Bí mật của người kiên cường.

Friedrich Nietzsche, nhà triết học người Đức đã nói: “Thứ gì không giết nổi ngươi, sẽ làm cho ngươi thêm mạnh mẽ.” Nhà tâm lý học Jonathan Haidt gọi đó là “giả thuyết nghịch cảnh”, có nghĩa là người ta có thể đạt được sự tròn đầy nhân cách và tự hiện thực hoá, nếu như họ đương đầu một cách tích cực với nghịch cảnh, thất bại và tổn thương.

Bạn đã từng mất người thân, trái tim từng tan vỡ, bạn từng kết thúc một cuộc hôn nhân chóng vánh, hay là nạn nhân của sự phản bội? Bạn đã từng bị sẩy thai, bị mắc chứng vô sinh? Bạn đã từng trải qua một thảm họa tự nhiên, đang đối mặt với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19, bạn bị thất nghiệp, bị cách ly, bị cô lập? Bạn, hoặc bất cứ ai mà bạn yêu, đã từng hay đang phải điều trị bệnh tâm thần, chứng mất trí, hay một số bệnh lý về về thể chất, bị ung thư và có suy nghĩ tự sát?

Bạn có thể vươn lên từ nghịch cảnh, có những chiến lược đối phó hoàn toàn có thể khiến bản thân suy nghĩ và hành động tích cực cứu bạn khỏi những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời. Ba chiến lược đối phó sau đây sẵn có trong mỗi chúng ta, bất kỳ ai cũng có thể học chúng, bạn có thể học chúng ngay hôm nay.

Thứ nhất, những người kiên cường nhận thức rằng những điều tồi tệ luôn có thể xảy ra. Họ biết rằng đau khổ là một phần của cuộc sống. Điều này không có nghĩa là họ hoan nghênh nó mà chính là họ sống mà không ảo tưởng. Chỉ là khi thời điểm khó khăn đến, họ dường như biết rằng đau khổ là một phần trong cuộc sống mỗi con người. Nhận biết điều này sẽ ngăn chúng ta khỏi cảm giác bị phân biệt đối xử khi thời điểm khó khăn đến. Thay vì suy nghĩ, “Tại sao là tôi?” mà hãy nghĩ rằng, “Tại sao không phải là tôi? Những điều khủng khiếp xảy ra với tôi giống như đến với mọi người khác. Đó là cuộc sống của tôi bây giờ, đã đến lúc chìm hoặc phải bơi thôi.” Bi kịch thực sự là dường như không nhiều người trong chúng ta biết được điều này nữa. Chúng ta dường như sống trong một thời đại mà chúng ta cho rằng cuộc sống này hoàn hảo, trong đó những bức ảnh hạnh phúc lung linh trên Facebook, Instagram là tiêu chuẩn trong khi cuộc sống thật ngoài đời kia thì không phải lúc nào cũng toàn màu hồng.

Thứ hai, những người kiên cường thực sự giỏi trong việc lựa chọn cẩn thận nơi họ hướng sự chú ý của mình. Họ có thói quen đánh giá tình huống thực tế để từ đó họ sẽ tập trung vào những điều họ có thể thay đổi và bằng cách nào đó chấp nhận những điều mà họ không thể. Đây là một kỹ năng quan trọng, có thể tăng khả năng tự phục hồi. Là con người, chúng ta thực sự giỏi trong việc nhận thấy các mối đe dọa và điểm yếu, não bộ của chúng ta có khuynh hướng tập trung nhiều vào các khía cạnh tiêu cực của vấn đề. Những cảm xúc tiêu cực dính vào chúng ta như Velcro, trong khi những cảm xúc và trải nghiệm tích cực bật ra như Teflon, có nghĩa là bộ não của chúng ta có khuynh hướng nhớ lâu những trải nghiệm tiêu cực và nhanh chóng quên đi những trải nghiệm tích cực. Những người kiên cường không làm giảm tiêu cực, nhưng họ cũng đã tìm ra cách điều chỉnh theo hướng tốt.

Khi những nghi ngờ, đau khổ đe dọa áp đảo bạn, bạn hãy nhớ: “Không, bạn không bị nuốt chửng bởi điều này. Bạn phải sống sót. Bạn phải tồn tại vì nhiều lý do. Hãy chọn cuộc sống chứ không phải chọn cái chết. Đừng đánh mất những gì bạn có cho những gì bạn đã mất”. Chúng ta còn có rất nhiều nguồn lực hỗ trợ xã hội từ gia đình, bạn bè, người thân và cộng đồng để giúp chúng ta vượt qua một trong những thời điểm khó khăn và những người thân yêu của chúng ta cần chúng ta, họ cũng xứng đáng có một cuộc sống bình thường như chúng ta có thể cho họ. Có thể chuyển trọng tâm chú ý của bạn sang những điều tốt đẹp là một chiến lược đối phó thực sự mạnh mẽ.

Suy sụp hay thăng hoa khi đối mặt với nghịch cảnh trong đời đều là lựa chọn của chúng ta. Chúng ta có thể biến đổi tính tiêu cực của mình và hướng đến một tương lai thịnh vượng, hoặc đau khổ than thở về những gì đang xảy ra trong và trên thế giới. Ðó là sự lựa chọn của chúng ta.

Thứ ba, những người kiên cường luôn tự hỏi: “Điều tôi đang làm/ điều này có giúp ích gì cho tôi không hay nó đang làm hại tôi?” Đêm khuya, đôi khi bạn thấy buồn bã khi nhìn vào những bức ảnh cũ của người thân yêu đã mất, càng ngày càng khó chịu. Bạn hãy tự hỏi mình, “Thật sao? Điều này có giúp ích gì cho bạn không hay nó đang làm hại bạn? Hãy cất những bức ảnh và đi ngủ, hãy tử tế với chính mình.” Tự hỏi liệu bạn đang làm gì, cách bạn suy nghĩ, cách bạn hành động đang giúp đỡ hay làm hại bạn, giúp bạn có những trải nghiệm cảm xúc khác nhau từ đó giúp bạn kiểm soát tốt hơn đối với việc ra quyết định của bạn.

Sự đau buồn tác động khác nhau lên từng người. Nghiên cứu mới đây cho thấy sự đau buồn sâu sắc kéo dài từ ba tháng đến một năm và nhiều người tiếp tục phải chịu cảm giác đau buồn trong hai năm hoặc lâu hơn nữa. Phản ứng của người khác với sự đau buồn này đôi khi có thể gây cho mọi người cảm giác có điều gì đó không ổn hoặc họ đang cư xử một cách không bình thường. Điều này không có gì lạ. Sự đau buồn phụ thuộc vào đức tin, tôn giáo, kinh nghiệm sống và từng loại mất mát của mỗi người. Nhiều người tìm kiếm sự an ủi bằng cách tìm đến người khác cùng trong tâm trạng đau buồn hoặc tìm đến những người bạn mình tin tưởng. Tuy nhiên, nếu cảm xúc bị ám ảnh vẫn kéo dài, bạn cần có sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ các chuyên gia tâm lý.

Có thể trong cuộc sống của chúng ta có những thời điểm mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang đi bỗng nhiên trượt xuống theo một hướng khủng khiếp mà chúng ta không bao giờ lường trước được và chắc chắn chúng ta không muốn. Đó là điều khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng. Nếu bạn từng thấy mình trong một tình huống mà bạn nghĩ rằng “Từ nay tôi không thể quay trở lại là tôi của ngày hôm qua”, bạn nên dựa vào những chiến lược đối phó này và suy nghĩ lại. Tôi sẽ không nói rằng suy nghĩ theo cách này là dễ dàng. Và suy nghĩ đó không loại bỏ tất cả nỗi đau. Nhưng nếu bạn đã học được bất cứ điều gì trong những năm đau buồn, thì suy nghĩ theo cách này thực sự có ích. Hơn bất cứ điều gì, nó đã cho tôi thấy rằng sống và đau buồn có thể cùng song hành. Và chúng ta sẽ luôn biết ơn vì điều đó.

Nguồn tham khảo:

Chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố