Nguyên nhân chưa được biết rõ, tuy nhiên một số tình huống có thể gia tăng nguy cơ rối loạn ăn bậy, như:
– Thiếu chất dinh dưỡng (như sắt, kẽm)
– Kiêng ăn và thay thế thức ăn bằng những thứ khác để có cảm giác no bụng
– Suy dinh dưỡng: trẻ ăn đất bùn hoặc đất sét
– Yếu tố văn hóa: ăn bụi đất để cho các thần linh nhập vào cơ thể
– Thiếu sự chăm sóc của cha mẹ hoặc thiếu ăn do nghèo đói
– Vấn đề phát triển như chậm phát triển tâm thần, tự kỷ, bất thường não
– Rối loạn tâm thần như rối loạn ám ảnh cưỡng chế và tâm thần phân liệt
– Mang thai (như uống nước tiểu)
Thế nào là hành vi nhổ tóc và ăn tóc?
Chứng nhổ tóc (trichotillomania) là một rối loạn có đặc trưng là sự rụng tóc do không thể cưỡng lại được xung động nhổ tóc tái diễn trong các tình huống dưới đây:
– Căng thẳng trong công việc, xung đột trong mối quan hệ
– Khi làm một việc thụ động như đọc sách, xem truyền hình hoặc nói chuyện qua điện thoại
– Khi nóng giận hoặc thất vọng.
Chứng ăn tóc (trichophagia) đi kèm với nhổ tóc và dẫn đến những triệu chứng như: đau bụng, nôn mửa, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân và khối u trong bụng.
Làm thế nào điều trị hành vi ăn tóc?
Những trẻ đã có hành vi tự ăn tóc kéo dài, lâu dần khiến tóc bị rối và mắc kẹt trong hệ thống tiêu hóa dẫn đến tình trạng tắc ruột và phải phẫu thuật để lấy “búi tóc khổng lồ” này ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nếu không được tìm hiểu nguyên nhân và trị liệu đúng chuyên khoa thì ngay cả sau khi đã phẫu thuật, việc tái diễn hành vi này vẫn còn tồn tại khả năng rất cao. Từ đó, dẫn đến nhiều búi tóc trong bụng, cùng nhiều mảng trọc trên đầu thêm nhiều lần nữa. Vì vậy, sau khi được phẫu thuật lấy búi tóc, trẻ cần được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý, huấn luyện hành vi để kiểm soát xung động trên.
Cần phát hiện và điều trị sớm để tránh những biến chứng có thể dẫn đến tử vong. Ngoài phẫu thuật để lấy khối tóc, cần phối hợp điều trị bằng thuốc chống trầm cảm hoặc chống loạn thần kèm theo tâm lý trị liệu, nhằm thay đổi hành vi nhổ và ăn tóc bằng hành vi lành mạnh hơn.
Cả gia đình bệnh nhi cũng cần được tư vấn tâm lý để giúp cho mối quan hệ được tốt đẹp hơn và môi trường sống được lành mạnh hơn.
Phòng Quản lý chất lượng
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố