Giúp trẻ tự kỷ giảm rối loạn lo âu.

Tự kỷ là tên gọi một hội chứng khi trẻ bị khiếm khuyết trong giao tiếp, trong tương tác với mọi người, khó khăn trong việc kiểm soát ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc, dẫn đến giảm khả năng hòa nhập vào xã hội. Đối mặt với sự thay đổi, những điều nhỏ bé tưởng như bình thường đối với các đứa trẻ khác, tuy nhiên lại là tác nhân gây ra phản ứng mạnh và khiến cho trẻ tự kỷ bị tổn thương do vậy không có gì lạ khi lo lắng là cảm xúc thường gặp ở trẻ tự kỷ.

Các dấu hiệu lo lắng thường gặp ở trẻ tự kỷ như sau:

  • Xuất hiện thói quen hay nghi thức riêng và trẻ hay phản ứng mạnh với những thay đổi dù là nhỏ nhất
  • Khó ngủ hơn, thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm
  • Hay giận dữ
  • Trẻ trở nên thu rút hơn, hay tránh né các tình huống giao tiếp xã hội
  • Quá bận tâm đến một số các kiểu vui thích giới hạn và định hình bất thường về cường độ hoặc mức tập trung (như xếp thẳng hàng đồ vật hoặc quay bánh xe đồ chơi)
  • Tăng vận động định hình và lặp đi lặp lại (ví dụ: xoay tròn, vẫy tay)
  • Có những hành động gây hại cho bản thân (như: đập đầu, hay cắn tay).

Phụ huynh nên lập một danh sách các biểu hiện lo lắng hay sợ hãi của trẻ để cho các thành viên trong gia đình, bạn bè thân thiết , giáo viên hay người chăm sóc có thể hỗ trợ bất cứ khi nào trẻ cần.

Các tác nhân gây lo âu thông thường gồm:

  • Thay đổi thói quen (ví dụ hoạt động định kỳ bị hủy đột ngột, bạn bè thay đổi luật chơi)
  • Thay đổi môi trường (ví dụ: thay đổi lớp, chuyển nhà)
  • Các tình huống xã hội không quen thuộc (gặp gỡ người mới, hoạt động với nhóm mới)
  • Kích thích giác quan vốn đã quá nhạy cảm (ví dụ: âm thanh lớn đột ngột, đèn sáng trưng hoặc đèn nhấp nháy, giao tiếp bằng cơ thể với người khác một cách bất ngờ, chất liệu trang phục gây khó chịu, mùi vị thức ăn mới lạ)
  • Sợ một tình huống, hoạt động hằng ngày hoặc sợ một đồ vật nào đó (ví dụ: sợ ngủ trên giường có lỗ, sợ đi vệ sinh trong nhà vệ sinh, sợ bóng bay, sợ tiếng máy hút bụi, sợ xe hơi)

Giúp trẻ nhận diện, gọi tên và bộc lộ cảm xúc

Dạy trẻ nhận biết các dấu hiệu cơ thể của chúng khi chúng sợ hãi hoặc lo lắng, làm cho nó trực quan và cụ thể bằng cách vẽ phác thảo toàn bộ cơ thể và thêm các dấu hiệu đặc trưng khi trẻ sợ hãi hoặc lo lắng vào các bộ phận khác nhau (tay, ngực, dạ dày). Một số người bị ra mồ hôi tay, khó thở, tim đập nhanh, cơ thể run rẩy, họ vỗ tay, v.v.

Sau khi trẻ tự tin và hiểu rõ các dấu hiệu cơ thể mình, hãy bắt đầu giới thiệu những cách để trẻ bình tĩnh trong một môi trường an toàn và thoải mái.

Các chiến lược để đối phó với sự lo lắng:

  • Nhắm mắt lại một lúc
  • Nhìn vào bất cứ cái gì khiến trẻ thích thú và cảm thấy thoải mái
  • Đọc quyển sách mà trẻ thích
  • Đi đến một nơi yên tĩnh và an toàn để tận hưởng thời gian ở một mình
  • Nhảy trên tấm bạt lò xo
  • Chạy quanh sân
  • Hít thở sâu
  • Đếm từ từ đến 10

Mỗi đứa trẻ là mỗi cá thể khác nhau

Một số trẻ thích hoạt động thể chất, trẻ sẽ cảm thấy tự tin và thư giãn sau khi được giải phóng năng lượng. Nhiều trẻ khác lại thấy thư giãn trong một không gian yên tĩnh. Hãy quan sát để biết điều gì tốt cho con bạn và nhẹ nhàng hướng dẫn chúng những bài tập thư giãn khi chúng bắt đầu cảm thấy lo lắng.  Bạn hãy tập trung vào nỗ lực mà trẻ đã thực hiện, thay vì kết quả cuối cùng, điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin rằng những bước nhỏ cũng là thành tựu lớn, từ đó giảm bớt áp lực mà trẻ tự đặt ra cho bản thân mình khi trẻ gặp thất bại.

Sự chuẩn bị giúp cho trẻ cảm thấy được kiểm soát tốt

Một số tình huống có thể tránh được, nhưng có những tình huống khác thì không thể nhưng bạn có thể phòng ngừa. Đưa ra cho trẻ lời cảnh báo trước và lập mục tiêu cụ thể sẽ giúp trẻ cảm thấy kiểm soát được những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Những câu chuyện xã hội và thời gian biểu trực quan là những cách tuyệt vời để trẻ hình dung trước tình huống sắp xảy ra để từ đó trẻ có sự chuẩn bị cho sự thay đổi tiếp theo.

Nguồn tham khảo: https://www.firstdiscoverers.co.uk/strategies-autism-cope-anxiety/

Chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố