Khi con lo sợ.

Khi thuốc men và thiết bị y tế ngày càng phát triển, khó khăn về tinh thần lại là điều khiến nhiều phụ huynh bối rối và đau đầu. Cũng như cảm sốt hay sổ mũi, ngày nay các bậc cha mẹ cần nhận diện và hỗ trợ những vấn đề sức khỏe tinh thần ở trẻ, đặc biệt là những biểu hiện lo sợ của con.

“Chuyện này sẽ sớm qua thôi”

Ai cũng có nỗi sợ. Với trẻ em, đó có thể là sợ ma, sợ bóng tối, sợ đến trường, sợ chú chó nhà hàng xóm. Những cơn lo lắng đó thường sớm sẽ qua đi và không ảnh hưởng đến phần lớn sinh hoạt, học tập và mối quan hệ của trẻ với người khác. Thế nhưng, khi cơn lo hãi vẫn ở lại trong một thời gian dài và trẻ vẫn không thể tiếp thu sự trấn an từ ba mẹ, phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu rối loạn lo âu nơi con. Một thống kê cho thấy 1/5 trẻ em và vị thành niên sẽ trải qua một số loại lo âu ở cấp độ lâm sàng. Ở một số trường hợp, rối loạn lo âu khiến trẻ gặp khó khăn trong vấn đề ăn uống, giấc ngủ, đau đầu, đau bụng hoặc ói, đặc biệt khi trẻ đến gần với nguồn gây lo âu.

Mỗi người khi đối diện với nguy hiểm đều xuất hiện phản ứng đánh hay chạy (fight-or-flight response). Hiện tượng trên tương tự ở trẻ, khi gặp lo âu, trẻ trở nên nhạy cảm với mức độ nguy hiểm hơn và phản ứng kịch tính hơn (ví dụ: gào thét, khóc dai dẳng,…). Khi đó tim trở nên đập nhanh, thở gấp, mồ hôi đổ và cơ thể sẵn sàng trong trạng thái hành động. Tâm trí trẻ thường xuyên đi tìm những đe dọa đến từ tương lai và cảnh giác trước những nguy cơ tiềm ẩn. Vì thế, phụ huynh đôi lúc cảm thấy con mình “làm quá” và những bận tâm của trẻ dường như trở nên dai dẳng. Hiện tại rối loạn lo âu chưa được xác định nguyên nhân cụ thể, nhưng được lưu ý một số yếu tố nguy cơ đến từ di truyền, môi trường, sự kiện gây căng thẳng. Rối loạn lo âu ở trẻ em được phân thành nhiều loại và cần có sự phối hợp của chuyên gia trong việc chẩn đoán và can thiệp.

Chiến đấu với quái vật mang tên “sợ hãi”

Đằng sau mỗi nỗi sợ đều có một câu chuyện riêng. Để tìm hiểu, trước tiên, ba mẹ cần chú ý quan sát cảm xúc của trẻ thay vì dán nhãn cho con “Con không được như vậy, như thế là hư”. Điều quan trọng là để con cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng, cho dù đó là nỗi lo về ngày mai người ngoài hành tinh sẽ xâm chiếm Trái Đất. Khi đó, phụ huynh có thể đặt câu hỏi mở để hiểu hơn về nguyên nhân đằng sau lo sợ của con ví dụ như “Con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu con đến trường?”,…Cần lưu ý rằng, đôi lúc, sự sợ hãi của con xuất phát từ việc quan sát, bắt chước cảm xúc và hành vi của những người thân thuộc.

Không bậc phụ huynh nào không muốn bảo vệ con trước những điều khiến con sợ hãi, nhưng đôi lúc sự tình ấy càng củng cố nỗi sợ nơi con. Điều con cần hơn bao giờ hết là sự đồng hành từng bước nhỏ và một chiến lược cụ thể của ba mẹ. Khi các dấu hiệu không ảnh hưởng mạnh mẽ đến trẻ, phụ huynh có thể hình thành kế hoạch giúp con và củng cố những bước nhỏ ấy bằng phần thưởng. Ví dụ như, khi trẻ sợ chó, ba mẹ có thể cùng con xem hoạt hình về những chú chó, sau đó xem hình ảnh thật về chó, tiếp đến quan sát chú chó ở khoảng cách từ xa, sau đó chơi với các chú cún nhỏ và chạm vào một chú chó đang cột dây xích. Mỗi khi con hoàn thành một nhiệm vụ, gia đình hãy khen thưởng con bằng những món quà con yêu thích như một bịch bánh hay 10 phút xem TV. Bên cạnh đó, việc thiết lập một lịch trình sinh hoạt ổn định và cân bằng, đặc biệt là những hoạt động trước giờ ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nỗi sợ ở trẻ. Ba mẹ có thể hạn chế cho trẻ xem các thiết bị điện tử, cùng con đọc những quyển sách, truyện nhẹ nhàng và các hoạt động thư giãn. Cuối cùng, để chiến đấu với quái vật mang tên “sợ hãi”, mỗi anh hùng cần trang bị một số hàng trang. Phụ huynh có thể hỗ trợ “hành trang” cho con bằng các kĩ thuật thở sâu, đếm ngược từ số 100 đến 1 và hình dung (visualizing). Nếu sợ hãi là một kênh truyền hình, trẻ hoàn toàn có quyền chuyển kênh nào trẻ thích bằng cách hình dung đến những viễn cảnh tích cực và phớt lờ những hình ảnh gây lo lắng.

Trẻ em cần được sống một cách lành mạnh về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, rối loạn lo âu sẽ giới hạn hoạt động và trải nghiệm của trẻ và không chắc một trẻ có thể vượt qua rối loạn lo âu nếu không có sự giúp đỡ từ gia đình và chuyên gia.

Chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố

Tài liệu tham khảo:

  1. Parents.com
  2. Psychologytoday.com
  3. Npr.org
  4. National Center for Biotechnology Information
  5. Anxiety and Anxiety Disorders in Children and Adolescents: Developmental Issues and Implications for DSM-V. Psychiatric Clinics of North America