Phụ huynh làm gì khi con “nghiện điện thoại”?

Trong thời đại công nghệ kỹ thuật số hiện nay, khả năng trẻ sở hữu hoặc tiếp cận với chiêc điện thoại thật vô cùng dễ dàng.  Bởi khối lượng công việc ngày càng nặng nề và quỹ thời gian ngày càng hạn hẹp, nhiều bậc phụ huynh không còn cách nào khác đành “giao phó” con mình cho chiếc điện thoại thông minh. Thực trạng trên dẫn đến ở khắp mọi nơi, từ quán ăn đến bệnh viện, hàng triệu đôi mắt ngây thơ đang ánh lên những tia sáng lấp lánh bởi … ánh sáng phát ra từ chiếc điện thoại.

“Con tôi bị nghiện điện thoại”

Nghiên cứu gần đây của công ty Facebook cho biết 93% trong số trẻ từ 6-12 tuổi có quyền truy cập vào điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng và 66% trong số đó có thiết bị riêng. Điều này cho thấy việc kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại, đặc biệt đối với trẻ em không phải là một việc dễ dàng. Trong một cuộc khảo sát vào năm 2018, 47% phụ huynh có con dưới 18 tuổi cảm thấy rằng con họ “nghiện” thiết bị di động. Việc lo lắng trước sự mất cân bằng giữa thời gian sinh hoạt, vui chơi và thời gian sử dụng điện thoại của phụ huynh là điều hợp lý trong xã hội hiện đại. Nhưng làm thế nào để phân biệt giới hạn của việc sử dụng điện thoại một cách bình thường hay bất thường? Dưới đây là một số câu hỏi tầm soát giúp phụ huynh “gỡ rối” thắc mắc: “Liệu con có “nghiện điện thoại” không?”:

  • Trẻ có trở nên tức giận, cáu kỉnh, lo lắng hoặc thậm chí là gây hấn khi điện thoại bị người thân lấy đi hoặc không thể sử dụng không?
  • Trẻ có từ chối hoặc né tránh các sự kiện xã hội hoặc các hoạt động ngoại khóa chỉ để tranh thủ sử dụng điện thoại không?
  • Việc sử dụng điện thoại thông minh có ảnh hưởng tiêu cực đến việc vệ sinh cá nhân, tình bạn, mối quan hệ gia đình hoặc học tập của trẻ hay không?
  • Việc sử dụng điện thoại thông minh có ảnh hưởng đến thói quen ngủ con không?
  • Có bất kỳ thay đổi lớn nào trong tâm trạng của con mà không có cách nào khác để giải thích không?
  • Có bất kỳ thay đổi lớn nào trong thói quen ăn uống của con mà không có cách nào khác để giải thích không? [1]

Nếu trẻ đáp ứng với đa số câu hỏi dưới đây và việc “nghiện” điện thoại ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động hằng ngày của trẻ, điều phụ huynh cần cân nhắc là tìm đến các cơ sở tâm lý để có sự can thiệp chuyên môn kịp thời. Nếu đa số các câu trả lời là “Không”, việc hướng dẫn và giúp đỡ trẻ điều chỉnh thời gian phù hợp cũng là điều vô cùng thiết yếu.

“Bảo mẫu” thời đại số của trẻ

Thật không khó để nhận ra giữa trẻ và công nghệ luôn có mối quan hệ phức tạp.  Các phương tiện giáo dục thông qua công nghệ đang ngày càng phát triển và trẻ có thể kết nối với bạn bè một cách dễ dàng hơn thông qua điện thoại. Đồng thời, các thiết bị điện tử cũng đóng vai trò quan trọng như một phương tiện giải trí. Tuy nhiên, đôi lúc màn hình điện tử hấp dẫn đến nỗi trẻ khó có thể chuyển sang hoạt động khác và dẫn đến việc bỏ quên công việc cũng như mối quan tâm thường ngày. Bên cạnh đó, nghịch lý thay, máy tính và điện thoại có nguy cơ làm suy yếu khả năng ngôn ngữ và tương tác xã hội lành mạnh của trẻ  – một nhu cầu và kĩ năng vô cùng thiết yếu giúp trẻ hòa nhập và hợp tác với mọi người. Bởi màn hình không cho phép trẻ giao tiếp bằng mắt hoặc hiểu biết về cảm xúc thông qua nét mặt của người khác. Đối với trẻ vị thành niên, việc “nghiện điện thoại” có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý, thể chất và trình độ học tập của các em.

Khi điện thoại không còn là nhu cầu

Vậy trẻ cần sử dụng điện thoại thế nào và trong bao lâu thì hợp lý? Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Trẻ từ 2 đến 5 tuổi nên được giới hạn thời gian sử dụng tối đa trong 1 tiếng, tốt nhất nên có người lớn xem cùng.

Đối với trẻ nhỏ, công việc chính của con là vui chơi. Nhờ các hoạt động vui chơi, trẻ gia tăng trải nghiệm và phát triển ở các lĩnh vực khác nhau như vận động, ngôn ngữ, nhận thức,… Đặc biệt, các trò chơi tương tác như giả bộ, đóng vai, chơi cờ hay chơi câu đố, cùng con đọc sách,… không những giúp trẻ phát triển các kỹ năng tương tác xã hội mà còn phát triển tư duy biểu tượng và khả năng sáng tạo. Điều cần thiết với phụ huynh ngay lúc này là dành thời gian tương tác với con một cách chủ động. Khi trẻ có mối bận tâm dai dẳng đến những chiếc điện thoại, phụ huynh hãy bắt đầu với một trò chơi hoặc ứng dụng trên điện thoại trước và sau đó từ từ lôi kéo trẻ khỏi điện thoại bằng cách trò chuyện với trẻ về những nội dung trên điện thoại như “Con thấy chú Doraemon này như thế nào?”,… Sau đó, phụ huynh dần dần loại bỏ các thiết bị công nghệ và thay thế chúng bằng các hoạt động như đọc sách, bơi lội, đi xe đạp, đi công viên, siêu thị,… Việc giữ trẻ tránh xa các thiết bị công nghệ trong hai hoặc ba tuần sẽ giúp các bậc cha mẹ nhận thấy sự khác biệt trong hành vi của con. Bên cạnh việc dành thời gian chơi cùng con, cha mẹ lưu ý khuyến khích tương tác xã hội giữa con với bạn bè đồng trang lứa.

Ở những trẻ lớn hơn, phụ huynh có thể trực tiếp trao đổi với trẻ về những lợi ích và khuyết điểm mà điện thoại mang lại trên phương diện sức khỏe, cảm xúc, học tập và xã hội. Việc thiết lập giới hạn liên quan đến điện thoại như “Không cho phép sử dụng điện thoại trong bữa tối” hay “Không sử dụng điện thoại trước khi ngủ”,…cùng với lời giải thích rõ ràng về các luật lệ đó là điều cần thiết. Đồng thời, cha mẹ cần nhận thức bản thân chính là người thầy cô tốt nhất của con cái. Nếu cha mẹ chăm chú vào điện thoại hàng giờ bên cạnh trẻ, một cách vô hình, trẻ có thể học được điều đó và nghĩ đó là hành vi phù hợp. Vì thế, phụ huynh cần điều chỉnh thời gian sử dụng điện thoại một cách hợp lý. Bên cạnh đó, không ít trẻ tiếp cận với các nội dung bạo lực và “người lớn” trên điện thoại vượt mức nhận thức của trẻ mà phụ huynh không thể kiểm soát được. Điều này dẫn đến những cảm xúc cáu gắt, mất ngủ, ác mộng của trẻ. Vì thế, phụ huynh cần lưu ý việc sử dụng các biện pháp kiểm soát thích hợp để trẻ hạn chế đến mức tối thiểu việc tiếp xúc với các nội dung không phù hợp.

Công nghệ không gây hại nếu chúng được sử dụng cho mục đích phù hợp. Hãy để điện thoại trở thành công cụ phục vụ cho các mục đích học tập và sáng tạo của trẻ, thay vì ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của con.

Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố  

Tài liệu tham khảo:

  1. Frontiers in Psychiatry
  2. Journal of Behavioral Addictions
  3. Psychology Today
  4. World Health Organization