Ý nghĩa và bài học dạy trẻ về lì xì ngày Tết – Phần 2

Cha mẹ hướng dẫn trẻ khi được lì xì thì cất vào túi của trẻ hoặc gửi cho cha mẹ giữ hộ, tránh tình trạng trẻ mở bao lì xì trước mặt người cho, thậm chí chê bai khi số tiền lì xì ít. Cha mẹ giúp trẻ ứng xử ở nhà để trẻ có thể thực hiện ngay cả khi không có cha mẹ bên cạnh. Trẻ không được vòi vĩnh thêm khi thấy lì xì ít , hay đánh tiếng đòi lì xì, cha mẹ giúp trẻ hiểu đúng ý nghĩa của lì xì và giữ cách thức, thái độ phù hợp ngay cả khi không được nhận lì xì.

Dạy con trân trọng, giữ gìn những chiếc bao lì xì xinh xắn, không chỉ thể hiện sự trân trọng đối với người tặng, mà còn là cách mà cha mẹ chỉ cho trẻ biết cách quý trọng đồng tiền. Ngoài ra, cha mẹ tuyệt đối không được dùng tiền lì xì của trẻ vừa mới nhận được để lì xì lại ngay cho những trẻ khác hoặc lấy tiền lì xì của trẻ khi trẻ chưa đồng ý. Cha mẹ có thể nhắc trẻ giữ gìn cẩn thận, hoặc nhẹ nhàng trao đổi với trẻ, đưa tiền lì xì cha/mẹ giữ hộ chứ không nên ép trẻ, khiến trẻ ấm ức và phản ứng tiêu cực trong ngày Tết.

Trẻ rất thích thú và có thể lên nhiều kế hoạch để sử dụng tiền lì xì của mình, thường thì trẻ sẽ sử dụng để mua những thứ mình thích. Cha mẹ có thể chia sẻ với trẻ một vài bí quyết để sử dụng hợp lý số tiền này như một người lớn thực sự. Đây cũng là lúc mà trẻ có thể xây dựng cho mình kỹ năng sống: quản lý tài chính thông minh.

Thường thì trẻ sẽ có xu hướng dùng toàn bộ số tiền mình để chi tiêu vì sợ cha mẹ thu lại tiền mừng tuổi. Cha mẹ có thể trao đổi rõ ràng rằng trẻ sẽ được toàn quyền sử dụng số tiền lì xì một cách hợp lý. Ví dụ như trẻ có thể dùng một phần tiền để mua món đồ mà trẻ thích và thấy cần phải sử dụng ngay. Số còn lại trẻ có thể dùng để chi cho một số khoản cần nhiều tiền và có thể thực hiện xa hơn như: tiết kiệm để mua một chiếc xe đạp hay trọn bộ sách mà trẻ yêu thích.

Hoặc cha mẹ có thể dạy trẻ tự tay đút tiền vào heo đất để tiết kiệm dùng cho nhiều khoản chưa có kế hoạch sau này, hoặc mua một món đồ với tư cách là một thành viên trong gia đình. Cha mẹ có thể giúp trẻ lên kế hoạch chi tiêu hàng tháng với số tiền lì xì mà mình có được sau những ngày Tết. Với mỗi tháng kế hoạch hoạt động của trẻ sẽ khác nhau do đó tiền chi tiêu cũng có thể khác nhau. Ví dụ, tháng hè, nhiều hoạt động vui chơi chắc chắn sẽ cần chi nhiều hơn các tháng trong năm học.

Với những dự tính chi tiêu đó, cha mẹ giúp các trẻ có kế hoạch cân đo tính toán sử dụng hợp lí số tiền của mình. Bên cạnh việc sử dụng tiền lì xì cho các nhu cầu bản thân, cha mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ dành một phần để làm từ thiện nguyện, bởi đây là lúc phù hợp nhất để dạy về tình yêu thương, sự chia sẻ với các bạn, những người kém may mắn khác trong cuộc sống.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố