Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (Vietnam press day) là ngày để tôn vinh, tri ân những nhà báo đã đóng góp tâm sức vì một nền báo chí nước nhà vững mạnh, đưa đến độc giả những bài báo phản ánh chân thực các vấn đề đời sống, văn hóa, xã hội, những câu chuyện truyền cảm hứng và những tấm gương đáng tôn vinh.

Từ những năm 60 thế kỉ XIX đã có một số báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ XX, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản. Các tờ báo này tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau. Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập báo Thanh Niên, đây là dấu mốc đánh dấu sự hình thành của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Từ khi có báo “Thanh niên”, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh…

Báo Thanh Niên số ra ngày 3/10/1925. (Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)
Báo Thanh Niên số ra ngày 3/10/1925. (Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)

Ngày 2/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội “Những người viết báo Việt Nam” (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.

Để ghi nhớ công ơn Bác Hồ, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, Tháng 2/1985, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925)  nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng, đề cao vai trò của báo chí trong xã hội, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, khẳng định báo chí có tác dụng to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. 

Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Lịch sử báo chí Việt Nam ra đời trong lòng báo chí thuộc địa nhưng nó đã trải qua những giai đoạn lịch sử phát triển đặc biệt, đúng với hiện thực của lịch sử dân tộc: Thuộc địa; Độc lập; Kháng chiến chống thực dân Pháp; Chống Mỹ cứu nước, thống nhất nước nhà; Đổi mới và Hội nhập,…

Báo chí nước ta ra đời đã có vị trí ngày càng lớn trong đời sống dân tộc và thời đại. Là một nền báo chí đa dạng, phong phú, đi thô sơ đến hiện đại; có tính chất nghiệp dư đến chuyên nghiệp; đi từ hoạt động có tính chất đơn lẻ trong từng giới xã hội đến hoạt động chính trị của toàn dân tộc,…Mặc dù có những nét khác nhau nhưng khuynh hướng dân tộc và yêu nước, cách mạng vẫn chế ngự.

Báo chí đã quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời báo chí cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân.

Phòng Tổ chức cán bộ
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố