Tầm quan trọng của Vitamin D có được quan tâm đúng?

Như mọi người vẫn biết, Vitamin D là một trong những vitamin thiết yếu của cơ thể con người. Vitamin D có vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo xương nhờ tác dụng chuyển hóa các chất vô cơ mà chủ yếu là canxi và phosphat; nó làm tăng hấp thu canxi và phosphat ở ruột, tăng tái hấp thu canxi ở thận, tham gia vào quá trình canxi hóa sụn tăng trưởng. Do vậy, vai trò của nó rất quan trọng trong sự phát triển bình thường của trẻ em. Bên cạnh đó, nó còn có vai trò điều hòa nồng độ canxi trong máu luôn hằng định, khi thiếu vitamin D, ruột không hấp thu đủ canxi và phospho làm canxi máu giảm, khi đó, canxi bị huy động từ xương ra để ổn định nồng độ canxi trong máu nên gây hậu quả là trẻ em chậm lớn, còi xương, chậm biết đi, chân vòng kiềng… người lớn sẽ bị loãng xương, thưa xương, xương dễ gãy…

Có thể hệ thống một cách tổng quát những mặt tích cực của Vitamin D như sau:

  • Chống nhiễm trùng

Các loại vitamin giúp đảm bảo cho cơ thể hoạt động tốt, ngăn ngừa bệnh tật. Vitamin D giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng như cảm lạnh, cúm.

  • Chống vi khuẩn, vi rút

Vitamin D điều tiết các gen giúp kiểm soát hệ miễn dịch tấn công và tiêu diệt vi khuẩn và virút. Một nghiên cứu được thực hiện ở Nhật Bản cho thấy trẻ em ở độ tuổi đến trường được bổ sung 1.200 đơn vị vitamin D mỗi ngày trong mùa đông giúp giảm 40% nguy cơ bị nhiễm cúm A.

  • Tăng cường sức khỏe xương

Canxi và phốtpho là những yếu tố cần thiết để tăng cường sức khỏe và cấu trúc xương. Vitamin D giúp cho việc hấp thu những khoáng chất này từ thực phẩm vào cơ thể dễ dàng hơn. Đây là yếu tố rất cần thiết để duy trì sức khỏe xương.

  • Tốt cho răng

Vitamin D cũng rất cần thiết cho sức khỏe răng. Bạn cần nhớ thêm rằng trong khi bổ sung vitamin D, hãy dùng kèm vitamin K2 để tăng thêm hiệu quả hấp thu canxi vào xương và răng. Nhờ đó hạn chế lượng canxi chuyển đến những vùng đặc biệt, như động mạch và mô mềm.

  • Phòng bệnh tự miễn

Vitamin D còn được coi là một bộ điều biến miễn dịch tiềm ẩn vì nó giúp ngăn ngừa các bệnh tự miễn như bệnh đa xơ cứng, viêm ruột. Các gen có liên quan đến bệnh tự miễn bị kiểm soát bởi vitamin D. Bằng chứng sinh học chỉ ra rằng vitamin D là lá chắn giúp chống lại một số bệnh tự miễn và ung thư.

  • Giảm nguy cơ bệnh tim mạch

Vitamin D có khả năng làm giảm huyết áp cao, giảm nguy cơ bệnh tim do xơ vữa động mạch, cơn đau tim và đột quỵ. Thiếu hụt vitamin D làm tăng 50% nguy cơ đau tim. Điều tồi tệ hơn là nếu bạn đang bị bệnh tim mạch mà thiếu vitamin D thì nguy cơ đau tim tăng lên 100%. Nếu thiếu vitamin D, sẽ có nguy cơ mắc một loạt các bệnh mạn tính như đa xơ cứng, lao và nhiễm trùng theo mùa… Vì vậy hãy bổ sung đầy đủ loại vitamin quan trọng này.

 

Lợi ích là thế nhưng tầm quan trọng của Vitamin D có được quan tâm đúng hay không, chúng ta hãy xem những số liệu về dịch tễ sau:

Các nghiên cứu trên trẻ em Đông Nam Á và thanh thiếu niên ở Châu Phi, Châu Mỹ cho thấy chế độ ăn nghèo canxi sẽ làm tăng dị hóa vitamin D, thiếu vitamin D và còi xương. Những năm gần đây, thiếu vitamin D được quan tâm nhiều ở châu Á do tỷ lệ còi xương và loãng xương tăng ở nhiều quốc gia. Còi xương và loãng xương là hiện tượng phổ biến ngay cả ở những nước có nhiều ánh nắng mặt trời như Hồng Kông, Malayxia, Indonexia… Nghiên cứu ở Pakistan và Ấn Độ đã cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin D ở trẻ sơ sinh và các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ rất cao. Tỷ lệ thiếu vitamin D cao nhất ở Mông Cổ và Trung Quốc.

Tỷ lệ thiếu (được định nghĩa là 25OHD<50 nmol/L) và không đủ vitamin D (được định nghĩa là 25OHD <75 nmol/L) đã được báo cáo trong các nghiên cứu ở Việt Nam. Điều tra ở thành phố Hồ Chí Minh trên 205 nam giới trưởng thành và 432 phụ nữ đã cho thấy tỷ lệ không đủ vitamin D ở nam là 20%, thấp hơn có ý nghĩa so với phụ nữ là 46%. Kết quả điều tra vi chất ở 19 tỉnh của Việt Nam năm 2010 cho thấy, khẩu phần vitamin D hàng ngày chỉ cung cấp 8,0% nhu cầu khuyến nghị của phụ nữ và 10,6 % nhu cầu khuyến nghị cho trẻ em 1-3 tuổi. Tỷ lệ thiếu vitamin D là 59,3% phụ nữ ở thành thị, 56,2 % phụ nữ nông thôn, 62,1% trẻ em ở thành thị và 53,7% trẻ em nông thôn.

 

Dấu hiệu lâm sàng thiếu vitamin D Còi xương ở trẻ em:

Những dấu hiệu về biến đổi xương có thể xuất hiện sau vài tháng thiếu vitamin D. Con của những bà mẹ bị mềm xương có thể bị còi xương trong vòng 2 tháng sau khi sinh.

  • Dấu hiệu sớm: Các dấu hiệu của hệ thần kinh.
  • Trẻ hay quấy khóc, khó ngủ, ngủ không yên giấc, ngủ hay giật mình do thần kinh bị kích thích.
  • Ra nhiều mồ hôi về ban đêm, ngay cả khi trời lạnh (mồ hôi trộm).
  • Trẻ bị rụng tóc ở vùng gáy (dấu hiệu chiếu liếm).
  • Trẻ thường chậm phát triển thể lực, trương lực cơ giảm (cơ nhẽo), da xanh, lách to.
  • Dấu hiệu muộn:Các dấu hiệu ở xương. Các biểu hiện rối loạn ở xương có thể xuất hiện ở những xương khác nhau, tuỳ theo tuổi của trẻ và mức độ nặng nhẹ của bệnh.
  • Chậm mọc răng và răng mọc không cân đối, chậm biết lẫy, bò, đi…
  • Thóp rộng, bờ thóp mềm, lâu liền thóp.
  • Biến dạng hộp sọ, xương sọ mềm, ấn lõm, trở lại bình thường khi nhấc tay ra (dấu hiệu quả bóng bàn), đầu bẹt.
  • Bướu xương sọ, thường ở vùng trán, vùng đỉnh.
  • Đầu xương cổ tay to, phì đại thành “vòng cổ tay”.
  • Chuỗi xương sườn và biến dạng lồng ngực, chân vòng kiềng, cong vẹo cột sống.
  • Có thể bị co giật do hạ can xi máu.
  • Còi xương là bệnh tiên phát ở trẻ nhỏ sẽ nhìn thấy cẳng chân bị biến dạng và chậm phát triển thể lực. Biến dạng xương ở thời kỳ thơ ấu có thể để lại di chứng cho thời kỳ trưởng thành, xương sống có thể bị gù, vẹo, hẹp khung chậu.

 

Dấu hiệu cận lâm sàng

Chẩn đoán xác định tình trạng thiếu vitamin D dựa vào lâm sàng và một số xét nghiệm cơ bản.

Chụp X quang xương đánh giá sự cốt hoá của các xương rất có ý nghĩa chẩn đoán còi xương ở trẻ em. Trẻ còi xương thường cốt hoá chậm, đầu xương to, bờ cốt hoá nham nhở không đều. Thân xương giảm đậm độ xương.

Xét nghiệm sinh hoá: Nồng độ phốt pho giảm trong còi xương: 1,5-3,5 mg/dL (bình thường: 4,5-6,5 mg/dL).

Chỉ số tin cậy nhất là 25(OH) D huyết thanh. Đánh giá tình trạng thiếu vitamin D và mức độ thiếu vitamin D dựa vào hàm lượng 25(OH) D huyết thanh:

 Hàm lượng 25 (OH) D huyết thanh Tình trạng vitamin D
 > 75nmol/L  Đủ vitamin D
 50 – 75 nmol/L  Hàm lượng vitamin D thấp
 < 50 nmol/L  Thiếu vitamin D
< 25 nmol/L  Thiếu vitamin D mức độ nặng

Chỉ số đặc hiệu khác: 1,25(OH) D huyết thanh. Bình thường: 48-100 pmol/L.

Men phosphatase kiềm tăng khi còi xương: > 500 IU/dL (bình thường 500 IU/dL)

Hiện tại Khoa Hóa Sinh Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố được trang bị hệ thống máy miễn dịch phân tích tự động của hãng Beckman Coulter có thể thực hiện được hầu hết các xét nghiệm miễn dịch từ cơ bản đến cao cấp trong đó có định lượng 1,25(OH) D (Vitamin D) huyết thanh. Việc xét nghiệm đồng độ 1,25(OH) D giúp các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh tình trạng thiếu hụt Vitamin D gây hậu quả nghiêm trọng trong sự phát triển nhất là ở trẻ em.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố
Khoa Hóa sinh
Nguồn sưu tầm