Bệnh tăng huyết áp ở trẻ em

Huyết áp cao thường thấy xuất hiện ở người lớn và người cao tuổi, điều này có thể đúng trong quá khứ, hiện tại tăng huyết áp cũng xảy ra ở trẻ em, nếu không được phát hiện sớm nó dễ gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm cho trẻ.Việc chẩn đoán bệnh lý cao HA ở trẻ khá phức tạp, vì HA thay đổi theo độ tuổi, giới tính, chiều cao của trẻ. Nguyên nhân do đâu trẻ bị cao HA ???

Nguyên nhân:
Những trẻ càng nhỏ HA càng cao thì có nhiều khả năng hướng tới bệnh lý đặc biệt,hầu hết các trường hợp cao HA nguyên nhân là do bệnh lý của thận, mặc dù những bệnh khác như là dị dạng mạch máu,hẹp eo động mạch thận hay bệnh Takayasu cũng có thể là nguyên nhân của tăng huyết áp.
Huyết áp cao vô căn phát hiện chủ yếu ở tuổi thiếu niên và người lớn. Đa số thiếu niên huyết áp cao có nguyên nhân tương tự người lớn như: tiền sử gia đình, chế độ ăn, căng thẳng, béo phì, thiếu luyện tập thường xuyên.

Chế độ dinh dưỡng dễ gây tình trạng béo phì ở trẻ

Phòng ngừa:

Tăng cường hoạt động thể chất cho trẻ

Huyết áp cao ở trẻ em có thể phòng ngừa và điều trị dễ dàng bằng cách thay đổi lối sống, ăn uống khoa học.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia tim mạch, các bậc cha mẹ nên chú ý đến các vấn đề sau:
– Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý
– Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, khoa học, hợp lý, hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường, mỡ, mặn, thức ăn nhanh. Tăng cường chế độ ăn nhiều chất xơ, rau xanh, trái cây…
– Tăng cường hoạt động thể chất cho trẻ như: tập thể dục, vui chơi hoạt động ngoài trời, khuyến khích trẻ năng động. Hạn chế ngồi quá lâu trước màn hình vi tính, chơi game, xem ti vi…
– Hạn chế thực phẩm giàu chất béo, đường và muối(Chú ý lượng muối ăn trong chế độ ăn hàng ngày cho trẻ em từ 4- 8 tuổi là 1,2 g/ngày, trẻ lớn hơn là 1,5 g/ngày. Tránh ăn các loại thực phẩm làm sẳn không ghi rõ lượng muối (sodium, potassium) .
– Giúp trẻ đối phó với stress: Căng thẳng là thủ phạm làm gia tăng bệnh tăng huyết áp, kể cả người lớn lẫn trẻ em.

Đo huyết áp cho trẻ tư thế phải dúng

Dấu hiệu:
– Trẻ thường có các dấu hiệu: nhức đầu, nôn ói, chóng mặt, đỏ bừng mặt, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực xảy ra theo cơn, giảm thị lực, co giật, mệt mỏi, phù ngoại biên….
– Trẻ bị huyết áp cao mà không được điều trị sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như: suy tim, suy thận, tai biến mạch máu não…
– Khi thấy trẻ xuất hiện những dấu hiệu tăng huyết áp nói trên, phụ huynh cần bình tĩnh đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán tăng huyết áp và tìm nguyên nhân điều trị.

Cách đo huyết áp đúng ở trẻ em:
– Máy đo huyết áp phải có kích thước bóng hơi (dung để quấn quanh tay) phải phù hợp với trẻ, không quá lớn, cũng không quá bé.
– Trẻ cần nghỉ ngơi thoải mái 10-15 phút trước khi đo HA.
– Khi đo huyết áp cho trẻ nên để trẻ nằm yên tĩnh, không khóc.
– Thông thường, cần tiến hành đo ở cả hai tay vì ở những trẻ bị hẹp eo động mạch chủ, huyết áp tay trái thường bị giảm hơn.
– Trị số huyết áp đo được phải được so sánh với bảng giá trị bình thường theo tuổi, giới tính, để xác định bé có tăng huyết áp hay không.
– Chỉ có những trẻ được chẩn đoán tăng huyết áp tại các cơ sở y tế mới cần phải theo dõi huyết áp tại nhà.

Chế độ ăn uống khi trẻ bị tăng huyết áp
– Đối với trẻ em bị bệnh huyết áp cao nên ăn cá nhiều hơn ăn thịt, bỏ da bì khi ăn thịt, thêm đậu phụ và các loại đậu khác thay thịt. Uống sữa để bổ sung thêm canxi phòng loãng xương và thêm các chất dinh dưỡng khác.
– Hạn chế cho bé ăn các loại thức ăn có nhiều muối hoặc đồ ăn ngọt, hạn chế các món rán, xào nhiều dầu mỡ.
– Dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật.
– Hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol và axit béo bão hoà như mỡ động vật (trừ mỡ cá), da, lòng phủ tạng, lòng đỏ trứng. Tránh thức ăn chiên xào quá nhiều dầu mỡ. Ngoài ra, trẻ cần được nghỉ ngơi, vui chơi vận động vừa sức, dùng thuốc đúng giờ và đúng liều lượng, khám đều đặn ở bác sĩ chuyên khoa.

Nguồn tham khảo : https://www.vietbao.vn
ĐD Như Hương
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ