Quy tắc cơ bản để bảo vệ con em chúng ta!

Ấu dâm và hiếp dâm là hai tội ác đáng kinh tởm nhất mà con người từng thực hiện. Có hơn 10 lý do để người ta thông cảm cho những kẻ giết người, nhưng chẳng ai đồng cảm nổi với bọn bệnh hoạn.
Cùng bệnh viện Nhi đồng Thành phố chia sẻ những quy tắc cơ bản để bảo vệ con em chúng ta!
? Quy tắc quần lót (PANTS rules) mà tổ chức NSPCC (National Society for the Prevention of Cruelty to Children) kêu gọi các phụ huynh nên dạy cho con của mình:
☆ P – Private (Riêng tư): Nói với trẻ rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.
☆ A – Always remember your body belongs to you (Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con): Hãy cho trẻ biết rằng cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “Không”.
☆ N – No means no (Không là không): Giúp trẻ nhận thức được rằng trẻ có quyền nói “không” với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình.
☆ T – Talk (Nói về những điều bí mật khiến con buồn): Cha mẹ giải thích cho con về sự khác biệt giữa những bí mật “tốt” và “xấu”. Những câu như “Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình” thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe. Những bí mật “tốt” có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật “xấu” là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi. Con cần nói ra.
☆ S – Speak up (Lên tiếng): Nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo…
? Giới thiệu Quy tắc bàn tay trong giao tiếp mà cha mẹ cần dạy trẻ để giúp trẻ tự bảo vệ mình. Bàn tay của bé có 5 ngón và cũng được chia thành 5 vòng tròn giao tiếp.
1. Ôm hôn, dùng với người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột.
2. Nắm tay: Với bạn bè, thầy cô, họ hàng.
3. Bắt tay: Khi gặp người quen.
4. Vẫy tay: Nếu đó là người lạ.
5. Xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà bé cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.
Luật bàn tay này không chỉ phù hợp với trẻ mầm non mà với trẻ tiểu học, vị thành niên.
Một số kỹ năng cần thiết mà bạn cũng cần dạy trẻ để trẻ có thể tự bảo vệ chính bản thân mình:
– Từ 3 tuổi trở đi, VIỆC VỆ SINH VÙNG KÍN, TẮM RỬA CON CÓ THỂ TỰ LÀM ĐƯỢC.
– Nếu con đã nói KHÔNG mà ai đó vẫn có hành động “phạm quy” thì dạy con hét thật to, chạy ra chỗ khác, hoặc cắn, phản kháng lại người đó.
– GỌI ĐÚNG TÊN BỘ PHẬN CƠ THỂ vì nếu lỡ có sự vụ xảy ra, khi trình báo và lấy lời khai, việc nói không chính xác tên bộ phận cơ thể sẽ giúp “hung thủ” dễ thoát tội.
– Dạy con KHÔNG HAM QUÀ, ĐÒI ĐỒ CHƠI, MÊ KẸO BÁNH, KHÔNG NHẬN BẤT CỨ THỨ GÌ NGƯỜI LẠ ĐƯA CHO (khi không có bố mẹ hoặc người thân ở đó).
– Khi con tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, hoặc tập thể thao, dạy con TRÁNH MẶC TRANG PHỤC HỞ HANG HOẶC DỄ LÀM LỘ CƠ THỂ.
Đừng phó thác cho pháp luật, đừng phó thác cho những điều tra viên. Không ai có thể bảo vệ tốt hơn con cái bằng chính cha mẹ, và một vài người cha người mẹ dũng cảm cũng sẽ chẳng thể nào làm nên chuyện nếu không có sự chung tay, chia sẻ của cả cộng đồng. Xin đừng vô cảm, dù chỉ là một phút trong đời!
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ