Đau khớp do tăng trưởng ở trẻ em

ĐAU KHỚP TĂNG TRƯỞNG Ở TRẺ EM LÀ GÌ?

Ở trẻ em rất thường gặp các trường hợp hay kêu đau ở chân. Đó là cảm giác đau nhói ở các khớp nhưng không có vị trí rõ ràng. Đôi khi đau tập trung ở đầu gối. Khi trẻ đau ở chân không rõ vị trí, đau về đêm, ban ngày hoàn toàn bình thường, xảy ra trong vài ngày rồi hết hẳn, sau đó tái diễn là triệu chứng của quá trình tăng trưởng mà y học gọi là đau tăng trưởng   

MỨC ĐỘ THƯỜNG GẶP:

 Đau tăng trưởng thường gặp từ 25% đến 40% trẻ em, bắt đầu sau ba tuổi có thể kéo dài đến hết tuổi dậy thì. Nhìn chung, tình trạng này thường rõ nhất trong hai giai đoạn: trẻ nhỏ từ 3 đến 5 tuổi và lớn hơn từ 8 đến 12 tuổi.

Tìm hiểu về mặt y học, người ta chưa rõ lý do trẻ đau. Các khám nghiệm như chụp Xquang, thử máu không có biểu hiện bệnh lý gì. Do vậy mới có ý nghĩ coi việc trẻ đau có liên quan đến sự tăng trưởng của  cơ thể. Mặt khác, trên thực tế không phải tất cả mọi trẻ đều có hiện tượng như vậy.

CÁC NGUYÊN NHÂN ĐAU KHỚP TĂNG TRƯỞNG:

Cơ chế gây đau tăng trưởng hiện nay được cho là do trẻ tham gia các hoạt động thể thao như đá bóng, chạy nhảy, bóng chày, bóng rổ, cầu lông… với cường độ nhiều và liên tục. Cơn đau có thề xảy đến sau khi trẻ có một ngày vận động quá tích cực.

Cơn đau tăng trưởng luôn xảy ra ở các cơ. Trẻ thường than đau mặt trước của đùi, trong bắp chân, hay sau gối, khớp trẻ bình thường. Trong khi đó, nếu khớp trẻ bị sưng, nóng, đó hay đau, cần nghĩ đến tình trạng bệnh lý thực sự ảnh hưởng lên khớp. Mức độ cơn đau khác nhau giữa các trẻ và hầu hết trẻ không đau mỗi ngày. Một triệu chứng giúp các bác sĩ chẩn đoán đau tăng trưởng là cách trẻ đáp ứng với việc chạm vào trẻ khi đau. Ở trẻ đau do bệnh lý thực sự sẽ không thích bị chạm vào vì cử động làm tăng cơn đau. Nhưng với những trẻ đau tăng trưởng, chúng cảm thấy dễ chịu hơn khi được dỗ dành, vuốt ve và xoa bóp.

BIỂU HIỆN ĐAU KHỚP TĂNG TRƯỞNG:

 Một số biểu hiện sau cho thấy trẻ có nguy cơ bị đau nhức tăng trưởng:
+ Cơn đau thường xảy ra ở các cơ.
+ Đau mặt trước của đùi, đau trong bắp chân, sau gối.
+ Trẻ thường đau vào buổi tối (sau một ngày hoạt động).
+ Cơn đau kéo dài trong vài ngày, ít lâu lại tái lại.
+ Các khớp biểu hiện bình thường. Một số trẻ có thể cũng bị đau bụng hoặc đau đầu trong thời gian này.

KHI NÀO CẦN ĐƯA TRẺ ĐẾN BÁC SĨ:

 Bản thân đau khớp tăng trưởng không nguy hiểm và không cần điều trị. Tuy nhiên, có một số bệnh lý nguy hiểm cũng có biểu hiện đau tại khớp và cần được đưa đến bác sĩ ngay nếu:
Tình trạng trẻ bị đau xương khớp tái diễn, dai dẳng gây hạn chế vận động
Đau ở khớp kèm theo các dấu hiệu viêm (sưng, nóng, đỏ).
Đau khớp liên quan đến chấn thương.
Đau khớp kèm theo các biểu hiện toàn thân khác như sốt, phát ban, biếng ăn, mệt mỏi…

CÁC CHĂM SÓC CƠ BẢN VỚI TRẺ ĐAU KHỚP TĂNG TRƯỞNG:

  • Để trẻ nghỉ ngơi, nằm ở tư thế dễ chịu nhất. Bạn có thể thực hiện các kỹ thuật xoa bóp tại các khu vực khớp bị đau của trẻ. Thực hiện một cách nhẹ nhàng trẻ không có cảm giác đau đớn. 
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý. Do đó, người nhà cần lựa chọn những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như trứng, sữa, thịt, ăn nhiều chất xơ từ rau xanh, hoa quả và nên hạn chế ăn chất béo.
  • Vận động nhẹ nhàng nếu tình trạng đau đớn không quá nhiều.

Và cuối cùng, Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ