Các vấn đề tâm lý thường gặp ở trẻ em.

So với nhiều chuyên khoa khác, tâm lý trong môi trường bệnh viện là một lĩnh vực còn khá mới mẻ với nhiều người. Chính vì thế, phụ huynh khá e dè khi đưa trẻ đến phòng khám chuyên khoa tâm lý để được hỗ trợ. Đối diện với  các vấn đề tâm lý ở trẻ em, phụ huynh dễ có hai cách nhìn nhận khá cực đoan. Nhiều người cho rằng ở cái tuổi ‘ăn chưa no, lo chưa tới’, con trẻ sẽ không có gì để lo lắng hay buồn bã. Ở thái cực ngược lại, nhiều bậc cha mẹ lại sợ hãi vì liên tưởng đến các bệnh lý ‘tâm thần’, ‘khùng điên’…

Tuy nhiên, bên cạnh các bệnh về thể lý, thì sức khoẻ tinh thần cũng là một yếu tố cần được quan tâm. Nhiều trẻ có các vấn đề liên quan đến tâm lý dẫn đến các rối loạn trong sinh hoạt, học tập, thậm chí còn có thể gây ra những cơn đau thể chất. Yếu tố gia đình, học đường, bạn bè, có thể là nguyên nhân đưa đến các khó khăn trong tâm lý ở trẻ trong bất kỳ lứa tuổi nào.

Khi nào con nên khám tâm lý?

Ba mẹ chính là người nhận biết các vấn đề tâm lý của trẻ qua lắng nghe, quan sát. Việc ba mẹ dành thời gian tương tác, giao tiếp với con có một ý nghĩa quan trọng giúp tạo được tương quan tin tưởng, an toàn để con có thể chia sẻ những khó khăn của mình. Từ đó, phụ huynh có thể tinh tế nhận ra những biểu hiện thay đổi trong sinh hoạt, lời nói hay cảm xúc thay đổi tiêu cực, buồn phiền… ở trẻ. Ngoài ra, khi phụ huynh nhận ra tương tác giữa mình và trẻ không còn tốt và gây nên sự khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng là lúc gia đình cần tìm đến sự hỗ trợ của tâm lý gia.

Trong một số trường hợp gia đình trải qua các biến cố lớn như chuyển nhà, thay đổi trường, những mất mát, tang chế cũng là lúc trẻ cần có sự đồng hành cùng nhà tâm lý. Có những nỗi đau ‘tưởng chừng đã quên’ nhưng vẫn ảnh hưởng rất lớn đến trẻ và cả gia đình. Những vết thương lòng ấy sẽ khó biến mất nếu phụ huynh và trẻ không can đảm tìm đến nhà chuyên môn tâm lý để được giúp đỡ.

Một khía cạnh quan trọng khác là những dấu hiệu rối loạn về phát triển ở trẻ. Các bất thường này thường xuất hiện ở trẻ lứa tuổi nhỏ như chậm nói, chậm các lĩnh vực phát triển tâm vận động… Đây có thể dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc tự kỷ, chậm phát triển, rối loạn ngôn ngữ và lời nói ở trẻ em. Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ sau này.

Những lưu ý khi đưa trẻ đến khám tâm lý

Việc thăm khám và đánh giá tâm lý luôn cần có ba mẹ hợp tác cùng tham dự để lắng nghe, thấu hiểu vấn đề của trẻ. Cha mẹ hoặc người chăm sóc chính sẽ đóng vai trò quan trọng để cung cấp thông tin về trẻ cho các nhà tâm lý. Đối với các tiến trình tham vấn trị liệu tâm lý, ba mẹ cần hiện diện để cùng với trẻ như một nguồn lực hỗ trợ tích cực từ phía gia đình.

Do thời gian khám tâm lý thường kéo dài 45 – 60 phút/ bé, nên phụ huynh có thể đăng ký hẹn giờ trước qua tổng đài BV Nhi đồng Thành phố số 028 2253 6688 để tiết kiệm thời gian chờ đợi và sắp xếp công việc. Ngoài ra, ba mẹ nên giải thích rõ ràng cho trẻ về việc đến phòng khám tâm lý trò chuyện; không hù dọa trẻ theo kiểu: “bác sĩ sẽ chích, bắt…’ để trẻ có tâm trạng thoải mái, hợp tác khi đến khám.

Ekip các tâm lý gia, bác sĩ tâm thần, bs nhi khoa phát triển sẽ phối hợp cùng nhau để đánh giá, chẩn đoán và đưa ra hướng can thiệp cho trẻ. Những trẻ có vấn đề về cảm xúc như stress, lo âu, trầm cảm… sẽ được nhà chuyên môn thảo luận cùng gia đình về kế hoạch can thiệp. Bên cạnh đó, bệnh viện Nhi đồng thành phố đã xây dựng phòng trị liệu nghệ thuật với rất nhiều giấy màu, màu vẽ, đất nặn, cát… để hỗ trợ quá trình trị liệu tâm lý cho trẻ.

Chuyên gia Tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện
Đơn vị Tâm lý – Bv Nhi đồng Thành phố