Dinh dưỡng cho trẻ dị ứng đạm sữa bò.

Dị ứng đạm sữa bò không phải là “bệnh lạ”, “bệnh mới”, hơn nữa lại rất thường gặp. Một tỉ lệ cao trẻ dị ứng đạm sữa bò dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng do rất nhiều nguyên nhân:

  • Trẻ có tình trạng kém hấp thu;
  • Trẻ không nhận đủ lượng thức ăn để hoạt động và tăng trưởng;
  • Trẻ có tình trạng trào ngược dạ dày thực quản hay táo bón, tiêu chảy kéo dài …

Diễn tiến của dị ứng đạm sữa bò:

  • Thời điểm 3 tuổi: 85% trẻ trước đây bị dị ứng protein sữa bò sẽ hết dị ứng.
  • Thời điểm 8 tuổi: xét nghiệm IgE, người ta thấy có 15 – 58% trẻ còn phản ứng với protein sữa bò.

BIỂU HIỆN LÂM SÀNG CỦA DỊ ỨNG VỚI ĐẠM SỮA BÒ

Cơ quan Triệu chứng Tần suất
Da –       Viêm da cơ địa
–       Sưng môi và mi mắt (phù mạch)
–       Nổi mề đay (không liên quan đến tình trạng nhiễm trùng cấp, thuốc hay do nguyên nhân nào khác)
50 – 70%
Tiêu hóa –       Thường xuyên trào ngược và nôn trớ
–       Tiêu chảy/bón (kèm có hay không có ngứa hậu môn)
–       Máu trong phân
–       Thiếu máu thiếu sắt
50 – 60%
Hô hấp –       Sổ mũi, ho kéo dài, khò khè (không liên quan đến tình trạng nhiễm trùng) 20 – 30%
Toàn thân –       Mệt mỏi kéo dài hay đau quặn (>3 giờ mỗi ngày/ kích thích) ít nhất 3 ngày trong 1 tuần kéo dài trên 3 tuần
Chung –       Bỏ ăn, chậm tăng trưởng, thiếu máu thiếu sắt, bức rức, khó ngủ, khó thở.
–       Các triệu chứng nguy kịch, shock phản vệ


Thông thường, các phụ huynh loay hoay tìm sữa “hợp” với con mà không biết rằng trẻ cần gặp bác sĩ chuyên khoa Nhi – Dinh dưỡng để xác định tình trạng dị ứng đạm sữa bò và được tư vấn chế độ ăn hợp lý.

Quá trình chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò có thể bao gồm:

  • Tạm ngưng sữa bò được cho là “dị ứng”
  • Sử dụng “sữa điều trị / sữa thay thế”
  • Test da (lẩy da)
  • Xét nghiệm IgE đặc hiệu
  • Test sữa (Oral Food Challenge – OFC)

Trẻ dị ứng đạm sữa bò có chế độ ăn giống và khác trẻ bình thường như thế nào?
Những điểm khác biệt: Nói một cách dễ hiểu là dị ứng với món gì thì phải tránh món đó. Trẻ dị ứng đạm sữa bò phải tránh các thức ăn, thức uống chứa đạm sữa bò.

  1. Đối với trẻ dưới 6 tháng:

“Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đến sáu tháng tuổi và tiếp tục cho con bú cùng với các thực phẩm bổ sung thích hợp cho đến hai tuổi hoặc sau đó nữa.

Đối với trẻ bú mẹ nhưng có triệu chứng dị ứng, bác sĩ nghi ngờ dị ứng đạm sữa bò, bà mẹ sẽ được bác sĩ tư vấn chế độ ăn loại bỏ đạm sữa bò (sữa đặc, sữa tươi, phô mai…) có hoặc không kèm theo loại bỏ trứng và đậu nành. Mẹ cần bổ sung calci và vitamin D khi thực hiện chế độ ăn này.

Đối với trẻ không may mắn có sữa mẹ, thì lựa chọn là các sản phẩm công thức đạm sữa bò thủy phân hoặc sữa công thức amino acid.

Trên thị trường hiện dễ tìm sữa này của các công ty uy tín như Mead Johnson, Abbott…

Ba mẹ cũng có thể tìm các loại sữa tương tự, trên bao bì có ghi “Hypoallergenic formula” (công thức giảm dị ứng), “Extensively hydrolyzed formula” (công thức thủy phân tích cực/thủy phân toàn phần/thủy phân hoàn toàn), “Amino acid-based formula” (công thức acid amin).

  • Lưu ý:
  • Sữa thủy phân một phần (trên bao bì sẽ có dòng chữ “Partially hydrolyzed” (thủy phân một phần) hoặc “hydrolyzed”(được thủy phân)) không được khuyến cáo cho trẻ được chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò.
  • Trẻ dị ứng đạm sữa bò có thể dị ứng chéo với đạm sữa của các động vật khác như dê, cừu… hoặc dị ứng đạm đậu nành. Vì vậy, khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, tuyệt đối không tự ý sử dụng sữa này mà cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi – Dinh dưỡng để có được sự tư vấn dinh dưỡng tốt nhất cho bé.
  1. Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên:

Ngoài sữa, trẻ cần chế độ ăn bổ sung. Lựa chọn thức ăn bổ sung cũng theo nguyên tắc “dị ứng món gì thì phải tránh món đó”.

Đạm sữa bò thường có sẵn trong các sữa công thức, thức ăn dặm như là: bột ăn dặm, bánh ăn dặm với các tên gọi sữa tươi, sữa bò, sữa bột, váng sữa, sữa chua, milk, đạm whey, whey protein, đạm casein, casein protein, phô mai, cheese, bơ, butter, ghee, kem, cream…

Khi chọn thực phẩm cho trẻ, ta phải luôn quan tâm tới thành phần (Ingredients) bằng cách đọc nhãn thực phẩm.

Ví dụ:

Một số thực phẩm không kèm bảng ghi thành phần nhưng thường được thêm sữa hoặc nấu với sữa: Các loại bánh mì ngọt, bánh bông lan, bánh quy, bánh pudding, bánh flan, súp bí đỏ, súp bắp (ngô), súp kem, sô cô la, xúc xích, pate, chè, sinh tố


Khi chế biến thức ăn cho trẻ không được thêm các sản phẩm chứa sữa bò vào.

Không phải tất cả các trẻ dị ứng đạm sữa bò đều dị ứng thịt bò nhưng cần thận trọng khi cho trẻ ăn thịt bò.

Dị ứng đạm sữa bò cũng có thể dị ứng đạm sữa các động vật khác như cừu, dê hoặc dị ứng đạm đậu nành.

Những điểm chung:
Như các trẻ bình thường khác, trẻ dị ứng đạm sữa bò cũng cần nhu cầu năng lượng theo tuổi để hoạt động và tăng trưởng.

Trẻ cũng cần một chế độ ăn cân đối các nhóm chất: bột đường, đạm, béo, xơ, và các vitamin. Nếu trẻ có tình trạng chậm tăng cân suy dinh dưỡng, trẻ cần được khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng về chế độ ăn giàu năng lượng, giàu đạm và béo.

Đối với trẻ gặp khó khăn trong việc sử dụng sữa thay thế vì nhiều lý do (mùi vị sữa, giá tiền, nơi mua) có thể khuyến khích trẻ ăn dặm nhiều hơn, cần được bổ sung calci, vitamin D từ thực phẩm hoặc thuốc bổ.

Sử dụng sữa thay thế đến khi nào?
Các mẹ đã cho con sử dụng sữa thủy phân thường than phiền rằng sữa rất đắng và hôi. Sữa công thức amino acid thì có vị dễ chấp nhận hơn nhưng lại tỉ lệ nghịch với giá tiền. Từ 6 tháng với chế độ ăn ngoài sữa “ngon” hơn thì các trẻ rất khó chấp nhận vị của các loại sữa thay thế. Dẫn đến căng thẳng trong chuyện cho trẻ uống sữa ảnh hưởng tâm lý hoặc không khéo sẽ dẫn đến mất cân đối các nhóm chất.

Vì lẽ đó, bé cần phải được chẩn đoán chính xác là dị ứng đạm sữa bò hay không. Gia đình không được tự ý nghĩ rằng con mình dị ứng đạm sữa bò. Ba mẹ nên tìm hiểu qua về quy trình chẩn đoán một trường hợp nghi ngờ dị ứng đạm sữa bò:


(1) Trẻ sử dụng chế độ ăn loại trừ hoàn toàn đạm sữa bò hoặc sử dụng sữa thay thế như đạm sữa bò thủy phân hoàn toàn hoặc công thức amino acid.
(2) Sau 2-4 tuần sử dụng chế độ ăn loại trừ hoàn toàn đạm sữa bò hoặc sử dụng sữa thay thế như đạm sữa bò thủy phân hoàn toàn hoặc công thức amino acid, nếu triệu chứng dị ứng đạm sữa bò không còn, trẻ được cho sử dụng sữa công thức chứa đạm sữa bò, gọi là test thử đạm sữa bò đường miệng (OFC: Oral Food Challenge)

NHƯNG:

  • Phải được thực hiện dưới sự giám sát y tế, thường thực hiện trong bệnh viện.
  • Test thử đạm sữa bò đường miệng (OFC: Oral Food Challenge) được thực hiện như sau:
  • Nhỏ 1 – 2 giọt sữa bò lên môi trẻ, chờ sau 15 phút xem có phản ứng không.
  • Nếu không phản ứng xảy ra (nỗi mẫn quanh môi, phù mi mắt, sưng môi, bé khó chịu bức rức …)
  • Cho bé uống sữa, lượng sữa ít tăng dần mỗi 30 phút như sau: 0.1ml, 0.5ml, 1ml, 3ml, 10ml, 30ml, 50ml, 100ml.

(3) Nếu trẻ có biểu hiện dị ứng với đạm sữa bò trong thời gian thử nghiệm test OFC, cần dừng ngay việc sử dụng đạm sữa bò thông thường. Các trẻ này khả năng sẽ không sử dụng sữa bò cho đến sau 1 tuổi.
(4) Nếu không có triệu chứng dị ứng, trẻ được cho sử dụng sữa này tiếp tục với lượng ít nhất 200ml/ngày trong 2 tuần. Khi không có biểu hiện liên quan dị ứng trẻ có thể quay lại uống sữa bò bình thường.

Xử trí dị ứng đạm sữa bò trẻ đang bú mẹ:

  • Dị ứng đạm sữa bò cũng có thể xảy ra ở trẻ bú mẹ (0,5% số trẻ bú mẹ hoàn toàn có các phản ứng lâm sàng có thể lặp lại với protein sữa bò được truyền qua sữa mẹ)
  • Trong trường hợp này, ta vẫn tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc bú mẹ một phần, trừ khi xuất hiện các triệu chứng báo động – lúc này người mẹ tuân thủ chế độ ăn loại trừ đạm sữa bò.
  • Khi trẻ có các triệu chứng nặng (phù mạch ở môi và/hoặc mắt, mề đay và ói mửa tức thời) , trẻ thường ưu tiên được nuôi ăn bằng công thức amino acid.

Sữa công thức đậu nành (soy formulas) cho trẻ sử dụng lâu dài?
Nhiều nghiên cứu (meta analysis) được công bố từ 1909 – 2013 cho thấy:

  • Sữa công thức đậu nành hiện đại (Modern Soy Formulas) an toàn. Trẻ được nuôi bằng sữa công thức đậu nành (< 1 năm tuổi) có phát triển tương tự những trẻ được nuôi bằng sữa bò công thức theo các tiêu chí đánh giá sau:
  • Tăng trưởng và phát triển, mật độ khoáng xương, các chỉ số nhận thức.
  • Chức năng miễn dịch, tỷ lệ mắc nhiễm trùng hô hấp và tiêu hóa
  • Không có bằng chứng sữa đậu nành công thức ảnh hưởng xấu lên chức năng nội tiết trẻ (Andre A, et al. J Nutr. 2015 Mar 11. Pii: jn 206201)

Chọn sữa thay thế theo biểu hiện lâm sàng:

Biểu hiện lâm sàng Gợi ý sữa thay thế
(theo trình tự ưu tiên giảm dần từ trái sang phải)
Phản ứng phản vệ AA Thuỷ phân HT Đậu nành
Mề đay hay phù niêm cấp Thuỷ phân HT AA/đậu nành
Dị ứng đường tiêu hoá tức thì Thuỷ phân HT AA/đậu nành
Trào ngược DD-TQ Thuỷ phân HT AA
Đau quặn bụng (Colic) Thuỷ phân HT AA

(HT: hoàn toàn; AA: sữa công thức Amino acid)

Mẹo giúp chung sống hòa bình với dị ứng đạm sữa bò:

  • Khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa Nhi – Dinh dưỡng về các loại sữa công thức an toàn: sữa thủy phân hoàn toàn, sữa công thức amino acid.
  • Có rất nhiều thực phẩm giàu calci, đạm, vitamin D, B12 ngoài sữa như: bông cải, cải bó xôi, đậu nành… Tham khảo chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống cân bằng.
  • Sử dụng sữa công thức thay thế hoặc sữa đậu nành, sữa gạo, các món ưa thích như kem, phô mai, yaourt “không chứa sữa”
  • Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn. Luôn có thói quen đọc nhãn thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc về thành phần có chứa sữa hay không.

BS CK1. Lê Thị Vân Anh
Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố