Các bệnh lý thường gặp ở trẻ mùa tựu trường

Tại bệnh viện Nhi đồng Thành Phố, giai đoạn tựu trường hằng năm đều ghi nhận số lượt bệnh khám các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, và truyền nhiễm tăng cao. Đây là thời điểm trẻ đi học lại sau một kì nghỉ dài, tiếp xúc với môi trường học đường, tiếp xúc với nhiều người hơn (ngoài người thân trong gia đình) nên khả năng mắc bệnh thường tăng. Sau đây là một số bệnh thường gặp mà phụ huynh cần lưu ý để phát hiện sớm cũng như phòng ngừa cho trẻ.

  1. Viêm mũi họng

Bệnh thường do nhiễm siêu vi hoặc vi khuẩn, ủ bệnh 2-3 ngày
Dấu hiệu: chảy mũi, nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, ho, trẻ có thể sốt hoặc không, nước mũi ban đầu trong rồi đục dần
Chăm sóc: nhỏ mũi bằng Natri Chlorua 0.9%, súc miệng, thuốc ho thảo dược để giảm ho, thuốc hạ sốt Acetaminophen

  1. Viêm tiểu phế quản cấp

Viêm tiểu phế quản cấp là bệnh viêm cấp tính của phế quản nhỏ, thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, thường do nhiễm siêu vi
Dấu hiệu: ho, sổ mũi, khò khè, thở nhanh, thở lõm ngực, có thể sốt hoặc không
Chăm sóc: nhỏ mũi bằng Natri Chlorua 0.9%, hạ sốt
Phụ huynh cần cho trẻ đi khám sớm nếu trẻ khò khè nhiều hoặc ho kéo dài vài ngày. Cần đến bệnh viện ngay nếu người nhà thấy trẻ bỏ bú, khó thở, tím tái, hoặc bệnh nặng dần.

  1. Viêm phổi

Viêm phổi là tình trạng viêm của nhu mô phổi do nhiễm trùng hoặc hít sặc, và một số nguyên nhân ít gặp khác.
Dấu hiệu: ho, sổ mũi, khò khè, khó thở, đau ngực, có thể kèm sốt, ói, tiêu chảy…
Chăm sóc: Trẻ cần được gặp bác sĩ càng sớm càng tốt, tùy theo mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định trẻ cần nhập viện hay điều trị tại nhà.
Cần đến bệnh viện ngay nếu người nhà thấy trẻ bỏ bú, khó thở, tím tái, hoặc bệnh nặng dần

  1. Đau bụng cấp

Đau bụng cấp tính là những cơn đau vùng bụng từ nhẹ đến dữ dội, xảy ra đột ngột, có thể là biểu hiện của nhiều bệnh nội khoa hoặc ngoại khoa.
Nội khoa: cơn khóc colic, viêm dạ dày ruột, táo bón, dị ứng, nhiễm trùng đường tiểu…
Ngoại khoa: viêm ruột thừa, tắc ruột, lồng ruột, chấn thương bụng, xoắn ruột…
Trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt nếu cơn đau tăng dần hoặc gây khó chịu nhiều, không đáp ứng điều trị.

  1. Tiêu chảy cấp

Tiêu chảy là tình trạng tiêu lỏng từ 3 lần trở lên trong 1 ngày. Nguyên nhân của bệnh thường do nhiễm siêu vi. Một số nguyên nhân khác như nhiễm vi khuẩn, tác dụng phụ của kháng sinh, bệnh lý của cơ quan khác ảnh hưởng ruột…

Chăm sóc: Trẻ cần được tăng cường bú mẹ hoặc ăn thêm, uống nhiều nước theo nhu cầu của trẻ (Oresol, nước sạch, cháo, súp, nước dừa, nước hoa quả…)
Phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu:
Đi tiêu rất nhiều lần phân lỏng
Ói tất cả mọi thứ sau ăn
Trở nên rất khát
Ăn uống kém hoặc bỏ bú
Trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị
Sốt cao hơn
Có máu trong phân
Co giật

  1. Ói nhiều

Ói là biểu hiện của nhiều bệnh lý ở nhiều cơ quan khác nhau. Có một số nguyên nhân cần phải điều trị khẩn cấp, một số khác có thể dùng thuốc và theo dõi tại nhà nếu trẻ có thể uống được.
Chăm sóc: chia nhỏ bữa ăn, ăn uống từng ít một
Phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ:
Ói tất cả mọi thứ
Dịch ói có màu vàng, xanh, ói có máu
Bé uống háo hức hoặc không uống được
Tiêu phân có máu
Li bì hoặc kích thích

  1. Tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do virus đường ruột là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71.
Dấu hiệu
Giai đoạn ủ bệnh: 3 – 7 ngày.
Giai đoạn khởi phát: từ 1 – 2 ngày với các triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
Giai đoạn toàn phát: có thể kéo dài 3 – 10 ngày với các triệu chứng điển hình:

    • Loét miệng: vết loét đỏ đường kính 2-3mm ở miệng, nướu, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, tăng tiết nước bọt.
    • Mụn nước: tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông
    • Sốt, ói, giật mình, cử động bất thường, co giật…
    • Biến chứng nặng của bệnh thường xuất hiện sớm từ ngày 2-5 của bệnh.

Giai đoạn lui bệnh: thường từ 3 – 5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng
Chăm sóc: nếu bác sĩ đánh giá bé chưa có biến chứng và có thể theo dõi tại nhà, phụ huynh cần lưu ý những điều sau:
Nghỉ ngơi tại nhà, tránh kích thích, cách ly với các trẻ khác
Vệ sinh răng miệng
Tiếp tục cho ăn, bú; ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, để nguội, tránh thức ăn chua, cay
Tái khám mỗi 1-2 ngày đến ngày thứ 8 của bệnh
Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu:
Sốt cao
Thở bất thường
Quấy khóc liên tục
Khó ngủ hoặc ngủ li bì hoặc ngủ gà
Giật mình, hốt hoảng, chới với
Ngồi không vững hoặc đi loạng choạng
Run tay, chân hoặc co giật
Vã mồ hôi
Nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú
Yếu tay chân
Da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái

  1. Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do nhiễm siêu vi Dengue lây truyền qua muỗi vằn Aedes aegypti
Dấu hiệu:
Sốt cao đột ngột, liên tục kéo dài từ 2-7 ngày
Nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, đau mỏi cơ
Da nổi đỏ
Nôn ói, đau bụng
Li bì hoặc vật vã
Chảy máu
Chăm sóc: nếu bác sĩ sau thăm khám đánh giá trẻ chưa có dấu hiệu năng, có thể điều trị tại nhà, phụ huynh cần lưu ý:
Hạ sốt: Acetaminophen đơn chất liều 10-15 mg/kg/lần mỗi 4 – 6 giờ, để thoáng, lau mát bằng nước ấm
Không dùng aspirin, ibuprofen để hạ sốt vì có thể gây chảy máu
Cho trẻ uống nhiều nước: nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh,…) hoặc các dung dịch có chứa điện giải và đường (nước biển khô)
Cho ăn bú nhiều lần, thức ăn lỏng dễ tiêu
Tránh dùng các chất có màu đen, đỏ, nâu (Coca, Pepsi, Sá xị, cháo huyết…) vì dễ nhầm với chảy máu tiêu hóa
Cho trẻ tái khám theo hẹn vì có thể cần xét nghiệm máu kiểm tra lại
Phụ huynh đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu:
+ Trẻ ói mửa nhiều; đau bụng.
+ Bứt rứt; quấy khóc; lừ đừ; li bì; nằm một chỗ không chơi
+ Tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi
+ Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói máu, đi tiêu phân đen

NGUYÊN TẮC PHÒNG NGỪA CHUNG CHO TRẺ

Dạy trẻ rửa tay thường xuyên và đúng cách
Dinh dưỡng: cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm theo nhu cầu, ăn chín uống sôi, nguồn thực phẩm sạch an toàn
Đeo khẩu trang khi ở nơi đông người, hoặc khi tiếp xúc với người bệnh.
Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, tay nắm cửa, thanh vịn, lan can, sàn nhà thường xuyên
Cách ly trẻ bệnh tay chân miệng tại nhà, không cho đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh
Phòng ngừa sốt xuất huyết:
Tích cực chủ động diệt muỗi, lăng quăng
Không để các vật dụng chứa nước có thể sinh muỗi trong nhà, loại bỏ những ly, lọ chứa nước lâu ngày trong nhà. Các chum vại chứa nước cần được cọ rửa, vệ sinh kỹ, đậy kín nắp
Dọn dẹp nhà cửa thoáng đãng, không ẩm thấp, phát quang bụi rậm, không để nước tù đọng trong bịch ny lon, hộp cơm, chai lọ, vỏ xe… quanh nhà
Chú ý treo mùng khi ngủ, kể cả ngủ vào ban ngày
Tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng

Khoa Khám bệnh
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố