Hỗ trợ tâm lý cho trẻ và gia đình trong mùa dịch bệnh.

Khi cả nhà căng thẳng

Có lẽ câu chuyện về dịch bệnh Covid 19 và những diễn biến kinh khủng của nó tại một số quốc gia đã trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Tất cả chúng ta đều cảm thấy căng thẳng, lo lắng cho sức khoẻ bản thân, gia đình, con cái. Việc xuất hiện các biểu hiện của căng thẳng – stress là phản ứng hết sức bình thường của cơ thể đối với những sự kiện khiến bạn cảm thấy bị đe dọa, nguy hiểm.

Trong tình huống phải đối diện với tình huống nguy hiểm, căng thẳng –  stress có thể cứu mạng chúng ta. Bởi lẽ, nhờ đó mà con người cảnh giác và ứng phó tốt hơn với những yếu tố đe doạ đến tính mạng, sự an toàn của mình từ bên ngoài. Vì thế, stress trong bối cảnh đang có dịch bệnh nguy hiểm là điều bình thường và có thể giúp chúng ta nâng cao khả năng sinh tồn. Những triệu chứng căng thẳng sẽ giảm dần cường độ, mức độ theo thời gian thông qua quá trình phục hồi tự nhiên của tâm trí (natural recovery).

Tuy nhiên, ở một số người thì stress kéo dài có thể dẫn đến những tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm… Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra stress mãn tính có thể ảnh hưởng bất lợi đến các thành phần của hệ miễn dịch cơ thể. (Segerstrom, S. C., & Miller, G. E. (2004). Psychological Stress and the Human Immune System: A Meta-Analytic Study of 30 Years of Inquiry. Psychological Bulletin, 130(4), 601–630.)

Giáo dục con về dịch bệnh

Việc hướng dẫn con trẻ về dịch bệnh và các biện pháp tự bảo vệ bản thân của các gia đình Việt Nam thường thể hiện những khía cạnh cực đoan. Qua cách thức phụ huynh hướng dẫn con trong mùa dịch cũng có thể phản ách được phong cách giáo dục của gia đình mà đôi khi chúng ta ít chú ý.

Phong cách bảo bọc

Nhiều cha mẹ vì lo ngại con có thể bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực vì các thông tin thời sự nên luôn ‘cách ly’ con trước các vấn đề về dịch bệnh. Câu nói thường nghe được trong các gia đình này là: “Chuyện người lớn để người lớn lo, con nít biết gì mà quan tâm…”.

Cách giáo dục này không làm trẻ trưởng thành vì luôn phải tránh né những chủ đề ‘cấm kỵ’mà ba mẹ không cho phép đề cập đến. Trẻ cũng không có được kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết để bảo vệ sức khoẻ bản thân và cộng đồng.

Phong cách hù doạ

Ở chiều hướng ngược lại, có những bậc phụ huynh lại khuyếch đại các thông tin chưa chính xác về dịch bệnh để hù doạ trẻ. Trẻ bị hù doạ một cách thái quá về sự nguy hiểm của dịch bệnh kèm theo những quy tắc cứng nhắc như: “không được nói chuyện với bất kỳ ai”, “không được đụng vào bất kỳ vật gì khi đi ra ngoài đường”…

Tưởng chừng cách thức này giúp trẻ gia tăng mức độ cảnh giác nhưng nó có thể phản tác dụng. Ban đầu trẻ sẽ rất sợ hãi và căng thẳng. Nhưng sau đó, trẻ dần nhận ra điều ba mẹ nói chỉ là hù doạ và có thể không xảy ra trong thực tế. Khi đó, trẻ sẽ dần mất niềm tin vào các lời giáo dục của phụ huynh và muốn tự mình thử khám phá các quy tắc ba mẹ đặt ra.

Những phong cách giáo dục trên không chỉ ảnh hưởng đến con trong giai đoạn tuổi nhỏ mà có thể ảnh hưởng lâu dài đến tính cách của trẻ. Điều này thể hiện rõ nhất trong giai đoạn dậy thì, khi mà những ý tưởng về khẳng định bản thân và thách thức các giới hạn của ba mẹ trỗi dậy mạnh mẽ.

Cách giáo dục phù hợp

Phụ huynh hãy chủ động giải thích rõ ràng, ngắn gọn cho trẻ về dịch bệnh và những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và cộng đồng. Lưu ý lời giải thích cần phù hợp với từng độ tuổi, mức độ nhận thức của các bé.

Ngoài ra, bố mẹ có thể hướng dẫn con các kỹ năng tự bảo vệ theo khuyến cáo của Bộ Y tế như kỹ năng rửa tay, kỹ năng dùng khăn giấy khi hắt hơi, kỹ năng đeo và tháo khẩu trang trong tình huống cần thiết… Các kỹ năng này nên được phụ huynh tập luyện cùng con để trẻ có thể thực hành thuần thục khi cần.

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố