Cấp cứu co giật ở trẻ em

Hiện tượng co giật ở trẻ em

Co giật là một cấp cứu thần kinh rất thường gặp ở trẻ em. Đây là hiện tượng rất có hại cho cơ thể và não bộ của trẻ, do co giật có thể gây thiếu oxy não, nhất là khi co giật kéo dài và tái phát nhiều lần. Trong khi co giật, trẻ có thể nôn mửa, nếu không được xử lý đúng cách trẻ có thể hít phải chất nôn gây viêm phổi hoặc chất nôn từ dạ dày trào ngược vào phổi gây tổn thương phổi; đàm nhớt tiết ra khi  co giật có thể gây tắc nghẽn đường thở dẫn đến tử vong.

Các dấu hiệu co giật:

  • Trẻ mất ý thức, ngừng thở
  • Trẻ giật liên tục tay chân, mất tự chủ
  • Hai hàm răng cắn chặt, sùi bọt mép.
  • Tay chân co lại, trợn mắt tím môi.
  • Tiểu tiện và đại tiện không tự chủ

Nguyên nhân gây co giật

Thường do 2 nhóm nguyên nhân:

  • Co giật kèm sốt: có thể do trẻ bị viêm màng não, viêm não, áp xe não, sốt co giật
  • Co giật không kèm sốt:
  • Tình trạng chu sinh như dị dạng não, nhiễm trùng bào thai, chấn thương, xuất huyết não,…
  • Tổn thương thực thể hệ thần kinh như: chấn thương đầu gây chấn động não, đụng dập não; xuất huyết não-màng não do rối loạn đông máu, thiếu vitamin K; do u não,…
  • Rối loạn chuyển hóa: co giật ở trẻ có thể do hạ đường huyết, thiếu vitamin B6,…
  • Rối loạn điện giải: trẻ co giật có thể do tăng và hạ natri máu, hạ magie máu, hạ canxi máu,…
  • Trẻ co giật do ngộ độc chì, phospho hữu cơ; ngộ độc thuốc Amphetamine, kháng cholinergic, kháng histamin,…
  • Trẻ có thể co giật do mắc các bệnh hệ thống như lupus ban đỏ, bệnh não cao huyết áp,…

Xử trí trẻ co giật

  • Hỗ trợ hô hấp: Cho trẻ nằm nghiêng, đầu ngửa để đàm nhớt tiết ra ngoài, đặt cây đè lưỡi quấn gạc nếu trẻ đang giật để, hút đờm nhớt, cho trẻ thở oxy để đạt SaO2 từ 92-96%. Nếu thất bại với liệu pháp thở oxy hoặc có ngưng thở, tiến hành đặt nội khí quảncho trẻ.
  • Cắt cơn co giật:

Tại nhà:

  • Cho trẻ nằm nghiêng sang 1 bên, ở vị trí an toàn nhất
  • Không cho bất kì thứ gì vào miệng trẻ
  • Ghi nhận thời gian co giật và kiểu giật của trẻ để cung cấp thông tin cho bác sỹ
  • Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu hoặc dùng thuốc cắt cơn
  • Hạ sốt cho trẻ khi trẻ bắt đầu sốt từ 380C, sau đó cho trẻ đi khám bệnh

Tại cơ sở y tế:

  • Tiêm tĩnh mạch cho trẻ diazepam 0,2mg/kg/liều. Trong trường hợp không tiêm tĩnh mạch được, có thể bơm thuốc qua đường hậu môn với liều 0.5mg/kg/liều.
  • Nếu liều thuốc đầu tiên không có hiệu quả, sau 5 phút lặp lại liều thứ 2. Sử dụng tối đa không quá 3 liều. Nếu dùng Diazepam tổng liều 1mg/kg mà chưa cắt cơn giật, chuyển trẻ sang hồi sức.
  • Nếu không sử dụng Diazepam, có thể điều trị trẻ co giật bằng Midazolam liều 0.2mg/kg/lần tiêm tĩnh mạch chậm. Nếu trẻ không đáp ứng có thể tiêm lặp lại liều trên. Liều Midazolam truyền duy trì là 1 μg/kg/phút, tăng dần liều đến khi có đáp ứng, liều không quá 18 μg/kg/phút. Đối với trẻ sơ sinh ưu tiên lựa chọn Phenobarbital liều 15-20mg/kg truyền tĩnh mạch trong 30 phút. Nếu sau 30 phút mà trẻ còn co giật, có thể lặp lại liều thứ hai 10 mg/kg.

Điều trị nguyên nhân:

  • Nếu trẻ co giật do sốt cao, cho trẻ sử dụng Paracetamol15-20mg/kg/lần, nên dùng đường hậu môn.
  • Trẻ co giật do hạ đường huyết, đối với trẻ lớn truyền tĩnh mạch Dextrose 30% liều 2ml/kg, đối với trẻ sơ sinh truyền tĩnh mạch Dextrose 10% 2ml/kg, sau đó duy trì bằng Dextrose 10%.
  • Trẻ co giật do hạ natri máu: dùng Natri clorua 3% liều 6-10ml/kg tiêm tĩnh mạch trong 1 giờ.
  • Điều trị tăng áp lực nội sọ(nếu có) và điều trị các nguyên nhân ngoại khoa như xuất huyết não, chấn thương đầu, u não,…

Khoa Cấp cứu
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố