“Làm sao để con tôi hết nhát?”

Nhiều bậc phụ huynh đến phòng khám Tâm lý với than phiền rằng trẻ dễ xấu hổ, thiếu tự tin và kém hòa đồng. Nỗi lo lắng chủ yếu tập trung vào khó khăn của trẻ trong việc thích nghi với môi trường cũng như tình huống mới lạ. Dưới góc nhìn khoa học, bài viết thảo luận về sự tồn tại của tính “nhút nhát” và phương pháp phản hồi phù hợp với mỗi nét tính cách độc đáo ở trẻ.

“Con tôi không giống những đứa trẻ khác”

Tính cách một người do rất nhiều yếu tố tác động, trong đó bao gồm yếu tố sinh học. Vì thế, tính rụt rè có thể là một phần tính cách của cá nhân từ rất sớm (1). Nhiều nghiên cứu cho thấy khoảng từ 4 tháng tuổi, tính khí của một trẻ đã được thể hiện thông qua cách bé phản ứng với các đồ chơi xung quanh. Những trẻ không phản ứng hay phản ứng tích cực trước những thay đổi nhỏ thường ngày như tiếng chuông cửa hoặc chuyện thay tã thường có xu hướng trở nên rất hòa đồng khi đi học. Ngược lại, với những  trẻ dễ căng thẳng trước môi trường xung quanh, trẻ có khả năng trở nên nhút nhát hơn khi lớn lên (2). Những trẻ sơ sinh này đặc biệt nhạy cảm với bất kỳ thay đổi nào trong môi trường và không thoải mái trước những kích thích tác động. Tuy nhiên, tính nhút nhát không đồng nghĩa với tính hướng nội. Có thể hiểu rằng với tính xấu hổ, trẻ dễ cảm thấy không thoải mái trước những tình huống xã hội. Trẻ cần thời gian để làm quen, “khởi động” và điều chỉnh bản thân để thích nghi với môi trường xung quanh hơn các bạn khác. Trong khi đó, tính hướng nội chỉ thiên hướng không ưu tiên các hoạt động xã hội mà thích dành thời gian cho riêng mình để tái tạo năng lượng. Chính vì thế, phụ huynh cần phân biệt và tránh gán nhãn những hành vi mong đợi lên con cái trước khi thấu hiểu “nỗi lòng” của trẻ.

Kỳ vọng và thực tế

Trong quá trình nuôi dưỡng con cái, không bậc phụ huynh nào không mong muốn con lớn lên khỏe mạnh, vui vẻ và dạn dĩ. Nhưng khi thực tế đi ngược lại mong đợi, ba mẹ trở nên lo lắng  đặc điểm này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của con, đặc biệt trong khả năng thích ứng và các mối quan hệ xã hội. Nỗi lo ấy không phải không có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh chú trọng đến tính hướng ngoại, cạnh tranh và liên tục thay đổi. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý rằng, không có nét tính cách nào là tốt hay xấu. Ở mỗi tình huống, mỗi đặc điểm đều được phát huy theo một phương thức riêng. Như một đồng xu hai mặt, việc dễ xấu hổ có thể khiến trẻ khó hòa nhập hơn các bạn khác, nhưng đồng thời là một ưu điểm giúp trẻ bảo vệ bản thân trước những người lạ thiếu an toàn.

Theo hướng tích cực, tính khí một trẻ có thể thay đổi và phản ứng kích động trước tình huống mới lạ có thể thuyên giảm theo thời gian khi trẻ nhận được sự quan tâm phù hợp (3). Bên cạnh đó, phụ huynh cần trang bị kĩ năng nuôi dạy con cái (parenting skills) nhằm đáp ứng một cách chính xác những nhu cầu của con. Nhạy cảm trước những nhu cầu ấy và đáp ứng kịp thời là một trong những  phương pháp can thiệp hiệu quả giúp trẻ tránh khỏi các nguy cơ lo âu tiềm ẩn trong tương lai. Ví dụ, với một trẻ tỏ ra khó chịu và choáng ngợp trước tiếng ồn, việc quát mắng và buộc trẻ phải kìm nén cảm xúc của mình sẽ khiến trẻ cảm thấy mất an toàn và cho rằng bản thân có lỗi. Thay vào đó, việc trấn an cơn khủng hoảng của trẻ, sau đó để trẻ dành thời gian tự điều chỉnh cũng như tự lựa chọn sẽ giúp trẻ trở nên bình tĩnh và biết cách đương đầu với khó khăn trong tương lai. Đôi khi việc này đòi hỏi ba mẹ có những phương pháp vô cùng dứt khoát, cảm thông và sáng tạo. Bên cạnh đó, với đặc điểm trên, trẻ thực sự chỉ cần (và đáp ứng tốt) các hình thức kỷ luật nhẹ nhàng, vì con dễ dàng cảm thấy có lỗi bởi vi phạm của bản thân hơn so với những bạn “dạn dĩ” khác. Điều này góp phần giúp trẻ phát triển khả năng tự nhận thức giá trị bản thân một cách phù hợp.

Mỗi trẻ đều là một cá thể đặc biệt duy nhất trên thế giới. Việc nhìn nhận và phát huy đặc điểm độc đáo ấy tùy thuộc góc nhìn vào phụ huynh.  Điều quan trọng mà ba mẹ cần làm là nhận ra, chấp nhận, tôn trọng giá trị và điều chỉnh cách giáo dục phù hợp với nhu cầu của trẻ.

Chuyên viên tâm lý Nhan Cẩm Nghi
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

(1) Barker, T. V., Reeb‐Sutherland, B. C., & Fox, N. A. (2014). Individual differences in fear potentiated startle in behaviorally inhibited children. Developmental Psychobiology, 56(1), 133–141.
(2) Kagan, J. (1997). Temperament and the reactions to unfamiliarity. Child development, 68(1), 139-143.
(3) LoBue V. (2019). What Makes Some Children Shy from https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-baby-scientist/201910/what-makes-some-children-shy?