Phòng ngừa, sơ cứu khi trẻ ngộ độc hóa chất

Ngày 17/3, bé V.G.B. (17 tháng tuổi, ngụ tại Cẩm Mỹ, Đồng Nai) đang được bệnh viện Nhi đồng Thành phố điều trị trong tình trạng rất nguy nan. BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh nhi được chuyển đến trong tình trạng suy hô hấp tím tái phải giúp thở qua ống nội khí quản, thở máy, mạch nhanh trên 200 lần/phút (bình thường 120 đến 140). Kết quả thăm khám, chẩn đoán xác định bệnh nhi bị tổn thương các cơ quan gan thận, tổn thương phổi nặng, xuất huyết phổi, tri giác hôn mê.

Những năm gần đây, số trẻ phải nhập viện do ngộ độc chất tẩy rửa, hóa chất có xu hướng gia tăng. Việc phát hiện, sơ cứu kịp thời cho trẻ khi bị ngộ độc để tránh hậu quả đáng tiếc.

Ngộ độc hóa chất gia dụng xảy ra có thể do tự tử, nhưng nhiều khi là do uống nhầm, nhất là ở trẻ em. Có nhiều loại hóa chất được dùng trong gia đình, vì vậy các tai nạn uống phải hóa chất cũng trở thành thường gặp. Các loại hóa chất sử dụng trong các gia đình hiện nay gồm:
– Các loại xà phòng tắm, dầu gội đầu (Shampoo)
– Các loại hóa chất giặt tẩy, bột xà phòng, nước Javen, bột thông cống (NaOH, KOH).
– Các chất làm sạch dùng trong gia đình (Household cleaners)
– Các chất làm sạch có chứa dung môi hữu cơ (dầu nhựa thông, nhựa thông)
– Các chất tẩy rửa gia dụng: nước rửa bát, chén, lau gạch tráng men, kính, acid HCL.
– Các sản phẩm tẩy uế (tiệt khuẩn và khuẩn và khử mùi) formaldehyde, oxy già, thuốc tím, cồn, glutaraldehyde, chlorine, oide.
– Các chất dạng xăng dầu, dung môi pha sơn, acetone.
– Hóa chất xua đuổi và diệt côn trùng: băng phiến, các bình xịt ruồi muỗi.

Hoàn cảnh dẫn đến ngộ độc, thường là tự tử, uống nhầm:
Về nguyên nhân tự tử, đặc biệt phải chú ý tới trẻ em vị thành nên và thanh niên hay có hành động bột phát, nông nổi: nhiều trường hợp trẻ em chỉ vì học kém, đi chơi về muộn… bị bố mẹ mắng mà lấy nước tẩy sàn “con vịt” uống để tự sát.
– Chứa đựng, san sẻ các hóa chất gia dụng sang các vỏ chai đựng nước uống (vỏ lavie…) là nguyên nhân của nhiều vụ uống nhầm tai hại gây ngộ độc hóa chất gia dụng.

Triệu chứng, dấu hiệu ngộ độc
Các triệu chứng và dấu hiệu có thể gặp khi nhiễm độc hóa chất sử dụng trong gia đình:
* Các biểu hiện tiêu hóa
– Đau họng miệng, đau bụng, buồn nôn và nôn.
– Khám thấy bỏng niêm mạc miệng họng: môi lưỡi đỏ xung huyết, phồng rộp, trượt niêm mạc…
– Bụng: đau khu trú vùng thượng vị, mũi ức hoặc đau lan tỏa khắp bụng. Tình trạng căng chướng bụng có thể là biểu hiện của thủng dạ dày, thực quản, tuy nhiên cần chú ý với trẻ nhỏ khi khóc cũng có thể thấy bụng cứng nhưng không cứng liên tục.
* Các biểu hiện hô hấp
Hít phải các hóa chất gây viêm đường hô hấp sẽ có các biểu hiện sau:
Khó thở, thở nhanh nông, tím quanh môi, cánh mũi phập phồng, co kéo hõm ức là các biểu hiện của suy hô hấp. Ngoài ra có thể nghe thấy tiếng thở rít do co thắt thanh quản.
* Hệ tuần hoàn:
Có thể có tình trạng sốc do giảm thể tích, do đau hoặc do quá sợ: khi bị sốc sẽ thấy da bệnh nhân tái lạnh, nhợt nhạt, ẩm, có khi nổi các vân tím. Mạch quanh nhanh nhỏ khó bắt. Bệnh nhân bị rối loạn ý thức: lơ mơ, li bì hoặc hôn mê.
* Thần kinh:
Bệnh nhân có thể bị rối loạn ý thức, sảng, suy sụp, hôn mê. Với trẻ nhỏ có thể hốt hoảng la khóc, nhưng cũng có thể li bì hôn mê.
* Các bộ phận khác: bỏng da nơi tiếp xúc xảy ra khi miễn các acid mạnh.

Xử trí ngộ độc hóa chất
Tại chỗ
Khi có trẻ em nhiễm độc uống phải các hóa chất thường dùng trong gia đình, cần chú ý tìm hiểu các thông tin dưới đây:
– Tên sản phẩm: thường được ghi rõ ràng trên các vỏ bao bì, túi đựng hoặc chai lọ. Cần đọc chính xác, đánh vần từng chữ cái, chú ý tên và địa chỉ nhà sản xuất, thời hạn trên nhãn mác và các thông tin chi tiết liên quan đến thành phần và độc tính của sản phẩm.
– Số lượng uống, thời gian tiếp xúc (để đảm bảo chắc chắn nên hỏi lại bệnh nhân nhiều lần)
– Có uống kèm loại hóa chất gì khác không?
– Đã có những triệu chứng, dấu hiệu, biểu hiện gì của ngộ độc?
– Các thông tin này nếu được cung cấp đầy đủ cho bác sĩ sẽ giúp chẩn đoán nhanh chóng và xử trí đúng hướng ngay từ đầu sẽ khắc phục được bệnh tật.

Cha mẹ cần xử lý ban đầu sớm để tránh tổn thương sâu
Trẻ uống nhầm hóa chất thường có một số biểu hiện như: ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất….Khi con bị ngộ độc do nuốt nhầm dầu hỏa, cha mẹ không được gây nôn cho trẻ. Lý do là vì nếu cha mẹ gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Trẻ dễ bị viêm phổi là do hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp.
Cha mẹ nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng
Cách xử trí ban đầu cần thiết khi trẻ uống nhầm dầu hỏa đó là cho trẻ dùng nước muối loãng súc miệng, nếu trẻ nhỏ thì lau rửa miệng. Lau rửa nhiều làm nồng độ axit thấp đi tại chỗ, tránh tổn thương lan rộng.
Cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị
Sau sơ cứu, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiếp tục được cấp cứu, giải độc. Nhiều trường hợp trẻ uống phải xăng, dầu hỏa nặng phải nhập viện trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, nôn, ho. Hóa chất có thể được tống ra ngoài theo đường tiêu hóa nếu trẻ uống ở mức độ nhẹ, uống ít.
Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp uống xăng, dầu hỏa có thể gây viêm phổi bởi trẻ dễ dàng hít phải hơi độc của hóa chất. Hơi độc vào phổi gây tổn thương phế nang. Nếu cộng thêm tình trạng sặc hóa chất vào phổi thì tổn thương, viêm phổi càng nặng nề hơn.

Phòng tránh ngộ độc các hóa chất dùng trong gia đình
Các hóa chất sử dụng trong gia đình cần được để tại những nơi kín đáo, tránh xa tầm với của trẻ em. Những chất có độc tính cao (các dung môi pha sơn, các hóa chất diệt côn trùng như thuốc xịt muỗi…) cần để những hộp riêng, có khóa, không để trẻ em lấy được.
Bản thân người lớn cần tìm hiểu về tác dụng, cách sử dụng, độc tính và các biện pháp phòng tránh ngộ độc các hóa chất gia dụng.
Dặn dò, hướng dẫn cho trẻ em biết tác dụng, cách sử dụng các loại xà phòng, dầu gội đầu. Giáo dục cho trẻ ý thức phòng tránh ngộ độc.
Không đựng các hóa chất vào các vỏ chai vốn đựng nước uống (lavie, vital….)
Không mang về nhà các hóa chất mạnh vốn để sử dụng trong công nghiệp, hay trong sản xuất dịch vụ (ví dụ các dung dịch phục vụ cho uốn sấy tóc, acid cho vào ắc quy…)
Không để bất cứ loại hóa chất nào trong khu vực trẻ em thường vui chơi qua lại.
Các trẻ nhỏ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo không nên để trẻ tự chơi một mình. Cần có người lớn hoặc các anh chị lớn hướng dẫn và theo dõi chăm sóc trong quá trình vui chơi.

TRẦN HỒ TRUNG TÍN – PHÒNG ĐIỀU DƯỠNG
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ