Trẻ biếng ăn không do bệnh lý thực thể.

Định nghĩa biếng ăn

Hiện nay, chưa có định nghĩa biếng ăn chuẩn, một trong những khái niệm đơn giản của biếng ăn đó là: Biếng ăn là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ trong độ tuổi từ 1- 6, biếng ăn được quy ước là khi trẻ không chịu ăn đủ số lựơng thức ăn cần thiết do sự mất ngon miệng dẫn đến bữa ăn kéo quá dài (trên 30 phút thậm chí hàng tiếng).

Nguyên nhân biếng ăn

Biếng ăn bản thân nó không hẳn là một bệnh mà thường là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do bệnh lý hay tâm lý. Có thể chia các nguyên nhân biếng ăn thành những nhóm sau:

  1. Biếng ăn do bệnh: trẻ có bệnh nhiễm trùng cấp tính/ mãn tính, bệnh răng miệng, bệnh lý bẩm sinh, bệnh mãn tính.
  2. Biếng ăn do dinh dưỡng: thức ăn không hợp khẩu vị, thức ăn không đủ dinh dưỡng.
  3. Biếng ăn do tâm lý: trẻ có cảm giác cô đơn, hay được nuông chiều thái quá, cách cho ăn không đúng (trẻ bị ép ăn, vừa ăn vừa chơi hoặc xem TV…)
  4. Biếng ăn thần kinh: biếng ăn do ý thức của trẻ không chịu ăn do quan niệm sai lầm về cơ thể hoặc do tổn thương tâm lý, thường chỉ gặp ở trẻ lớn.
  5. Biếng ăn do “cha mẹ chẩn đoán”: thể trạng của trẻ tốt thậm chí béo phì nhưng cha mẹ muốn trẻ ăn nhiều hơn sức của trẻ.

Rối loạn ăn uống do tâm lý được chẩn đoán ra sao?

Rối loạn ăn uống do tâm lý được chẩn đoán dựa trên bốn tiêu chí dưới đây:

  • Ăn kém từ hơn 1 tháng nay, kéo theo sụt cân hoặc không tăng cân.
  • Không kèm theo bệnh lý thể chất
  • Trẻ không bị mắc bệnh lý tâm thần (như rối loạn nhai lại), khẩu phần dinh dưỡng đầy đủ về lượng và chất, song trẻ vẫn kém ăn
  • Xảy ra trước 6 tuổi và tình trạng biếng ăn hoặc sụt cân được cải thiện khi một người khác chăm sóc và nuôi trẻ.

Vai trò của chuyên viên tâm lý khác chuyên viên dinh dưỡng như thế nào?

Chuyên viên dinh dưỡng theo dõi cân nặng và chiều cao so với tuổi của trẻ. Chuyên viên dinh dưỡng tìm hiểu về số lượng và chất lượng thức ăn trẻ dùng hằng ngày, tư vấn cho cha mẹ loại thực phẩm nào tốt nhất cho trẻ tùy theo tuổi để trẻ phát triển thể chất tối ưu.

Chuyên viên tâm lý tìm hiểu các khía cạnh sau đây:

  • Mối tương tác giữa cha mẹ và con trong lúc trẻ ăn: tương tác tích cực, như tiếp xúc mắt, xướng âm qua lại, khen ngợi, vuốt ve trẻ là những điều cần được khuyến khích. Ngược lại, tương tác tiêu cực, như ép buộc ăn, dỗ dành, hăm dọa khiến trẻ có hành vi chống đối như tránh nhìn thức ăn, ném thức ăn, là những điều không được khuyến khích. Cha mẹ có thể không nhận ra những gợi ý của trẻ cho thấy trẻ no hay đói, có nhu cầu ăn hay không.
  • Bầu khí trong bữa ăn: vui tươi, thoải mái, hoặc căng thẳng, buồn sầu.
  • Tình trạng sức khỏe của cha mẹ: có căng thẳng thần kinh (stress) do áp lực công việc ngoài xã hội, có trầm cảm, cáu gắt, nóng giận với con.
  • Cách cha mẹ khắc phục: ví dụ như cho trẻ xem quảng cáo trên truyền hình để dụ trẻ ăn.
  • Đánh giá tuổi phát triển của trẻ: một số trẻ mắc rối loạn phát triển thường kèm theo rối loạn ăn uống như chậm biết nhai, kén món, chỉ ăn một số thực phẩm nhất định.
  • Trẻ có rối loạn lo âu vì xa cách cha mẹ: hiện nay nhiều cha mẹ phải đi làm xa quê hương và nhờ ông bà chăm nuôi cháu, nên trẻ thiếu vắng tình thương của cha mẹ có thể dẫn đến rối loạn trầm cảm ở trẻ nhỏ. Rối loạn này được biểu hiện bằng từ chối ăn, khó ngủ, thu mình lại, không nói chuyện, thụ động hoặc trái lại rất hiếu động và hung hăng.

Nguyên nhân biếng ăn về phía trẻ:

Về thân thể: Về tâm lý
· Không đói: do khoảng cách giữa 2 bữa ăn quá gần/ bữa phụ quá gần

· Thiếu các hoạt động vui chơi, vận động

· Thiếu nước/ uống nước quá ít

· Không thể ăn theo công thức “khoa học” quá lạt và  theo số lượng mà Ông bà/cha mẹ quy định

· Không ăn 1 số món

· Cơ địa dị ứng

· Biếng ăn sinh lý vào các giai đoạn phát triển: khi trẻ mọc răng, khi trẻ đi nhà trẻ

· Không được tôn trọng

· Không được hiểu đúng khả năng và nhu cầu tâm sinh lý

· Thức ăn không hợp: chỉ ăn cháo

· Bị ép bú trước ép ăn

=>   Trẻ đau khổ, sợ hãi

=>   Ức chế cảm giác đói/ phản ứng chống đối

=>   Không thích/ ghét người cho ăn

 

 Trẻ biếng ăn, cha mẹ cần làm gì?

  • Không ép trẻ ăn: bởi ép trẻ ăn là cách nhanh nhất để khiến vấn đề trở nên trầm trọng và kéo dài hơn. Hiện tượng biếng ăn chung ở trẻ nhỏ thường là kết quả của việc không tôn trọng những giai đoạn giảm cảm giác thèm ăn của trẻ nhỏ như: giai đoạn trẻ mọc răng, trẻ biết lẫy, biết bò, đi, giai đoạn trẻ 2-3 tuổi khi trẻ bước vào giai đoạn chống đối mạnh mẽ. Trẻ để mẹ cho ăn một cách thụ động mà không chịu nuốt, để thức ăn tự trôi qua cuống họng, nhưng trường hợp thường xuyên xảy ra hơn là trẻ phản đối bằng cách khóc lóc và quay mặt đi. Một khi việc từ chối thức ăn hình thành thì nó sẽ trở thành chứng biếng ăn chống đối. Ngoài ra, Càng ép trẻ ăn thì trẻ càng kháng cự, làm cho cả gia đình rơi vào tình trạng căng thẳng thần kinh và bầu khí gia đình mất bình an.
  • Ba mẹ không phải là nguyên nhân: trẻ từ chối thức ăn chứ không phải từ chối tình yêu của cha mẹ
  • Sự tham gia của người thứ ba: Thường người mẹ sẽ cảm thấy bản thân có lỗi vì đã không nuôi con đúng cách. Người cha có vai trò rất quan trọng trong việc này.
  • Cha mẹ đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa, chuyên gia tâm lý để cảm thấy yên tâm
  • Không mua chuộc/ dọa dẫm con: “Nếu con ăn, con sẽ có quà”; “nếu con không ăn thì con sẽ không được cái này hay cái kia”, “nếu con không ăn thì ba mẹ không thương”, “nếu con không ăn thì ông ba bị sẽ đến bắt con đi”…
  • Những cha mẹ trong quá khứ từng gặp phải các chứng rối loạn ăn uống cần phải được hỗ trợ và giúp đỡ về mặt tâm lý trị liệu để thoát khỏi “bóng ma”của chính mình.”

Tình trạng trẻ biếng ăn sẽ gây ra tình trạng bé kém hấp thu, suy dinh dưỡng hay tệ hơn là suy giảm hệ miễn dịch khiến cha mẹ lo lắng. Để mỗi bữa ăn không phải là cuộc chiến mà là một chuyến phiêu lưu về miền đất ẩm thực thần tiên của tuổi ấu thơ, cha mẹ hãy kiên nhẫn với con bằng tất cả tình yêu thương và sự thông thái. Trên hết, tốt nhất là đảm bảo con bạn biết rằng bạn quan tâm đến chúng như một cá thể riêng biệt, không chỉ về cân nặng hay ngoại hình.

Chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh
Đơn vị tâm lý – Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố

Tài liệu tham khảo:

  1. Không ai hiểu con bằng mẹ – BS Phạm Ngọc Thanh
  2. Từ tiếng khóc đầu tiên đến mong muốn con được làm người lớn – BS Stéphane Barbas