Khi nào cần can thiêp chỉnh hình răng cho trẻ

Chỉnh hình răng chủ yếu được sử dụng để ngăn ngừa và điều chỉnh những sai lệch khớp cắn. Một vài yếu tố có thể góp phân gây ra sai lệch khớp cắn ví dụ như  di truyền, mất răng sữa sớm, thói quen xấu ( như mút ngón tay và các vấn đề trong quá trình phát triển)

Những lệch lạc răng miệng có thể xuất hiện lúc sinh hoặc trong quá trình phát triển của trẻ. Răng chen chúc khiến khó vệ sinh răng miệng, trong khi răng thẳng hàng giúp hạn chế nguy cơ sâu răng và bệnh nha chu.

Trong các lần thăm khám định kỳ mỗi 6 tháng, Nha sĩ sẽ thăm khám, phát hiện và theo dõi những lệch lạc răng miệng và sẽ có kế hoạch can thiệp sớm khi cần thiết. Trẻ em nên được thăm khám và tư vấn chỉnh hình răng lần đầu tiên trước khi lên 8 tuổi.

Tại sao cần can thiệp chỉnh nha sớm?
Một vài trẻ có biểu hiện sớm của lệch lạc răng miệng nhẹ. Trong trường hợp đó, Nha sĩ có  thể chỉ dõi trong một khoảng thời gian mà chưa cần can thiệp gì. Tuy nhiên, đối với nhưng trẻ có lệch lạc răng nhiều, điều trị chỉnh nha sớm mang lại nhiều lợi ích ví dụ như:
– Tự tin hơn về vẻ bề ngoài, loại bỏ cảm giác mặc cảm và giúp tâm lý phát triển bình thường
– Giúp xương hàm tăng trưởng theo hướng thuận lợi cho sự phát triển hệ thống hàm mặt
– Giúp tạo khoảng thích cho răng vĩnh viễn mọc ngay ngắn, thẳng hàng
– Giảm nguy cơ nghiến răng.
– Giảm nguy cơ sâu răng và bệnh nha chu
– Giúp rút ngắn thời gian điều trị ở giai đoạn chỉnh hình tiếp theo.
– Giảm nhẹ sai hình trầm trọng sau này hoặc giảm khả năng phẫu thuật ở giai đoạn trưởng thành
– Giảm các vấn đề về phát âm
– Giảm nguy cơ tổn thương nướu, răng và xương hàm

Khi nào thì trẻ có thể bắt đầu điều trị chỉnh nha sớm?
Có 3 giai đoạn liên quan đến điều trị chỉnh nha

Giai đoạn 1: Can thiệp sớm

Mục đích can thiệp chỉnh nha sớm là hướng dẫn và điều chỉnh độ rộng cung răng, từ đó tạo khoảng thích hợp cho răng vĩnh viễn mọc đúng chỗ. Các trẻ thích hợp cho điều trị chỉnh nha sớm bao gồm: trẻ gặp khó khăn khi ăn nhai, trẻ mất răng sữa sớm, nghiến răng và trẻ thở bằng miệng ( trẻ bình thường thở bằng mũi và miệng)

Trong giai đoạn này, Nha sĩ sẽ trao đổi với ba mẹ bé và bé để loại bỏ các thói quen răng miệng có hại ví dụ như sử dụng núm vú cao su quá nhiều và mút ngón tay. Nha sĩ sẽ tư vấn chọn lựa sử dụng một vài khí cụ chỉnh nha giúp thúc đẩy sự tăng trưởng xương hàm, giữ khoảng chờ răng vĩnh viễn mọc ( bộ giữ khoảng) hoặc ngăn răng vĩnh viễn di chuyển vào các vị trí không mong muốn.

Hình 1: trẻ cắn hở răng cửa do thói quen thở miệng
Hình 1: trẻ cắn hở răng cửa do thói quen thở miệng

Giai đoạn 2: giai đoạn răng hỗn hợp ( 6 đến 12 tuổi )

Mục đích điều trị của giai đoạn này là để sắp xếp lại các răng trên cung hàm, bắt đầu điều trị cắn ngược  và bắt đầu sắp xếp đều đặn răng vĩnh viễn. Răng hỗn hợp là giai đoạn mô mềm và xương rất dễ nắn chỉnh. Vì vậy trong một số trường hợp đây là giai đoạn tốt nhất để bắt đầu điều trị những sai lệch khớp cắn trầm trọng.

Nha sĩ có thể hướng dẫn sử dụng một vài khí cụ chỉnh nha. Một vài khí cụ ( như mắc cài) là khí cụ cố định, một số loại khác là khí cụ tháo lắp. Dù sử dụng loại khí cụ nào thì trẻ vẫn có thể nói, ăn, nhai như thường ngày. Tuy nhiên, khi sử dụng loại khí cụ cố định thì trẻ nên chú ý giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ để giảm nguy cơ làm răng bị vàng ố, sâu răng có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này.

Hình 2: Cắn chéo răng cửa giữa

Giai đoạn 3: Bộ răng vĩnh viễn ( từ 13 tuổi trở lên)

Đây là giai đoạn ba mẹ thường quan tâm nhất việc điều trị chỉnh nha cho con. Mục đích điều trị chính của giai đoạn này là làm thẳng hàng răng vĩnh viễn và cải thiện thẩm mỹ nụ cười.

Nha sĩ thường sử dùng mắc cài cho giai đoạn điều trị này để sắp xếp đều đặn răng. Sau khi điều trị chỉnh nha hoàn tất, bệnh nhi có thể cần mang máng duy trì giúp ngăn ngừa tái phát chen chúc răng như tình trạng trước khi can thiệp

Hình 3: Chen chúc răng vĩnh viễn

KHOA RĂNG HÀM MẶT
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ