Sức mạnh của trò chuyện.

Giữa tâm bão dịch viêm phổi COVID – 19 (nCoV) đang diễn ra làm tác động đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống từ sản xuất kinh doanh, vui chơi giải trí đến học hành,….Trước không khí ảm đạm, tâm lý lo lắng mà chúng ta đang phải đối diện hằng ngày thì dịch viêm phổi corona cũng mang lại vài điều tích cực: ý thức vệ sinh cá nhân, bảo vệ sức khỏe, rửa tay thường xuyên, tiết kiệm tiền vì không tụ tập bên ngoài,…Bên cạnh đó điều tích cực mà chúng ta thấy rõ là dịp để cha mẹ gần con cái hơn khi các con được nghỉ học dài ngày, tạo dựng mối quan hệ bền vững giữa các thành viên trong gia đình. Để cha mẹ hiểu con hơn thì “trò chuyện’’ đóng vai trò quan trọng, một trong những kỹ năng cha mẹ có thể tạo mối quan hệ lâu dài và có ý nghĩa với con mình. Tuy nhiên cha mẹ thường chưa nhận ra vai trò của mình trong việc nuôi dưỡng và phát triển kỹ năng này. Vậy làm sao để có một cuộc trò chuyện mang lại hiểu quả với con. Câu hỏi được đặt ra và sau đây là một số gợi ý cha mẹ có thể tham khảo.

Chúng ta có thể bắt gặp tình huống hằng ngày, cha mẹ bận rộn lau dọn nhà cửa thì trẻ đổ đồ chơi ra sàn và cha mẹ đã “phàn nàn” trước mặt con như :“ Sao mẹ nói hoài con không nghe?”, “Sao đổ đồ chơi ra nữa vậy?” hoặc“ Hôm nay lại dậy muộn rồi?” Những câu nói tưởng chừng bình thường ấy thật ra đang tập trung vào nỗi thất vọng và tiêu cực. Chúng ta than vãn  nhiều, con sẽ bắt chước nhanh và chán nản giống như chúng ta. Thay vì thế, chúng ta có thể nói những điều tích cực của vấn đề? Chẳng hạn như: “Bây  giờ chúng ta cất đồ chơi, mẹ con chúng ta cùng lau nhà và sau đó mẹ sẽ chơi cùng con nhé” hoặc đơn giản là:“Hôm nay con đã thức dậy sớm hơn”. Hãy thường xuyên nói về điều tích cực, đặc biệt là khi cả nhà gần gũi cùng nhau. Điều này sẽ giúp cho trẻ rèn luyện thói quen nhìn nhận vấn đề theo nhiều hướng khác nhau.

“ Cha/mẹ cảm ơn con” có bao giờ cha mẹ nói với con chưa? Câu nói tuy đơn giản nhưng thực sự không phải dễ dàng vì chúng ta nghĩ con còn quá nhỏ để hiểu nhưng đây là kỹ năng xã hội, là dấu hiệu của sự tôn trọng cần thiết là tạo ra lòng biết ơn ngay từ lúc con còn nhỏ. Cũng như “ Cha/mẹ xin lỗi con” là câu nói mà người lớn cần học và nói khi người lớn làm chưa đúng và gương mẫu thực hiện khi ta mắc lỗi.

Những năm tháng đầu của cuộc đời con chập chững tập đi, vấp ngã, con tự đứng lên và đi tiếp. Chúng ta tập cho con khả năng giải quyết vấn đề và học hỏi những sai lầm là một trong những kỹ năng sống cần thiết vì không ai là hoàn hảo. Khi con không thực hiện được những điều con mong muốn. Đó chưa hẳn là thất bại mà cho con kỹ năng kinh nghiệm về những sai lầm và tiếp tục phấn đấu. Sẽ buồn, đau khổ rất nhiều nếu như cha mẹ “không ngừng chỉ trích”  thay vì nói với con “ Chúng ta ai cũng có thể mắc sai lầm con ạ”, cho con khoảng không gian để con suy nghĩ. Sau đó “ Con cảm thấy như thế nào?” và “Có thể chia sẻ thêm cùng cha/mẹ về…?” là câu hỏi cha mẹ đặt ra, mong muốn con chia sẻ với mình nhiều hơn về cảm xúc, suy nghĩ và ý tưởng của chúng. Điều này cũng liên quan đến việc học cách lắng nghe, và con sẽ thấy cha mẹ quan tâm, muốn hiểu hơn về con .

Tuổi thơ của con sẽ qua đi rất nhanh, nếu cha mẹ không muốn ký ức của con thiếu vắng bóng hình cha mẹ thì cha mẹ hãy dành thời gian cho con, ở bên cạnh con và “trò chuyện” cùng con mỗi ngày. Vì việc trò chuyện không những giúp hình thành nên những đứa trẻ tự tin, nói chuyện lưu loát, khả năng tiếp thu từ ngữ nhanh hơn những đưa trẻ ít được cha mẹ trò chuyện, mà sẽ giúp cho cha mẹ dạy cho con các kỹ năng xã hội, cách hành xử và thái độ sống.

Theo kết quả của một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học-giáo sư tâm lý Suzanne Segerstrom, Trường Đại học Kentucky(Mỹ) cho thấy, lạc quan không chỉ làm cho cuộc sống vui vẻ mà còn tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, giúp con người có thể tránh được bệnh tật, thì chúng ta một lần nữa khằng định việc “trò chuyện” là rất quan trọng, sẽ giúp các thành viên chia sẻ, hỗ trợ, động viên nhau với tinh thần lạc quan trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố