Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ

Ngày 02 tháng 4 hàng năm được Liên Hiệp Quốc chọn là ngày ‘Thế giới nhận thức về tự kỷ’ nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng cho những người mang khuyết tật này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính trên toàn thế giới, cứ 160 người thì có 1 người tự kỷ. Tự kỷ là một rối loạn lan tỏa sự phát triển do bất thường của não bộ xuất hiện sớm trong những năm đầu đời. Trẻ bị tự kỷ có những biểu hiện kém tương tác xã hội, bất thường về ngôn ngữ, giao tiếp và hành vi. Do truyền thông chưa đến được với nhiều phụ huynh, các bậc cha mẹ chưa nhận thức rõ về các dấu hiệu báo động của tự kỷ, dẫn đến việc không phát hiện kịp thời để đưa trẻ đi thăm khám và lên kế hoạch can thiệp.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp trẻ bị tự kỷ nhưng phụ huynh không nhận biết và chỉ đưa trẻ đến phòng khám vì lý do ‘chậm nói’. Điều này khiến cho việc can thiệp cho trẻ bị chậm trễ và hiệu quả không cao. Nếu không được can thiệp sớm đúng phương pháp, vấn đề tự kỷ có thể làm cho trẻ chịu những hệ quả rất nặng nề như không nói được, không giao tiếp được, không tự phục vụ bản thân được suốt cuộc đời.

BẠN ĐÃ HIỂU GÌ VỀ TỰ KỶ???

Nguyên nhân
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được những con số xác thực để kết luận về nguyên nhân nào đưa đến bệnh tự kỷ. Tuy nhiên tự kỷ được xem là một khuyết tật bẩm sinh. Tự kỷ không phải là hậu quả của việc cha mẹ thiếu chăm sóc trẻ hay do phản ứng phụ của Vắc xin như nhiều người vẫn nghĩ.

Di truyền
Tự kỷ có thể di truyền. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ sinh đôi cùng trứng có tỷ lệ bị tự kỷ cao hơn hẳn (64%) do với trẻ sinh đôi khác trứng (9%). Trong khi đó, tỷ lệ anh chị em ruột của cùng mắc tự kỷ là 2 – 3%.

Đặc điểm

Trẻ tự kỷ thường có các dấu hiệu khác thường trong 3 lĩnh vực sau:

  • Hạn chế trong tương tác với người khác trong nhiều bối cảnh: gọi tên ít quay lại; hạn chế tiếp xúc mắt với cha mẹ và người khác; không chia sẻ điều trẻ thích; không chia sẻ cảm xúc; không chơi chung; thiếu tương tác với mọi người; khó khăn trong việc chơi đòi hỏi trí tưởng tượng hoặc kết bạn…
  • Giảm khả năng giao tiếp: chậm nói; không thể hiện ngôn ngữ cơ thể; hay nhại lời; phát âm thanh lạ vô nghĩa; không hiểu và không biết sử dụng cử chỉ, điệu bộ trong giao tiếp…
  • Có các hành vi lặp đi lặp lại: thích tự xoay tròn; thích nhìn vật xoay tròn; thích sắp xếp đồ vật thành hàng thẳng; khó thích nghi với những thay đổi mới; lăng xăng tăng động…

Khi cha mẹ thấy con em mình có những dấu hiệu trên, không nên tự ý kết luận mà cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm lý.

Vai trò của phụ huynh: 

Cha mẹ hoặc người chăm sóc là người ở bên trẻ nhiều nhất nên là những người phát hiện các bất thường nơi con em mình. Phụ huynh cùng là người tiếp xúc nhiều và quen thuộc với trẻ để có thể hỗ trợ dạy dỗ, can thiệp các hành vi cho trẻ mọi lúc mọi nơi. Ngay sau khi trẻ được khám và tư vấn hướng can thiệp, phụ huynh cần cộng tác với giáo viên chuyên biệt để hỗ trợ trẻ. Nhiều dữ liệu lâm sàng mới nhất ghi nhận thời gian vàng can thiệp cho trẻ tự kỷ là trước 3 tuổi.

 

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Tài liệu tham khảo:

  1. American Psychiatric Association (2000), DSM IV, USA
  2. Phạm Ngọc Thanh (2017), Để con được lớn khôn, NXB Tổng hợp TPHCM, TPHCM
  3. Phạm Toàn – Lâm Hiếu Minh (2014), Thấu hiểu & hỗ trợ Trẻ tự kỷ, NXB Trẻ, TPHCM
  4. Quách Thúy Minh (2009), Hỏi đáp về bệnh tự kỷ, NXB Y học, TPHCM