Hỏi đáp

Có phải tất cả những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh đều phải phẫu thuật tim mới chữa được hay không? Có biện pháp can thiệp nào khác mà không cần phải phẫu thuật không?

Không phải bệnh tim bẩm sinh nào cũng cần phải phẩu thuật tim. Còn nhiều phương pháp điều trị khác như thông tim, điều trị nội khoa và theo dõi định kỳ. Một số bệnh tim bẩm sinh có thể tự khỏi mà không cần can thiệp gì. Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị cho bệnh nhân dựa theo từng loại bệnh tim bẩm sinh và ảnh hưởng của bệnh lên sức khỏe của bé lúc thăm khám.

Con em được 2 tháng tuổi, bé ngủ rất ít ban đêm lại hay vẹo nhiều như vậy bé có bi sao không?

Giấc ngủ là rất quan trọng đối với sức khỏe, là thời gian cho cơ thể nghỉ ngơi và phát triển. Nhu cầu ngủ mỗi bé có thể khác nhau, nhưng trung bình ở trẻ sơ sinh thời gia ngủ trung bình là 16 – 18 giờ, ở nhóm trẻ 2 – 6 tháng là 14 – 16 giờ. Do đó chị nên xem lại bé mình ngủ đủ chưa, và nên tạo điều kiện thoải mái để bé có giấc ngủ tốt như phòng mát, yên tĩnh, quần áo rộng rãi, bé được giữ vệ sinh sạch sẽ. Ngoài ra, do giấc ngủ của bé nhỏ trong 6 tháng đầu đời có đặc điểm mỗi chu kỳ ngắn phút gồm 10 – 15 ngủ sâu, 10 – 15 phút ngủ động và lặp lại nên cha mẹ bé hay cảm thấy bé ngủ rất ít và hay vặn vẹo trở mình thường xuyên nhưng đây là dấu hiệu hoàn toàn bình thường của trẻ trong giai đoạn ngủ động.

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Con em được 10 ngày tuổi nhưng rốn chưa rụng đi vậy có bình thường không

Khi nằm trong bụng mẹ, dây rốn là sự liên kết sống còn của bé và mẹ. Khi bé ra đời, dây rốn không còn cần thiết nữa, dây rốn được cắt và kẹp bằng kẹp rốn để ngăn chảy máu cũng như ngăn nhiễm trùng. Diễn tiến dây rốn sẽ khô trong 1 tuần và sẽ tự rụng đi khi trẻ 2 – 3 tuần tuổi. Do đó bé của chị 10 ngày tuổi rốn chưa rụng vẫn hoàn toàn bình thường. Chị nên lưu ý giữ rốn trẻ khô thoáng, vệ sinh khi cần bằng gạc mềm thấm nước sạch, không tự giật dây rốn. Nếu rốn có chảy dịch, mủ hoặc máu thì chị cho bé đi khám bác sĩ ngay.

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Bé trai con em 4 tháng được 6kg8, bé bú sữa mẹ hoàn toàn, bé hay đổ mồ hôi nhiều lại rụng tóc nữa, không biết bé có cần uống bổ sung canxi hay đối sữa công thức không?

Bé con chị được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ rất là tốt, với cân nặng 6,8 kg ở trẻ 4 tháng là trong ngưỡng bình thường nên bé nên được duy trì sữa mẹ hoàn toàn tiếp tục đến ít nhất 6 tháng tuổi. Các triệu chứng đổ mồ hôi hay rụng tóc là các triệu chứng sinh lý thường gặp ở lứa tuổi nhũ nhi do đặc điểm tốc độ phát triển và chuyển hóa ở nhóm này rất cao. Tuy nhiên đối với nhóm trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn, bé có thể được bổ sung thêm vitamin D mỗi ngày. Chị nên quan tâm theo dõi chính đến việc theo dõi sự phát triển của bé về cân nặng, chiều cao và vận động và kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi khi bé được đến cơ sở y tế để chủng ngừa.

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Bé nhà tôi được 8 tháng tuổi cũng thường hay bị sốt, ho, thở rít, khó chịu trong lúc ngủ khi thời tiết thay đổi. Điều đáng lo nhất là trước khi bé mắc bệnh thì biểu hiện đầu tiên là bị viêm da, dị ứng da, nhất là vùng bụng, ngực, gò má, cánh tay. Xin hỏi bác sỹ làm sao khắc phục tình trạng bệnh của bé? Chăm sóc bé như thế nào cho hợp lý? Phòng ngừa bệnh cho bé như thế nào?

Trường hợp của bạn tương tự như trường hợp số 2, ho, khò khè, thở rít thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi kèm theo các triệu chứng dị ứng khác là một gợi ý quan trọng của bệnh hen phế quản. Bạn nên cho bé đến khám tại khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố để được khám, chẩn đoán và hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh.

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Bé trai nhà tôi được 10 tháng tuổi. Bé cũng hay bị sốt, ho khan, mỗi lần ho là ói liền và hơi thở nghe rất rít, đồng thời nổi hạt mẩn đỏ rãi rác khắp cánh tay. Vừa rồi, tôi cũng sợ bé bị tay chân miệng. Nhưng sau khi đi khám và uống thuốc, bé hết sốt, ho, thở rít thì những hạt đó cũng lặn mất. Vậy xin hỏi bác sỹ tình trạng bệnh của bé có nguy hiểm không? Làm sao để phòng ngừa bệnh cho bé và xử lý sao đối với những hạt mẩn đỏ đó?

Vì không trực tiếp quan sát những biểu hiện trên da bé nên tôi không thể hướng dẫn cụ thể được. Tuy nhiên con của bạn có biểu hiện sốt, ho, thở rít, khò khè thường trong trong bệnh cảnh của một bện lý đường hô hấp như viêm tiểu phế quản hay viêm thanh khí phế quản. Trong bệnh này khi kèm sốt, trên da bé có thể nổi lên những mảng hồng ban nhỏ,  màu hồng nhạt, giới hạn không rõ, khi ta dùng 2 ngón tay căng trên bề mặt da thì mất đi,  những hồng ban này thường chỉ xuất hiện trong khoảng 3-5 ngày và cũng lặn đi khi bệnh thuyên giảm. Nếu đúng con bạn có những triệu chứng như tôi miêu tả thì bạn có thể yên tâm vì những biểu hiện da này lành tính và sẽ hết mà không để lại di chứng nào hết.

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Bé nhà tôi được 12 tháng tuổi, cân nặng 12,5kg, dài 75,5cm. Khi thời tiết thay đổi là bé bị ho, sốt, sổ mũi, thở khò khè, đêm ngủ bé thường rất khó ngủ, lăn lộn và bú vào là ói ra hết. Đặc biệt là mỗi lần bé bệnh như thế thì trước đó khoảng vài ngày, da bé bắt đầu nổi mẩn sần sùi hoặc nổi hạt như bị dị ứng khắp người. Sau khi hết bệnh là những dấu hiệu dị ứng, viêm da đó cũng mất luôn. Vậy hỏi bác sỹ tình trạng của bé nhà tôi là như thế nào? Có cách gì điều trị hết không? Điều trị như thế nào cho hiệu quả? Những vết nổi mẩn, nổi dị ứng viêm da đó có ảnh hưởng đến sức khỏe của bé không?

12 tháng tuổi nếu là trẻ trai thì có cân nặng từ 7,7-12 kg, chiều dài từ 71-80,5 cm; nếu là gái thì có cân nặng từ 7-11,5 kg, chiều dài từ 68,9-79,2 cm. Như vậy dù là trai hay gái thì con bạn cũng có cân nặng nhiều hơn hơn mức bình thường một tí và chiều cao phát triển tốt phù hợp với lứa tuổi.

Ho, khò khè thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi kèm theo các triệu chứng dị ứng khác là một gợi ý quan trọng của bệnh hen phế quản. Hen phế quản là một bệnh lý tăng nhạy cảm của đường hô hấp có liên quan với các bệnh lý dị ứng khác như chàm (viêm da), viêm mũi dị ứng (chảy mũi, hắt hơi khi thời tiết thay đổi), polyp mũi (tắc nghẹt mũi) và là một bệnh lý có thể phòng ngừa được. Bạn nên cho bé đến khám tại khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố để được khám, chẩn đoán và hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh.

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Bé trai nhà tôi được 13 tháng, cân nặng 10,5 kg, dài 75 cm. Khi 3 tháng tuổi, thời tiết thay đổi, bé bị ho, thở khò khè, tôi có đi bác sỹ khám và cho bé uống kháng sinh. Nhưng sau 2 ngày, những triệu chứng ho, thở khò khè của bé không giảm bớt và nặng thêm, bé bú sữa là ói, sau đó đi khám thì bác sỹ bảo bé bị viêm phổi nhẹ. Sau lần viêm phổi này, cứ mỗi khi thời tiết thay đổi là bé lại ho, sổ mũi và thở khò khè hoài. Có khi sau điều trị 1 tuần hết bệnh thì sang tuần sau có thể bé lại bị lại. Xin hỏi bác sỹ tôi phải chăm sóc bé như thế nào để bé không dễ bị bệnh?

Bé trai 13 tháng tuổi có cân nặng trung bình từ 7,9-12,3 kg và chiều dài từ 72,1- 81,8 cm. Như vậy con bạn có cân nặng và chiều cao phát triển tốt phù hợp với lứa tuổi.

Vào lúc 3 tháng tuổi con bạn đã được chẩn đoán viêm phổi nhẹ và được điều trị khỏi bằng kháng sinh đường uống. Như vậy bạn không phải lo lắng thêm về tiền căn này vì viêm phổi là bệnh lý rất thường gặp ở trẻ dưới 3 tháng, nếu bệnh chỉ ở mức độ nhẹ thì khi khỏi sẽ không gây ra di chứng nào ở đường hô hấp của bé.

Hiện tại con bạn thường xuyên có các vấn đề về hô hấp khi thời tiết thay đổi, những phương pháp chăm sóc sau đây sẽ giúp bé phòng bệnh tốt hơn:

  • Giữ ấm cho trẻ: trong nhà, nơi ngủ và chơi của trẻ phải giữ ấm cúng và thông thoáng. Khi trẻ ra ngoài trời lạnh, phải mang vớ, găng tay, đội mũ cho trẻ.
  • Cho trẻ uống nước nhiều, điều này rất có lợi giúp cho đường hô hấp luôn giữ được độ ẩm cần thiết.
  • Bú sữa mẹ vì trong sữa mẹ có rất nhiều kháng thể và nhiều thành phần có lợi khác giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ.
  • Ăn uống đầy đủ dưỡng chất và các vitamin giúp trẻ khỏe mạnh và tăng cường sức đề kháng
  • Chích ngừa cúm cho trẻ: Cúm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh đường hô hấp cho trẻ đặc biệt vào mùa mưa, chích ngừa cúm sẽ giúp trẻ phần nào phòng ngừa được căn bệnh này. Hiện nay vắc xin cúm có thể được chích cho trẻ từ 6 tháng tuổi không bị dị ứng trứng gà và các thành phần khác của thuốc.
  • Đối với bé đã được chẩn đoán suyễn thì cần tái khám bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng những thuốc ngừa cơn hen phế quản an toàn cho trẻ.

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Con tôi nhập viện rất thường xuyên, mỗi lần như thế tôi đều phải làm lại toàn bộ xét nghiệm khá mắc tiền. Thậm chí có vài lần chỉ cách nhau vài ngày. Cho tôi hỏi lý do tại sao phải thế và có cần thiết phải cứ mỗi lần nhập viện là phải làm lại xét nghiệm?

Có rất nhiều xét nghiệm trong y khoa, chúng được chia làm hai nhóm: (1) xét nghiệm để chẩn đoán gồm chẩn đoán định hướng, chẩn đoán xác định (xét nghiệm vàng), chẩn đoán phân biệt và (2) xét nghiệm để theo dõi gồm theo dõi diễn tiến bệnh, hiệu quả điều trị, biến chứng. Bên cạnh đó các bệnh viện được phân loại, hơn nhau, một phần là do có triển khai đủ xét nghiệm cần thiết phục vụ chuyên môn hay không: bệnh viện cấp 1 phải có đầy đủ xét nghiệm hơn bệnh viện cấp 2, cấp 3. Do đó những lý do phải làm lại xét nghiệm:

– Chưa tin cậy xét nghiệm của nơi gởi bệnh

– Tuyến trước chưa có xét nghiệm đủ “tầm” để chẩn bệnh

Những xét nghiệm để theo dõi diễn biến, hiệu quả điều trị phải làm nhiều lần.

Vì thế nên những xét nghiệm để theo dõi diễn tiến và điều trị cần phải làm nhiều lần, thậm chí là liên tục, để kịp thời xử lý tình huống, diễn tiến phát sinh sớm nhất nhằm đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Trong những lần con tôi nhập viện, việc lấy nước tiểu rất là khó khăn kèm theo ít khi tôi được hướng dẫn, hoặc có cũng khá sơ sài. Tôi muốn biết cách có những cách nào để lấy nước tiểu trẻ nhỏ một cách hiệu quả?

Việc lấy nước tiểu ở trẻ nhỏ không phải là việc dễ dàng bởi vùng da xung quanh lỗ niệu thường chứa những vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiểu. Nếu như vi khuẩn này gây ra hiện tượng ô nhiễm nước tiểu thì kết quả xét nghiệm nước tiểu sau đó ở trẻ sẽ không chính xác. Như vậy, trước khi tiến hành lấy nước tiểu ở trẻ nhỏ, cần làm sạch vùng da xung quanh niệu đạo và sau khi lấy mẫu nước tiểu xong cũng cần làm sạch ngay lập tức. Khi áp dụng phương pháp này, trẻ cần phải ngừng lại vài giây khi tiểu và cha mẹ lấy mẫu nước tiểu vào trong lọ đựng mẫu xét nghiệm.

Với trẻ nhỏ hơn, bác sĩ hoặc y tá có thể chèn ống thông mở đường tiết niệu vào bàng quang của trẻ để có thể lấy nước tiểu. Ở một vài tình huống nhất định, một túi vô trùng có thể được đặt xung quanh khu vực tã của trẻ để lấy được mẫu nước tiểu của trẻ nhỏ.

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

All Topics