Con học khó, cả nhà lo…

Cứ sau mỗi mùa thi học kỳ, không chỉ học sinh mà cả các bậc phụ huynh cũng thấp thỏm, hồi hộp đợi kết quả thi. Nếu chẳng may thành tích học tập của trẻ không tốt, thể hiện một số khó khăn sẽ làm nhiều cha mẹ hết sức lo lắng. Câu chuyện học vấn của con trẻ ngày hôm nay thật sự cũng lắm thứ khiến cha mẹ nhức đầu.

Khi trẻ học không… tốt

Trong quá trình học tập, ở một số trẻ thể gặp khó khăn so với các bạn bè đồng trang lứa. Đằng sau những khó khăn đó, ở góc độ tâm lý – tâm thần, một số vấn đề có nơi trẻ có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập mà ba mẹ nên lưu ý:

  • Chậm phát triển tâm thần: Trẻ có trí tuệ dưới mức trung bình: IQ< 70 và suy kém trong các hành vi đáp ứng như giao tiếp, kỹ năng sống, xã hội hóa… Ở những trẻ này thường có khó khăn trong việc hiểu và sử dụng ngôn ngữ ở nhiều mức độ khác nhau. Các dấu hiệu thường khởi phát sớm trước 18 tuổi.
  • Tăng động, kém tập trung: rối loạn này nổi bật với các triệu chứng kém chú ý, tăng hoạt động, xung động không phù hợp theo tuổi. Những triệu chứng gây ra ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt và các hoạt động trong đời sống hằng ngày. Các vấn đề thường khởi phát trước 07 tuổi và sẽ kéo dài khi trẻ ở tuổi vị thành niên và thậm chí là trưởng thành.
  • Các rối loạn đặc hiệu các kỹ năng ở trường: trẻ mắc các rối loạn này thường có trí tuệ ở mức bình thường (không chậm phát triển) nhưng lại thể hiện một số dấu hiệu khó khăn trong đọc, viết chính tả, hoặc tính toán… Các rối loạn này thường xuất hiện kèm theo các vấn đề khác như giảm chú ý, rối loạn hành vi, rối loạn đặc hiệu ngôn ngữ và lời nói…

Thường những rối loạn kể trên sẽ là một quá trình diễn tiến từ nhỏ đến tuổi đi học. Nếu trẻ nào mắc các rối loạn thì từ lúc nhỏ đã có một số biểu hiện như chậm nói, chậm vận động, ít chú ý, hay lăng xăng… Vì thế không phải đợi đến tuổi đi học, phụ huynh mới nhận ra vấn đề khó khăn con em gặp phải mà cần là một quá trình đồng hành cùng con từ nhỏ.

Còn trong trường hợp trẻ đang có kết quả học tập bình thường, bỗng kết quả sụt giảm hay không chịu đi học, quấy khóc có thể là những dấu hiệu cảnh báo tâm lý trẻ đang cần quan tâm hỗ trợ. Vấn đề ở đây có thể là gia đình, nhà trường, quan hệ với thầy cô, bạn bè.

Một số trẻ gặp khó khăn trong tương tác với giáo viên chủ nhiệm, cách giáo dục chưa phù hợp cũng có biểu hiện sụt giảm điểm số hay không chịu đi học. Ngoài ra, phụ huynh cần quan tâm chú ý đến những thay đổi bất thường trong kết quả học tập vì có thể đó là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ trẻ bị bắt nạ, bạo hành ở trường, hay thậm chí là xâm hại. Trong trường hợp này, ba mẹ chính là nguồn lực để giúp trẻ vượt qua. Trong một số trường hợp tình trạng của trẻ trở nên tiêu cực, ba mẹ cũng nên đưa trẻ đến với các tâm lý gia lâm sàng để được hỗ trợ.

Đồng hành cùng những khó khăn của con

Một thực tế khiến nhiều phụ huynh đau lòng khi đưa trẻ đến khám tại các phòng khám tâm lý và nhận về kết quả không như mong đợi. Khi kỳ vọng sụp đổ, nhiều bậc phụ huynh dễ gặp khủng hoảng làm cho ba mẹ, ông bà thất vọng, tức giận, đổ lỗi lẫn nhau. Những cảm xúc tiêu cực ấy có nguy cơ trở thành gánh nặng đè xuống con cái và khiến không khí gia đình trở nên bất hòa. Vậy làm sao để chấp nhận được một đứa con ‘học không tốt như mình mong đợi’?

Mô hình đa trí thông minh được giáo sư Howard Gardner của trường đại học Havard, Hoa Kỳ đưa ra vào 1983 là một góc nhìn hy vọng cho các vị phụ huynh. Theo ông, ngoài  trí thông minh logic toán học, trí thông minh ngôn ngữ mà mọi người thường chú trọng, con người còn có thể sở hữu trí thông minh không gian, cơ thể, âm nhạc, tự nhiên …Từ đó cho thấy khả năng của trẻ là vô hạn. Rất có thể tiềm ẩn trong mỗi đứa trẻ nhiều khả năng chưa được khám phá và phát huy. Phụ huynh không nên bị dán nhãn vào việc một đứa trẻ chậm và ám thị rằng con không thể làm gì được. Trẻ sẽ dễ bị ám thị và không bao giờ có thể thành công trong cuộc sống. (labelling theory)

Trong cuốn sách kể về hành trình của một người cha dạy con trai mắc tự kỷ có chia sẻ: “Mục tiêu cuối cùng của việc dạy con chính là cha mẹ có thể an tâm rằng con sẽ sống thành công và hạnh phúc khi không có mình.” Để trả lời câu hỏi “Làm sao để chấp nhận khi con học không tốt như mình mong đợi?” chúng ta nên bắt đâu từ câu hỏi: “Mục tiêu dạy con của bạn là gì?”

Chuyên gia Tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Nguồn tham khảo: Theo tạp chí Sức khoẻ– khoe24h.vn