: Tập thể phải tổ chức triển khai tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với nhiều nét mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả, thu hút được sự tham gia tích cực, đông đảo của cán bộ, đảng viên; Tạo được sự chuyển biến rõ nét, hiệu quả nổi trội trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; có nhiều gương điển hình tiêu biểu được học tập và nhân rộng. Cá nhân có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, là tấm gương tiêu biểu về ý chí rèn luyện, phấn đấu, gương mẫu đi đầu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại khoa, phòng; thiết thực, hiệu quả trong rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, có nhiều sáng kiến có giá trị đem lại hiệu quả thiết thực…

Dựa vào những tiêu chuẩn trên, đã có 28 tập thể và 27 cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xét khen thưởng, Hội đồng Thi đua khen thưởng Bệnh viện đang tiến hành xem xét, bình chọn những tập thể và cá nhân tiêu biểu nhất để chọn ra biểu dương, khen thưởng làm tiền đề để các tập thể Khoa/Phòng phấn đấu để trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những tập thể, cá nhân xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phòng Tổ chức cán bộ
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố