Lao trẻ em

  1. Tổng quan về Lao ở trẻ em

Bệnh lao gây ra bởi vi khuẩn lao (BK), do sự lây nhiễm trực tiếp. Trẻ em – nhất là trẻ sơ sinh dễ bị lây bệnh. Ở trẻ em, bệnh lao chiếm tỷ lệ 10 – 15% trong số những trường hợp bệnh lao mới mắc hằng năm. Bệnh lao ảnh hưởng chủ yếu đến phổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các bộ phận khác của cơ thể. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường chịu những tác động nặng nề do mắc các bệnh lao như lao màng não (gây mù, điếc, liệt hay tâm thần), mắc lao đa kháng thuốc (đòi hòi điều trị kéo dài, tốn kém với các tác dụng phụ do thuốc rất nặng) và cũng rất dễ tử vong. Ít nhất một nửa triệu trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh lao mỗi năm và khoảng 70.000 trẻ tử vong vì căn bệnh này. Trẻ dưới 3 tuổi và những trường hợp bị suy dinh dưỡng hay suy giảm hệ miễn dịch là những đối tượng dễ mắc lao nhất.

Bệnh lây qua đường hô hấp: Trẻ bị lao thường có nguồn lao từ người thân (trong các gia đình nghèo, điều kiện sống chật chội, những trẻ bị suy dinh dưỡng, hệ thống miễn dịch suy giảm) chiếm đến 70% và chủ yếu lây qua đường hô hấp. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị lây bệnh ở trường học, ngoài cộng đồng. Nguy cơ từ nhiễm trở thành bệnh là 10% trong 10 năm sau khi bị nhiễm lao. Nguy cơ này tùy thuộc nhiều yếu tố như tuổi khi nhiễm lao, tình trạng dinh dưỡng của trẻ, tình trạng vi khuẩn lao của nguồn lây tiếp xúc, thời gian và cường độ tiếp xúc nhiều hay ít.

2. Chẩn đoán

Dịch tễ: Tiền sử có tiếp xúc gần gũi với nguồn lây, đặc biệt là lao phổi AFB dương (trong gia đình, trường học)

Dấu hiệu bệnh:

  • Ho dai dẳng, khò khè
  • Có thể sốt nhẹ.
  • Không cải thiện khi đã điều trị kháng sinh phổ rộng, triệu chứng 7 – 10 ngày (trẻ 5 -14 tuổi có thể có các triệu chứng: ho khạc đàm/máu, đau ngực)
  • Sụt cân hoặc không tăng cân hoặc suy dinh dưỡng (đã loại trừ các nguyên nhân khác)

Xét nghiệm:

  • Soi đàm – dịch dạ dày tìm AFB
  • Cấy đàm, dịch dạ dày (cấy MGIT) tìm AFB
  • X-quang phổi: tổn thương dạng kê, tạo hang, tổn thương nốt, hạch vùng rốn phổi hoặc trung thất…)
  • IDR: >= 10 mm là dương tính ở trẻ bình thường, đặc biệt IDR trên 15 mm gợi ý cho chẩn đoán; đối với trẻ nhiễm HIV: IDR >= 5 mm, được xem là dương tính.
  • CT ngực: nếu có điều kiện (tìm hạch vùng rốn phổi hoặc trung thất)
  • PCR lao.
  • Gene Xpert: tìm ADN vi trùng lao cho kết quả nhanh được chỉ định khi soi đàm, dịch dạ dày AFB âm tính.
  • Nội soi phế quản rút dịch rửa phế quản tìm AFB.
  • Các xét nghiệm sử dụng kháng nguyên tổng hợp đặc hiệu của vi trùng lao (QuantiFERON-TB Gold, T-SPOT TB,…)

3. Điều trị

Về điều trị lao ở trẻ em cũng giống như của người lớn, tuy nhiên, phụ huynh phải tuân thủ điều trị cho con em mình đúng với hướng dẫn của thầy thuốc, điều trị đủ thời gian (6-9 tháng), đủ liều lượng thuốc, đúng phác đồ thì bệnh mới ổn định. Bệnh lao trẻ em có thể chữa lành được với hóa trị lao ngắn ngày, kể cả các thể nặng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng nguyên tắc (uống thuốc đúng, đủ, đều và không được bỏ sót).

4. Phòng bệnh Lao

Cho đến nay, tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Vắc-xin phòng bệnh lao hiện nay nước ta đang sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc-xin BCG,  được khuyến cáo tiêm cho trẻ trong vòng 1 tháng sau sinh. Thực tế, với những trẻ sinh ra có đủ sức khỏe, phát triển ổn định, không nằm trong chế độ chăm sóc đặc biệt thì thường được tiêm phòng lao ngay ngày đầu tiên sau sinh. Để phòng bệnh, sau khi sinh 3 ngày, trẻ phải được tiêm vắc-xin BCG phòng lao. Vắc-xin BCG chống chỉ định trong các trường hợp sau: Đang bị nhiễm khuẩn cấp, đang sốt cao, có bệnh ngoài da trên diện rộng, bị suy giảm miễn dịch nặng, suy dinh dưỡng nặng, trẻ thiếu cân. Việc tiêm muộn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Cũng như các loại thuốc và vắc-xin khác, vắc-xin tiêm phòng lao có thể gây ra một số tác dụng phụ còn gọi là những phản ứng sau tiêm chủng . hững phản ứng này thường nhẹ như: Sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm hoặc sốt nhẹ, trẻ quấy khóc, chán ăn, mệt, nổi ban và nổi nốt sần. Các nốt sần nhỏ như da cam ở chỗ tiêm, thường mất đi trong vòng 30 phút. Khoảng 2 tuần sau, tại chỗ tiêm xuất hiện một vết loét khoảng 10mm. Vết loét này tồn tại khoảng 2 tuần rồi tự khỏi để lại sẹo đường kính khoảng 5mm. Đây là dấu hiệu cho thấy việc tiêm vắc-xin đã có hiệu quả đối với trẻ. Viêm hạch, sưng hạch cũng thường xuất hiện sau khi tiêm vắc-xin phòng lao từ 3 – 5 tuần và sẽ tự biến mất khoảng 1 tháng sau mà không để lại bất kỳ di chứng nào.

Trường hợp nếu trẻ sốt nhẹ: Lau mát cho trẻ bằng nước ấm và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế. Nếu có sưng đau tại chỗ tiêm có thể chườm lạnh tại nơi tiêm bằng cách dùng khăn thấm nước lạnh sạch chườm vào chỗ tiêm. Cho trẻ bú mẹ, ăn uống bình thường, uống nước nhiều hơn. Tránh chạm vào chỗ tiêm khi bế hoặc ôm trẻ.

Trong trường hợp sau đây phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị thích hợp: Các phản ứng sau tiêm trở nên trầm trọng hơn như: Sốt cao, bỏ bú… kéo dài 1-2 ngày; Vết tiêm sưng to, hạch sưng to, hạch kéo dài hơn 6 tuần; Cấp cứu ngay những những trường hợp: Sốt cao, khóc nhiều không dứt, mệt nhiều, da tím tái, co giật, liệt, hôn mê…

Tuy nhiên, vắc-xin BCG không tạo sự bảo vệ an toàn khi sử dụng ở trẻ em sống chung với HIV. Do đó, trẻ em đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi hay cơ địa suy giảm miễn dịch (suy dinh dưỡng, nhiễm HIV…) cần được tầm soát và điểu trị dự phòng bệnh lao khi có tiếp xúc với người bệnh lao. Việc dự phòng lao có thể giảm 70-80% khả năng bị bệnh lao cho trẻ.

Khoa Hô hấp
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố