Hành vi che giấu bệnh truyền nhiễm có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được Chính phủ ban hành ngày 28/9/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 117) là những hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm:
– Vi phạm các quy định về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS
– Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh
– Vi phạm các quy định về dược, mỹ phẩm
– Vi phạm các quy định về trang thiết bị y tế
– Vi phạm các quy định về bảo hiểm y tế
– Vi phạm các quy định về dân số.


Nghị định 117/2020 của Chính phủ ngày 28/9/2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, thay thế Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế ban hành năm 2013.

Nghị định 117 có nhiều quy định xử lý hành chính, hình sự mang tính răn đe đối với một số vi phạm trong lĩnh vực khám chữa bệnh, y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS, dược, trang thiết bị, mỹ phẩm, về bảo hiểm y tế, về dân số… Theo Nghị định 117/2020 của Chính phủ ngày 28/9/2020, nhiều hành vi vi phạm có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, như: che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân; tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch về thông tin khám chữa bệnh; đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám chữa bệnh; gây tổn hại đến sức khỏe, đe dọa tính mạng người hành nghề trong khi đang khám chữa bệnh; giả mạo một trong các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề; làm giả, sửa chữa hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; lập hồ sơ bệnh án, kê khống thuốc BHYT mà thực tế không có người bệnh, giá trị từ 10 triệu đồng trở lên…

Ngoài ra, theo Nghị định 117, hành vi khám chữa bệnh khi đang bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc bị đình chỉ hành nghề; khám chữa bệnh vượt phạm vi chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề; thuê, mượn chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh để hành nghề; cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh thì ngoài phạt tiền 30 – 40 triệu đồng (như cũ) còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh 22 – 24 tháng (trước đây tối đa 12 tháng)…

Phòng Tổ chức cán bộ
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố