Hỏi đáp

Em có 1 bé trai (38 tháng tuổi), từ lúc bé hơn 12 tháng tuổi đến nay có bị chảy máu cam khoảng 6 lần, những lần đầu bé hay bị chảy máu cam về đêm, nhưng 2 lần gần đây bé bị chảy máu cam ban ngày (buổi chiều). Ngoài chảy máu cam ra thì bé không nóng sốt hay có bất cứ triệu chứng gì khác nữa. Bác sĩ cho em hỏi em nên cho bé khám ở khoa nào ạ, em cảm ơn Bác Sĩ rất nhiều

Chảy máu cam (chảy máu mũi) là một tình trạng phổ biến, hơn 60% dân số mắc phải ít nhất một lần trong đời. Tuy không đe dọa đến tính mạng, nhưng đây là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm sắp xảy ra.

Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng chảy máu cam như: viêm xoang, viêm mũi dị ứng, ngoáy mũi không đúng cách, có dị vật trong mũi, thay đổi sinh lý do mang thai, khí hậu khô khắc nghiệt…

Ở trẻ em, chảy máu cam thường là do các mạch máu trên mặt trước của vách ngăn mũi bị vỡ, loét mà nguyên nhân chủ yếu là do cảm lạnh hoặc hắt hơi. Phụ huynh cần theo dõi và đưa trẻ đi khám sớm để chuyên gia tư vấn cách khắc phục hiệu quả nhất.
Như đã nêu trên, chảy máu cam có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý, do đó chảy máu cam nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp, biến chứng ung thư mũi xoang rất nguy hiểm

Ngoáy mũi: Ngoáy mũi không đúng sẽ làm rụng lông mũi, tổn thương niêm mạc, vỡ mạch máu và gây chảy máu. Nếu chảy máu nhiều lần có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng, làm suy yếu chức năng bảo vệ khoang mũi, gây chảy máu mũi nhiều hơn.

Viêm mũi dị ứng: Khi cơ thể bị dị ứng khiến các mô dọc theo mũi bị sưng lên. Lúc này các mao mạch giãn ra, khi bạn hắt hơi thường xuyên sẽ gây ra các vết loét và chảy máu. Máu có thể dưới dạng vệt nhỏ khi hắt hơi hoặc xì mũi.
Viêm xoang: Viêm xoang gây chảy máu cam khi người bệnh thường xuyên ngoáy mũi, dùng thuốc xịt mũi trong thời gian dài, hắt hơi mạnh…

Nếu chảy máu mũi có màu đậm, mùi hôi thì có thể là triệu chứng của một dạng nhiễm trùng xoang… lúc này, bạn cần đến các cơ sở y tế chụp nội soi hoặc CT ngay nhé!

Do tăng huyết áp: Tình trạng này thường gặp ở bệnh nhân bị cao huyết áp hoặc người lớn tuổi. Khi huyết áp tăng dẫn đến áp lực thành mạch tăng, có thể nứt vỡ thành mạch, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như chảy máu can, xuất huyết não, suy tim…

Dị vật trong mũi: Khi thấy chảy máu và mủ một bên mũi, kèm theo nhức đầu thường xuyên cần nghĩ đến tình trạng có dị vật ở đường thở.

U xơ vòm mũi họng: Bị chảy nước mũi liên tục, ngạt tắc mũi một bên ngày càng tăng, ù tai và nghe kém do khối u chèn ép vùng loa vòi tai, người gầy xanh, mệt mỏi, kèm theo đó là tình trạng chảy máu cam… thì đây chính là dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm mũi họng cần hết sức cẩn trọng.

KHOA TAI MŨI HỌNG
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Con Em 10 tuổi đã điểu trị bệnh loát dạ dày và đã xuất viện và tái khám gần 3 tháng. Hiện nay bé chưa ăn được nhiều như lúc chưa bệnh và bé hay kêu đau đầu kèm theo mệt có khi sốt nhẹ không muốn ăn, không lên cân 3 tháng nay. Trước đây bác sĩ có có kiểm tra tim, gan, mật thì thấy bình thường. 

Theo thông tin anh cung cấp, con anh đã được chẩn đoán loét dạ dày và điều trị. Bệnh này thông thường được chẩn đoán dựa vào nội soi dạ dày và hay liên quan đến nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Vì vậy, bác sĩ sẽ cần những thông tin chi tiết về kết quả nội soi (nếu bé đã được làm), các xét nghiệm máu, phân, siêu âm bụng v.v. và các thuốc bé đã dùng để hiểu rõ hơn về tình trạng sức khoẻ của bé, từ đó tư vấn cụ thể hơn.

Hiện tại bé ăn kém, thỉnh thoảng có sốt và đau đầu kèm với việc không lên cân trong vòng 3 tháng nay cho thấy bé đang có vấn đề sức khoẻ cần được khám và đánh giá kỹ hơn để tìm nguyên nhân. Tình trạng này có thể liên quan hoặc không liên quan đến bệnh loét dạ dày của bé. Vì vậy, tốt nhất anh có thể đưa bé đến khám tại Phòng khám Tiêu hoá, bệnh viện Nhi đồng Thành Phố với các kết quả xét nghiệm, toa thuốc cũ để các bác sĩ khám bệnh, chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị cho bé.
Trân trọng.

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Hiện nay em đang ở tỉnh Quảng Nam. Con trai của em 4 tuổi, cháu bị đường rò tại vùng cổ. Cháu thường xuyên bị áp xe tại lỗ rò. Em xin nhờ bác sĩ tư vấn giúp em về chữa trị cho cháu.
Hiện thông tin chị cung cấp tôi chưa thể có chẩn đoán chính xác được. Có khả năng cháu bị đường dò khe mang và thường bị áp xe. Muốn điều trị dứt bệnh lý này, có thể cần phải can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, chị nên cho cháu đến bện viện chuyên khoa nhi để các bác sĩ khám và chẩn đoán chính xác, từ đó sẽ có kế hoạch điều trị phù hợp.
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ
Trước tiên tôi rất vui vì đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện đã tận tình với bệnh nhân, nhưng theo ý kiến riêng của tôi, tại sao bệnh viện được xem là hiện đại nhất nước và được đầu tư lớn nhất khu vực phía Nam, thì có phải vì thế mà không có chỗ cho người nhà bệnh nhân ở, muốn ở phải đăng ký chỗ ở và phải tốn 150.000đ/1 đêm, trong khi bệnh nhân nằm viện sau khi đã thanh toán thì chỉ có 200.000đ/1 đêm, chẳng khác nào 1 bệnh nhân bệnh nằm viện điều trị đã tốn 1 khoản chi khá lớn cộng thêm tiền lưu trú của người nhà nữa, thì khi ra viện chi phí cho 1 người bệnh có phải đã tăng gấp đôi không? Kính mong bệnh viện xem xét và có phương hướng để giúp cho người dân giảm bớt gánh nặng về tiền viện phí. Thiết nghĩ 1 bệnh viện với quy mô lớn thì phải đáp ứng được nhiều đối tượng bệnh nhân, chứ với cái gì cũng dịch vụ cũng tốn tiền thế này thì chỉ có nhà giàu mới vô khám. Đã là nhi thì cần phải có 2 người mới chăm sóc được, vậy mà ban đêm thì chỉ cho 1 người ở còn 1 người khác phải đăng ký ở tại 1 nơi khác (tốn 150.000đ/1 đêm), nếu nữa đêm con chúng tôi có gì thì 1 người không xử lý kịp.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố xin cảm ơn những đóng góp của anh/chị. Bệnh viện luôn nỗ lực mang đến chất lượng chuyên môn và dịch vụ y tế tốt nhất cho bệnh nhi trong khả năng của mình. Về các thắc mắc của anh/chị, chúng tôi xin được phản hồi như sau:
– Bệnh viện Nhi đồng Thành phố là bệnh viên nhi, tất cả cơ sỏ hạ tầng đều tập trung phục vụ cho bệnh nhi. Việc bố trí cho thân nhân có nơi ngả lưng về đêm là một vấn đề xã hội Bệnh viện hướng đến để hỗ trợ, không phải là hoạt động bắt buộc theo quy định. Chúng tôi có nhiều khu vực để thân nhân có thể lựa chọn và hoàn toàn tự nguyện. Vì vậy không có vấn đề ” muốn ở phải đăng ký chỗ ở” như phản ánh.
– Bệnh viện Nhi đồng Thành phố luôn hướng đến môi trường điều trị an ninh, yên tĩnh và phòng chống nhiễm khuẩn, trong đó môi trường tập trung đông đúc là nguy cơ lớn đối với các tiêu chí an toàn cho bệnh nhi mà Bệnh viện đang hướng đến. Tại mỗi giường bệnh đều được trang bị hệ thống chuông báo gọi y tá hiện đại, khi cần thân nhân có thể bấm gọi bất cứ lúc nào, nhân viên y tế sẽ có mặt. Không những vậy, Bệnh viện có lực lượng nhân viên bảo mẫu sẵn sàng hỗ trợ thân nhân chăm sóc bé từ 21:00 đêm đên 6:00 sáng hôm sau. Với nhiều hình thức chăm sóc tận giường bệnh như vậy, chúng tôi đã, đang và sẽ đáp ứng được hầu hết nhu cầu của bệnh nhi và thân nhân trong quá trình lưu trú điều trị tại Bệnh viện. Vi sức khỏe và sự an toàn của bệnh nhi,  Bệnh viện Nhi đồng Thành phố buộc phải nhất quán các quy định đã ban hành.
Trân trọng.
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ
Hôm nay tôi đưa cháu khám tim do lúc sinh cháu bác sĩ chuẩn đoán cháu bị tim bẩm sinh thông liên thất. Nay cháu được 1 tháng tuổi lúc mới sinh nặng 3.2kg đến bây giờ được 4.2kg khi bé khóc to bé hay bị tím người, bú sữa mẹ thì ra mồ hôi rất nhiều . Được bác sĩ siêu âm chuẩn đoán civpmd = 3mm, shunt T-P, GdVG/VD :42mmhg. PFO 2mm. Buồng tim không giãn , không cao áp phổi láo #25mmHg. Co bóp 2 thất bảo tồn. Vậy thưa bác sĩ bé nhà tôi có phải can thiệp phẫu thuật

Theo kết quả siêu âm tim, con chị bị bệnh tim bẩm sinh là thông liên thất (CIV) và tồn tại lỗ bầu dục (PFO).

Lỗ bầu dục là một cấu trúc cần phải có trong bào thai để giúp máu lưu thông nuôi cơ thề khi thai còn phụ thuộc tuần hoàn mẹ. Lỗ này thường tự đóng trong một khoảng thời gian ngắn sau sinh (trước 6 tháng tuổi). Lỗ bầu dục của con chị kích thước nhỏ, đa phần sẽ tự khép lại, không cần dung thuốc hay phẫu thuật.

Thông liên thất là bệnh tim bầm sinh thường gặp. Siêu âm tim cho thấy con chị bị thông liên thất phần quanh màng với kích thước lỗ thông nhỏ, hiện không bị dãn buồng tim và không bị cao áp phổi. Loại thông liên thất này ít ảnh hưởng đến sức khỏe, có tiên lượng khá tốt, 75% có thể diễn tiến tự nhỏ và đóng lại. Do vậy, phẫu thuật vá lỗ thông kiểu này là không cần thiết ở trẻ nhỏ, trừ trường hợp bác sĩ thấy lỗ thông này gây ảnh hưởng đến các cấu trúc tim khác trên siêu âm. Chị cần đưa bé đi khám định kỳ và siêu âm tim theo hẹn của bác sĩ.

Bé tăng cân trong tháng đầu tiên như vậy là phù hợp. Sau này khi trẻ mọc răng cần chú ý vệ sinh răng miệng và khám tim mạch trước khi nhổ răng (hay khi cần làm các thủ thuật, phẫu thuật khác) để phòng biến chứng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

 

Em có mang virus viêm gan B với xét nghiệm HbsAg (+) và HbeAg (-). Lúc mới sinh, con em được tiêm 1 liều huyết thanh ImmunoHbs và 1 liều vaccin viêm gan B Euvax. Em tiếp tục tiêm 2 liều vaccin VGB cho bé khi bé tròn 1 tháng và 2 tháng (25/05 và 26/06). Khi đi tiêm chủng vào ngày 26/07 em có được tư vấn lại là phải tiêm theo đúng phác đồ 0-1-6 tháng. Nếu vậy em cho bé tiêm 1 liều khi 2 tháng có ảnh hưởng gì không, vaccin có tác dụng nữa không ạ?Và bé phải tiêm tiếp tục như thế nào ạ?
Khoa sức khỏe trẻ em xin trả lời thắc mắc của bạn như sau:
Vắc xin viêm gan B mũi rời (không cộng hợp với các vắc xin khác như 5 trong 1 hay 6 trong 1) có thể tiêm cho trẻ theo một trong hai phác đồ: 0-1-2-12 tháng và 0-1-6 tháng.
Trong trường hợp mẹ có HbsAg(+), bé sẽ được tiêm 1 liều huyết thanh và 1 liều vắc xin càng sớm càng tốt lúc mới sinh. Sau đó, bác sĩ thường sẽ chọn tiêm theo phác đồ “nhanh” là 0-1-2-12 tháng.
Hiện bé đã được tiêm theo phác đồ “nhanh” nên không bắt buộc tiêm theo phác đồ 0-1-6. Bé nhà bạn đã tiêm được 3 mũi tiêm 0-1-2 nên bé sẽ còn 1 mũi tiêm vào lúc 12 tháng. Khi đủ liệu trình tiêm, bạn nên cho bé kiểm tra kháng thể để biết đáp ứng của bé với việc tiêm chủng có đầy đủ chưa.
Thân ái.
KHOA SỨC KHỎE TRẺ EM
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ
Bé được 7 tháng tuổi, bị hẹp hậu môn. Cho em được biết ngoài cách phẩu thuật còn cách khác không ạ

Qua câu hỏi của quí phụ huynh, còn nhiều thông tin BS chưa được nắm rõ như: lý do bé đi khám bệnh là gì (tiêu bón, chướng bụng…), có tiền căn mổ vùng hậu môn trực tràng trước đây hay không, bé đang được điều trị bằng phương pháp nào, và kết quả điều trị như thế nào …?

Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán là “hẹp hậu môn” thường gặp khi trẻ được đưa đi khám bệnh tại phòng khám do tình trạng chậm đi tiêu (tiêu bón và/ hoặc kèm theo triệu chứng chướng bụng không đi cầu phải bơm hậu môn…).

Chú ý, ở lứa tuổi <12 tháng, thông thường trẻ thường đi tiêu 1-2 lần/ ngày. Nếu trẻ có các triệu chứng chậm đi tiêu (thường trên 2 ngày tiêu 1 lần) và kèm theo chướng bụng, thì có nhiều nguyên nhân : (1) có thể do nguyên nhân chức năng (không có chỉ định phẫu thuật) cần được tái khám, theo dõi định kỳ, và điều trị nội khoa dùng thuốc (nếu cần, và có thể kéo dài); (2) Hoặc có thể do nguyên nhân thực thể (bất thường hậu môn trực tràng và/ hoặc xương củng cụt, bệnh Hirschsprung, hẹp HM sau phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng…).

Do vậy, hiện tại nếu bé còn chậm tiêu và chướng bụng hoặc có bất kỳ bất thường nào khác,. việc em bé được thăm khám cũng như việc hỏi bệnh sử cụ thể hơn là cần thiết để BS có thể nắm rõ tình trạng bệnh của bé và có chẩn đoán cụ thể hơn về mặt nguyên nhân. Từ đó BS sẽ đưa ra hướng điều trị chính xác hơn cho bé. Chúc bé chóng khỏe.

BS TRẦN QUỐC VIỆT
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Mình có 2 bé (3.5 tuổi, 7 tháng). Bé lớn ăn uống bình thường nhưng có vẻ cơ địa ít hấp thu nên nhìn hơi ốm. Khi bé gần 14 kg mình đã cho cháu uống nhiều loại thuốc bổ tăng hấp thụ nhưng ko thấy VPS hiệu quả. Bé nhỏ hơn 6 tháng rồi nhưng rất dễ bị trớ không ngày nào là ko bị trớ mình đã chia nhỏ bữa ăn của bé ra nhưng vẫn bị trớ nên không biết phải làm gì vì bị nôn nhiều nên cân nặng 1 tháng nay không tăng. 

Bé lớn 3.5 tuổi được 14 kg thì vẫn trong khoảng cân nặng bình thường theo tuổi. Các bé trong độ tuổi này thường hiếu động, thích khám phá môi trường xung quanh nên sẽ biếng ăn hơn trước. Trong độ tuổi này thì các bé sẽ bắt đầu phát triển chiều cao nhiều hơn, tỷ lệ mỡ trong cơ thể thấp nên trẻ sẽ trông dài ra và gầy đi, nhìn sẽ không còn tròn trịa như lúc nhỏ nữa. Hiện tại bé chỉ cần ăn đúng bữa, mỗi bữa có đầy đủ thức ăn theo 4 nhóm. Bạn có thể đến đăng ký khám tại phòng khám dinh dưỡng của BV NDTP để được các chuyên gia tư vấn kỹ hơn về chế độ ăn theo độ tuổi cho bé
Bé nhỏ 6 tháng thì không thấy bạn miêu tả cân nặng của bé hiện tại được bao nhiêu. Tuy nhiên nếu ói gây ảnh hưởng đến tăng trưởng của bé thì bạn nên đưa bé đến khám tại phòng khám tiêu hóa để BS có thể chẩn đoán chính xác và cho thuốc điều trị.

BS CẨM TÚ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Bác sĩ cho em hỏi bệnh tim có di truyền không,thưa bác sĩ? Chồng em bị hở van 2 lá do thấp tim, vậy con của em sau này có mắc bệnh tim không?

Tim bẩm sinh không phải là bệnh di truyền.

Hở van hai lá do thấp tim là biến chứng tại tim khi nhiễm liên cầu trùng (Streptococcus beta hemolytic group A) và sẽ không di truyền cho bé. Nhưng khi bé lớn lên và nhiễm liên cầu trùng từ cộng đồng thì vẫn có khả năng bị mắc biến chứng này.

Con gái của tôi được 10 tháng tuổi, cháu bị bệnh tim bẩm sinh (thông liên thất). Do lỗ thông nhỏ nên BS cho cháu uống thuốc 6 tháng khám lại và chưa cần can thiệp phẫu thuật. Tôi được biết trẻ bệnh tim vẫn tiêm chủng bình thường, nhưng hiện tại con gái tôi vẫn chưa được tiêm chủng 1 mũi vaccin nào, do các cơ sở y tế nơi tôi ở không dám tiêm thuốc cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Vậy BS cho em hỏi liệu đến giai đoạn tuổi này cháu có được tiêm phòng không? Và bây giờ cháu có thể bắt đầu được tiêm mũi nào? Em cám ơn BS rất nhiều.

Đến giai đoạn này bé của chị vẫn cần được tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm, cụ thể là bé cần được tiêm ngừa vaccin 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm não do Hib, bại liệt), vaccin viêm gan siêu vi B và vaccin sởi.

All Topics