Tâm lý của phụ huynh khi con bị tự kỷ

Hiện nay, tại phòng khám Tâm lý của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố hàng ngày tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ trong khoảng 24 – 40 tháng đến khám vì lý do ‘chậm nói’ hoặc ‘kém tập trung’. Trong số đó, nhiều trẻ được các bác sỹ chẩn đoán là có dấu hiệu của chứng Rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có thể chấp nhận vấn đề đang xảy ra nơi con mình để hợp tác cùng can thiệp cho trẻ. Vì thế, bên cạnh việc nhận định các vấn đề của trẻ, việc đồng hành tâm lý cùng gia đình trẻ tự kỷ cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

Cho đến nay, tự kỷ vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân cũng như chưa có thuốc chữa trị dứt điểm. Bởi thế, nếu một phụ huynh nhận thức rõ bản chất của ‘tự kỷ’ thì việc con mình được xác định mắc chứng này quả là một ‘tin dữ’ không dễ chấp nhận. Tâm lý của phụ huynh khi đón nhận chẩn đoán tự kỷ của con có thể sẽ diễn ra theo tiến trình 5 giai đoạn sau đây:

Chối bỏ: ban đầu phụ huynh sẽ không chấp nhận chẩn đoán của bác sỹ và có xu hướng đưa con đến nhiều cơ sở y tế khác để khám với hy vọng có một chẩn đoán khác. Nhiều phụ huynh cho rằng con mình vẫn chạy nhảy bình thường nên sẽ không mắc tự kỷ vì nghĩ rằng trẻ tự kỷ phải “ngồi yên một chỗ” mà không biết rằng một trẻ tự kỷ vẫn có thể có các biểu hiện lăng xăng, tăng động.

Giận dữ: sau giai đoạn chối bỏ ban đầu, khi trở về với những dấu hiệu chậm giao tiếp, kém tương tác nơi con, nhiều phụ huynh sẽ có cảm xúc giận dữ. Ba mẹ có thể đổ lỗi, quy trách nhiệm cho nhau hoặc cho ông bà, người nuôi dưỡng là nguyên nhân khiến trẻ bị mắc tự kỷ. Bầu khí của gia đình có thể trở nên căng thẳng, bất hòa và có nguy cơ dẫn đến những đổ vỡ. Một số người đôi khi lại giận dữ với chính bản thân mình và có mặc cảm tội lỗi, cảm giác thất bại trong việc nuôi dưỡng con.

Thương lượng trả giá: sau khi giận dữ, phụ huynh sẽ đi tìm những nguyên nhân mà mình cho rằng đưa đến tình trạng xấu của con mình. Nhiều người có thể đưa ra các suy luận rằng nếu như trước đây không cho trẻ xem TV nhiều, dành thời gian nhiều hơn cho con thì liệu trẻ có mắc tự kỷ không? Tuy nhiên cho đến nay, giả thuyết về việc cách chăm sóc của ba mẹ làm con mắc tự kỷ đã không còn được chấp nhận và tự kỷ được xem là một khuyết tật bẩm sinh. Có nhiều phụ huynh sẽ cố đi tìm các cách ‘chữa trị tự kỷ’ và cho con dùng thử với hy vọng cải thiện tình hình.

Buồn bã: với nhiều loay hoay, xoay sở với vấn đề của con, đến giai đoạn này phụ huynh có phần đã chấp nhận thực tế. Họ sẽ cảm thấy buồn bã, thất vọng, mệt mỏi và chán nản… Một số người có thể rút lui vào thế giới riêng của mình và cảm thấy mất hứng thú với các hoạt động thường ngày. Nếu các yếu tố trên ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như hiệu quả công việc, phụ huynh cần phải được hỗ trợ riêng về tâm lý trong giai đoạn khó khăn này.

Chấp nhận: sau tất cả, phụ huynh sẽ trở lại với cuộc sống và đối diện với những vấn đề đang diễn ra nơi trẻ. Khi đó, phụ huynh có thể chấp nhận được con của mình, với tất cả những gì thuộc về con. Tình yêu thương của gia đình chính là chất xúc tác cần thiết để phụ huynh đón nhận được trẻ như là một quà tặng của cuộc sống. Phụ huynh sẽ nhận ra rằng dù con ra sao thì cũng là do mình sinh ra và là con của mình.

Với mỗi người, tiến trình 5 biểu hiện trên có thể diễn ra nhanh, chậm khác nhau. Và trong tiến trình ấy, đôi khi sẽ có sự đảo lộn các bước nhiều lần như đang ở giai đoạn chấp nhận lại thấy giận dữ và tiếp tục thương lượng trả giá.

Không nên tự chẩn đoán
Trái lại với thái độ không chấp nhận vấn đề, nhiều phụ huynh đã rất chủ động trong việc tìm hiểu các thông tin sức khỏe và cùng với ‘bác Goodgle’ và ‘cô hàng xóm’ để chẩn đoán cho con. Chỉ dựa vào một số dấu hiệu nơi trẻ như ‘chậm nói’, ‘thích xoay tròn’, ‘gọi ít quay lại’ mà phụ huynh đã tự ý dán nhãn cho con bị ‘tự kỷ’ và lo lắng kéo dài. Những thông tin đây đó trên truyền thông có thể dùng để tham khảo và nhận diện các yếu tố nguy cơ nơi trẻ để đưa đi khám và phát hiện kịp thời. Trong cái nhìn của tâm lý học, không bao giờ có hai đứa trẻ giống nhau hoàn toàn. Mỗi đứa trẻ là một thế giới hoàn toàn đặc biệt và độc nhất mà ở đó người làm chuyên môn phải hết sức thận trọng để tiếp xúc, quan sát và khám phá mới có thể đưa ra những nhận định khách quan.

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Nguồn tham khảo: Tạp chí Sức khỏe