Tăng cường giám sát công tác quản lý khai y tế

Khai báo y tế trong sàng lọc COVID-19 chỉ phát huy tác dụng khi người khai báo trung thực và nội dung khai báo phải luôn được cập nhật kịp thời, nhất là yếu tố dịch tễ. Do đó, khai báo y tế khi đi khám bệnh tại các bệnh viện phải được xem là một trách nhiệm đối với xã hội của người khai báo và trách nhiệm của bệnh viện trong tổ chức và khai thác dữ liệu khai báo giúp kịp thời sàng lọc những trường hợp nghi ngờ.(Khai báo y tế thủ công sẽ được thay thế bằng khai báo điện tử khi đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn TP)

“Từ thực tiễn ca bệnh mới nhất tại Gia Lai cho thấy, bệnh nhân đã đến bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai khám và đã đi qua một vài khoa nhưng do không hề có triệu chứng hay dấu hiệu gì của COVID-19 mà chỉ có 1 biểu hiện khiến bệnh nhân phải đi khám là về tiêu hoá nên chỉ đến khi vào Khoa Tiêu hoá khám chuyên sâu thì các bác sĩ mới yêu cầu bệnh nhân quay trở lại phòng khám cách ly.

Thông tin tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương chống dịch COVID-19 chiều 2/2, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, qua phân tích 240 bệnh nhân COVID-19 mới đợt này cho thấy có đến 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Đây là thách thức lớn với các bệnh viện trong quá trình sàng lọc bệnh nhân.”

(Trích từ “80% bệnh nhân COVID-19 mới không có triệu chứng, các bệnh viện phải khai thác kỹ dịch tễ” – https://suckhoedoisong.vn, 02/02/2021)

Một thực tiễn khác mới đây tại một bệnh viện của TPHCM, một phụ huynh đưa con đi khám bệnh tại một bệnh viện chuyên khoa Nhi, phụ huynh này được xác định thuộc diện F1 ở một địa phương (do có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 trước đó, đang được truy vết), nhưng khi khai báo y tế lại khai địa chỉ tại TPHCM. Đến khi TTYT quận thông báo cần truy vết trường hợp này thì bệnh viện mới biết, khi đó bệnh viện phải truy xuất camera và phải cách ly 20 nhân viên bệnh viện đã tiếp xúc và làm xét nghiệm khẩn cấp.

Qua các trường hợp thực tế như trên và qua nhận định của Cục trưởng Cục QLKCB, khai báo y tế trong sàng lọc COVID-19 sẽ giữ vai trò quan trọng, và khai báo y tế thật sự chỉ phát huy tác dụng khi người khai báo trung thực và nội dung khai báo phải luôn được cập nhật kịp thời, nhất là yếu tố dịch tễ.

Ngoài ra, các bệnh viện cần phải tăng cường cải tiến chất lượng hoạt động khai báo y tế, phải triển khai chuyển đổi số trong khai báo y tế, và cần sàng lọc nhiều cấp độ (tại khoa Khám bệnh, tại các khoa nội trú,…) nhằm tránh để “lọt lưới” các trường hợp F1.

Trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Y tế về ứng dụng khai báo y tế trong tầm soát tại các bệnh viện, Sở Y tế TPHCM sẽ triển khai phần mềm ứng dụng trong khai báo y tế nhằm mục đích giúp các bệnh viện dễ dàng cập nhật nội dung khai báo, rút ngắn thời gian khai báo, cảnh báo quản lý khai báo, phân tầng quản lý khai báo,… đó cũng chính là những ưu điểm sẽ mang lại khi triển khai chuyển đổi số công tác khai báo y tế so với khai báo thủ công như hiện nay tại hầu hết các bệnh viện.

 Nguồn Sở Y tế TPHCM