Gắn bó ở trẻ em.

gan-bo-o-tre-em

Ngoài nhu cầu chăm sóc thể chất, mỗi trẻ em đều có nhu cầu gắn bó với người chăm sóc chính. Đây là cơ chế sống còn giúp trẻ tìm kiếm cảm giác yêu thương và an toàn (1). Từ đó trẻ bắt đầu hình thành mối mối liên kết đầu tiên với thế giới cũng như suy nghĩ, cảm xúc, thái độ và hành vi với những mối quan hệ trong tương lai. Điều này đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu, khi người chăm sóc nhận biết tín hiệu từ trẻ và đáp ứng một cách phù hợp, ổn định, trẻ sẽ dễ dàng cảm thấy an toàn và sẵn sàng trải nghiệm thế giới xung quanh. Từ đó, gắn bó an toàn được hình thành giúp trẻ hiểu hơn về nhu cầu của bản thân và kết nối với những người khác. (2)

Ngược lại, khi nhu cầu của trẻ không được đáp ứng hoặc bị từ chối hoặc không ổn định, trẻ dần hình thành gắn bó không an toàn. Khi đó trẻ có những hành vi né tránh hoặc quá bám dính vào người chăm sóc mỗi khi gặp khó khăn (3). Gắn bó không an toàn có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, suy giảm chức năng xã hội, tâm lý, sinh học và có thể dẫn đến nguy cơ mắc rối nhiễu tâm lý khác(4). Chính vì thế, việc xây dựng cách thức gắn bó an toàn đóng vai trò vô cùng quan trọng như một hành trang mà ba mẹ gửi gắm giúp trẻ vững bước vào tương lai. Vậy làm thế nào để phụ huynh có thể cải thiện chất lượng gắn bó giữa trẻ và gia đình?

Hiểu cách thức gắn bó của bản thân

Gắn bó là phương thức giúp mỗi người thích nghi với hệ thống gia đình đồng thời ảnh hưởng đến kiểu gắn bó trong quan hệ tình yêu khi trưởng thành cũng như cách nuôi dạy con cái. Việc nhận diện kiểu mẫu gắn bó của mình giúp ba mẹ hiểu hơn về cách thức tương tác tác với con và kịp thời điều chỉnh để chuẩn bị một mối quan hệ gắn bó lành mạnh cho con. Để làm được điều này, phụ huynh cần nhận thức cuộc sống là một chuỗi những sự kiện nối tiếp từ đó tạo nên những nét tính cách hiện tại của chúng ta. Liệu chúng ta có xu hướng né tránh hay lo lắng quá nhiều đến những người thân yêu mỗi khi bản thân cảm thấy không thoải mái? Việc tham khảo ý kiến của những người thân hoặc nhờ đến hỗ trợ của chuyên gia tâm lý có thể nâng cao nhận thức hiện tại của các bậc ba mẹ. Từ đó, ba mẹ/ người chăm sóc chính có khả năng học hỏi để thay đổi cách thức gắn bó có lợi cho trẻ. Cùng với những nguồn hỗ trợ xung quanh, chúng ta có thể nhận thức và phát triển cách thức gắn bó có lợi cho trẻ.

Đáp ứng phù hợp và ổn định nhu cầu của trẻ

Ở lứa tuổi khi nhận thức và ngôn ngữ chưa phát triển toàn diện thì kênh giao tiếp chính của trẻ với người lớn vẫn thông qua tiếng khóc, la hét. Vì thế, ba mẹ cần nhạy cảm trong việc giải mã tín hiệu từ trẻ: khi nào khóc khi đói, khi ướt, khi cần quan tâm, chú ý hay giúp đỡ. Khi người chăm sóc trở nên nhạy cảm với các nhu cầu từ trẻ và đáp ứng một cách ổn định, tích cực, trẻ được khuyến khích để phát triển tự chủ và giao tiếp cởi mở với những người xung quanh. Trẻ dễ dàng cảm thấy an toàn từ bên trong và phát triển khả năng điều chỉnh cảm xúc: nguôi ngoai mỗi khi được dỗ dành và tìm kiếm sự an ủi mỗi khi cảm thấy không thoải mái,… Khi nhận được sự hỗ trợ của ba mẹ khi cần thiết, cùng với giao tiếp cởi mở, không phòng vệ, trẻ có thể trải nghiệm một cách chân thật về nhu cầu bản thân và mối quan hệ gắn bó với những người khác, đặc biệt với người chăm sóc chính. Ngoài ra, việc dành thời gian chất lượng cho con, gia tăng tương tác không chỉ qua ngôn ngữ mà còn những cử chỉ không lời khác cũng góp phần quan trọng thắt chặt sợi dây tình cảm giữa trẻ và người thân.

Với sự kiên nhẫn, tình yêu thương và mục tiêu vì sự phát triển lành mạnh của trẻ, việc xây dựng gắn bó an toàn vô cùng cần thiết. Điều này tạo ra những tiền đề cần thiết hình thành thế giới nội tại trong trẻ và mở rộng khả năng giao tiếp, nhận thức, tương tác và cảm xúc của trẻ trong tương lai.

Chuyên viên tâm lý Nhan Cẩm Nghi
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Tài liệu tham khảo:

  1. Mary Ainsworth (1985), Patterns of attachment, Clinical Psychologist 38, p.27-29.
  2. Bretherton I (1997).Bowlby’s legacy to developmental psychology. Child Psychiatry and Human Development. 28: 33-43
  3. Chambers J (2017). The neurobiology of attachment: From infancy to clinical outcomes. Psychodynamic Psychiatry. 45: 542-563
  4. Hornor, G. (2019). Attachment Disorders. Journal of Pediatric Health Care, 33(5), 612–622. doi:10.1016/j.pedhc.2019.04.017