Hẹp da quy đầu: nỗi hoang mang của bố mẹ và nỗi ám ảnh của con trẻ
Không ít những người trong số chúng ta khi có con trai không khỏi băn khoăn hay đôi lúc hoang mang về tình trạng da quy đầu của đứa con trai đáng yêu của mình. Đôi khi đứa trẻ được khám và xử lý ở một nơi nào đó mà những thủ thuật can thiệp lên bé làm bé hoảng loạn và nỗi ám ảnh sợ hãi đó ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ mãi ở những lần thăm khám sau đó.
Vậy hẹp da quy đầu là gì? Và khi nào cần can thiệp? Ưu và khuyết điểm của can thiệp?
Trước tiên chúng ta cần nắm qua một số khái niệm thường gặp, để hiểu rõ hơn tình trạng này:
Quy đầu (glans) là phần phình to lên ở cuối dương vật, có lỗ tiểu ở giữa.
Da quy đầu (foreskin hoặc prepuce) là phần da phủ trùm lên quy đầu từ lúc bé trai mới sinh, phần da này dần dần tự tuột lên theo thời gian.
Thế nào là một da quy đầu bình thường?
Da quy đầu bình thường từ lúc mới sinh dính sát với quy đầu, không tự tuột lên được. Khi bé trai lớn dần, dương vật phát triển dần, da quy đầu dần dần tách ra khỏi quy đầu. Khi trưởng thành, dương vật ở trạng thái mềm thì da quy đầu bao phủ quy đầu, dương vật ở trạng thái cương cứng thì da quy đầu tự tuột lên khỏi quy đầu.
Hẹp da quy đầu (phimosis) là tình trạng không thể kéo hết da quy đầu lên khỏi quy đầu hoàn toàn do lỗ mở da quy đầu bị hẹp.
Nghẹt da quy đầu (paraphimosis): là tình trạng da quy đầu kéo lên khỏi quy đầu hoàn toàn nhưng khi kéo xuống để phủ lại quy đầu thì không được, do có vòng thắt làm tắc nghẽn lại ở thân dương vật.
Làm sao cha mẹ biết được con mình có bị hẹp da quy đầu hay không?
Quan sát con bạn khi trẻ đi tiểu: khi hẹp da quy đầu, lúc trẻ đi tiểu, nước tiểu bắn ra tia nhỏ, da quy đầu phồng to lên như một bong bóng nhỏ ở quy đầu, da căng bọng nước bên trong.
Dùng tay thăm khám trẻ: cha mẹ có thể đẩy nhẹ nhàng da quy đầu lên để kiểm tra thử, khi đó không thể thấy được lỗ tiểu ở đỉnh quy đầu, chỉ thấy phần da quy đầu dính chặt.
Hẹp da quy đầu có mấy loại?
Hẹp bao quy đầu sinh lý: là tình trạng da quy đầu ngay từ lúc mới sinh đã dính với quy đầu, chưa tuột lên được, trẻ đi tiểu bình thường, không đau đớn, không buốt rát khi đi tiểu, da quy đầu màu sắc hồng hào, trơn láng, không có vòng sẹo co rút (màu trắng đục) ngay bên trên.
Hẹp bao quy đầu bệnh lý: là tình trạng da quy đầu viêm dính, có thể bít tắc một phần hay hoàn toàn, có vòng sẹo xơ co rút bên trên, khi căng vòng sẹo này ra trẻ rất đau, nếu cố gắng căng thêm có thể rách da quy đầu và chảy máu. Trẻ đi tiểu khó khăn, tia nước tiểu nhỏ, tiểu đau, tiểu phải rặn và không thấy được lỗ tiểu ở đỉnh quy đầu.
Hẹp bao quy đầu bệnh lý nếu không được chữa trị thì diễn tiến ngày càng nặng thêm. Vòng xơ chít hẹp, co rút dần, càng gây tiểu khó, nước tiểu ứ đọng bên trong, không thể vệ sinh sạch sẽ dẫn đến dễ nhiễm trùng.
Nhiễm trùng lan rộng lên cả thân dương vật, làm toàn bộ dương vật sưng đỏ, rất đau khi chạm vào, đôi khi tiểu ra mủ vàng sệt, hôi thối. Khi đó trẻ rất sợ đi tiểu và cố gắng nhịn tiểu, gây nên tình trạng bí tiểu mà cha mẹ lo lắng đưa bé vào viện.
Khi nào cần can thiệp?
Hẹp bao quy đầu sinh lý là tình trạng bình thường, không cần can thiệp gì. Theo thời gian da quy đầu tự tuột lên dần. Cha mẹ chỉ cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và hướng dẫn trẻ cách đi tiểu đúng.
Khi hẹp bao quy đầu là bệnh lý thì có chỉ định can thiệp y khoa. Can thiệp bao gồm: thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, chống ngứa…chữa tình trạng nhiễm trùng và phẫu thuật cắt bao quy đầu.
Khi nào cần làm thủ thuật nong da quy đầu?
Khi da quy đầu hẹp bít, lỗ mở da quy đầu rất nhỏ, chưa hình thành sẹo xơ (có thể là sinh lý hay bệnh lý) cần làm thủ thuật nong dãn da quy đầu.
Thủ thuật nong da quy đầu có thể được làm bằng tay hoặc bằng dụng cụ.
Nong da quy đầu bằng tay: cha mẹ được bác sĩ làm cho xem một lần tại phòng khám và được hướng dẫn cách nong da quy đầu cho trẻ bằng tay. Ưu điểm của phương pháp này là nhẹ nhàng, ít đau, ít làm trẻ sợ hãi, làm được ở nhà. Khuyết điểm của phương pháp này là cần sự hợp tác tốt của cha mẹ, cha mẹ cần kiên trì thực hiện và chờ đợi da quy đầu được nong từ từ lên, không nóng vội được. Khi đã nong thành công cần nong duy trì một khoảng thời gian sau đó, không ngưng ngay vì có thể hẹp tái phát.
Nong da quy đầu bằng dụng cụ: được thực hiện trong phòng thủ thuật tại bệnh viện. Nhân viên y tế dùng một dụng cụ giống như cây kéo cong, tách dính da quy đầu và tuột da quy đầu lên trên. Ưu điểm của phương pháp là làm nhanh chóng trong 1 lần làm là da quy đầu tách rộng ra và có thể tuột hoàn toàn lên trên. Khuyết điểm của phương pháp này là rất đau, cần phải dùng thuốc tê, có thể rách da quy đầu, chảy máu và ảnh hưởng tâm lý trẻ rất nhiều, trẻ sợ hãi, kêu khóc và không cho làm nữa ở những lần sau đó.
Dùng thuốc gì thoa sau khi nong da quy đầu và dùng trong bao lâu?
Đôi khi bác sĩ kê toa một loại thuốc bôi tại chỗ da quy đầu sau khi nong da quy đầu. Thành phần chính của thuốc là một chất thuộc nhóm steroids (betamethasone), có tác dụng chống viêm dính lại sau khi nong. Hiệu quả của thuốc chống viêm dính và chống tái phát hẹp da quy đầu thay đổi từ 87-95% theo các báo cáo. Thuốc có thể dùng trong 4-6 tuần. Tác dụng phụ hầu như rất hiếm.
Tóm lại, hẹp da quy đầu đại đa số là hẹp sinh lý, không cần phải can thiệp gì ngoài việc giữ vệ sinh sạch sẽ và hướng dẫn trẻ đi tiểu đúng. Trong các trường hợp hẹp bao quy đầu bệnh lý cần phải can thiệp y khoa thì nong da quy đầu hoặc phẫu thuật cắt da quy đầu được chỉ định.
Hướng dẫn bé trai cách đi tiểu đúng:
Cha mẹ cần hiểu biết và hướng dẫn con đi tiểu đúng cách. Khi trẻ được 03 tuổi có thể hiểu những gì cha mẹ truyền đạt, bạn có thể hướng dẫn cho trẻ cách đi tiểu đúng cách và tự vệ sinh bộ phận sinh dục của mình.
Trẻ nên đi tiểu ngay khi có cảm giác mắc tiểu, không nên nhịn tiểu lâu. Nhịn tiểu lâu gây nên một số hậu quả không tốt cho cơ thể.
Trẻ trai tự đi tiểu được: dùng hai ngón tay của hai bàn tay giữ dương vật, đẩy nhẹ về phía xương mu, hơi căng da quy đầu về phía gốc dương vật để bộc lộ lỗ tiểu ở quy đầu. Trẻ đi tiểu hết nước tiểu, dùng tay run nhẹ dương vật để nước tiểu văng ra hết. Khi trẻ làm đúng cách sẽ tránh được nước tiểu ứ đọng lại bên dưới da quy đầu, không có nguy cơ nhiễm trùng.
Trẻ rửa dương vật bằng nước sạch thông thường sau đi tiểu và rửa tay sạch sẽ.
Trẻ không được tự ý sờ chạm bộ phận sinh dục khi không mắc tiểu, dễ hình thành thói quen xấu.
Vệ sinh bộ phận sinh dục lúc tắm bằng xà phòng dịu nhẹ, sau đó rửa lại bằng nước sạch thông thường, tránh dùng xà phòng có độ tẩy mạnh gây rát buốt lỗ tiểu khi trẻ đi tiểu sau đó.
THS BS HUỲNH CAO NHÂN
TRƯỞNG KHOA THẬN – TIẾT NIỆU
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ