Hướng dẫn phụ huynh trả lời câu hỏi khi tiêm chủng Hướng dẫn trả lời câu hỏi sàng lọc

Hôm nay trẻ có bệnh gì không?

Trẻ đang có bệnh và được chẩn đoán viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng tiêu hóa, sốt cao… sẽ không được tiêm chủng. Những trẻ có bệnh nhẹ như viêm hô hấp trên không kèm sốt, tiêu chảy cấp không mất nước… thì không có chống chỉ định tiêm ngừa.

Trẻ có dị ứng với thuốc, thức ăn hay vắc xin không?

Trẻ từng có biểu hiện dị ứng như mề đay, khò khè, khó thở  hoặc sốc sau khi uống một loại thuốc hay ăn một lọai thức ăn, hoặc sau chủng ngừa một loại vắc xin nào sẽ cần được đánh giá cẩn thận trước khi tiêm chủng. Ví dụ, nếu trẻ có phản ứng nặng khi ăn trứng, trẻ có thể sẽ có chống chỉ định chích ngừa cúm.

Trẻ có bị phản ứng nặng sau những lần tiêm chủng vắc xin trước đây không?

Trẻ từng có biểu hiện dị ứng như mề đay, khò khè, khó thở  hoặc sốc sau khi tiêm liều vắc xin trước sẽ không được tiêm mũi tiếp theo của vắc xin đó.

Trẻ có bị động kinh, co giật, hay yếu tay chân không?

Trẻ được bác sĩ chẩn đoán động kinh hay từng bị co giật (hoặc “làm kinh”); Trẻ có từng được bác sĩ chẩn đoán yếu liệt hay bệnh lý não có thể sẽ không được tiêm ngừa vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván.

Trẻ có bị ung thư, bệnh bạch cầu, AIDS hay bất cứ rối loạn hệ thống miễn dịch không?

Nếu trẻ được chẩn đoán ung thư, bệnh bạch cầu (“bệnh máu trắng”), AIDS hay các bệnh khác gây suy giảm nặng khả năng miễn dịch như bệnh giảm bạch cầu, bệnh thiếu kháng thể IgA… thì có thể có chống chỉ định tiêm chủng. Trẻ thường bệnh viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, nhiễm siêu vi…là do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, vẫn có thể chủng ngừa.

Trong vòng 3 tháng qua trẻ có được điều trị cortisone, prednisone, các thuốc steroide khác hay thuốc điều trị ung thư, hoặc điều trị bằng tia X không?

Cortison, prednisone hay steroide là các thuốc kháng viêm thường được dùng để điều trị một số bệnh như viêm phế quản, viêm thanh quản, hội chứng thận hư… Nếu con anh/chị có sử dụng các thuốc trên trong vòng 3 tháng qua với liều điều trị cao và kéo dài hơn 2 tuần thì sẽ không được tiêm chủng, ngược lại, trẻ vẫn được tiêm chủng bình thường

Trong vòng 12 tháng qua trẻ có được truyền máu hay các chế phẩm máu không?

Nếu trẻ được truyền máu hoặc các sản phẩm thuốc được gọi là globulin miễn dịch để điều trị bệnh Kawasaki, tay chân miệng… trong vòng 1 năm qua sẽ không được tiêm ngừa.

Trong vòng 4 tuần qua, trẻ có được tiêm vắc xin không?

Nếu trong vòng 4 tuần qua trẻ đã được tiêm vắc xin thì không nên tiêm hôm nay vì mũi tiêm hôm nay có thể không có tác dụng. Trẻ nên đợi đủ 28 ngày để tiêm mũi tiếp theo nhằm giúp mũi tiêm này có tác dụng.