Để việc tiêm vắc xin không là nỗi ám ảnh

Việc quý phụ huynh quyết định chủng ngừa cho con là một việc làm hết sức quan trọng và có ý nghĩa để bảo vệ sức khỏe cho bé yêu. Mặc dù vậy, các bước chuẩn bị để có một buổi tiêm thoải mái cho cha mẹ và bé đôi khi chưa được chú ý. Một số phụ huynh gặp khó khăn khi thuyết phục trẻ đi tiêm chủng hoặc phải “vật lộn” với bé khi bước vào phòng tiêm. Những hướng dẫn dưới đây sẽ góp phần hỗ trợ cho cha mẹ và cho bé trước, trong cũng như sau tiêm chủng.

Trước khi tiêm chủng
Hãy chuẩn bị!
Quý phụ huynh cần chuẩn bị thật tốt trước khi bé đi tiêm để giúp cho việc chủng ngừa ít căng thẳng cho cả mẹ và bé. Trước tiên, cha mẹ cần ghi chú lại các vấn đề thắc mắc và các câu hỏi có liên quan đến vắc xin và việc tiêm chủng. Cha mẹ không quên kiểm tra hồ sơ tiêm chủng cá nhân của bé và mang theo đến điểm tiêm chủng. Hồ sơ cần được cập nhật chính xác những vắc xin mà con đã được tiêm để tránh thừa mũi tiêm không cần thiết và gây tốn kém. Không quên mang theo một món đồ chơi, thú bông hoặc sách yêu thích của con để an ủi và chơi trong thời gian chờ đợi tại điểm tiêm chủng.

Đối với trẻ lớn
Hãy luôn trung thực với trẻ và không bao giờ nói rằng “Tiêm không đau gì cả” hay “Chỉ đau nhẹ như kiến cắn”… Phụ huynh chỉ cần giải thích phù hợp rằng mũi tiêm có thể đau nhưng sẽ không kéo dài lâu, khi con càng ngồi ngoan sẽ càng ít đau. Nếu bé có anh chị, có thể nhờ đến sự tham gia của anh chị bé để hỗ trợ giúp bé tự tin hơn. Chúng ta cần tránh kể những câu chuyện làm bé sợ hoặc dọa dẫm về các mũi tiêm. Một trong những lý do bé sợ tiêm vắc xin là do phụ huynh đã từng dọa khi bé không ngoan rằng “Nếu con không ngoan, các cô y tá sẽ tiêm đấy”.

Trong khi tiêm chủng
Tuy thời gian bác sĩ dành cho bé không quá nhiều nhưng quý phụ huynh đừng ngần ngại đặt câu hỏi đối với các vấn đề mình còn thắc mắc mà chưa được giải đáp. Hãy hỏi những câu hỏi bạn đã chuẩn bị và có thể hỏi thêm cách xử trí đối với những phản ứng sau tiêm. Các ý tưởng sau sẽ giúp bé đón nhận mũi tiêm dễ dàng hơn: Phân tâm và an ủi bé bằng cách âu yếm, ca hát, và nói chuyện nhẹ nhàng; Cười và giao tiếp bằng mắt, cho bé biết rằng mọi thứ đều ổn; An ủi bé bằng một món đồ chơi, sách yêu thích, thú bông hoặc chăn có mùi quen thuộc; Giữ bé vững chắc trên đùi, theo như hướng dẫn của nhân viên y tế.

Đối với trẻ lớn
Phụ huynh gợi ý và cùng trẻ hít thở sâu để giúp bé “thổi bay” cơn đau. Các trẻ lớn đã có khả năng quan sát nhanh và dễ bị thu hút bởi không gian bên ngoài. Hãy chỉ ra những điều thú vị trong phòng tiêm để gây xao nhãng bé. Việc động viên và khích lệ khi trẻ “dũng cảm” sẽ rất có ích cho những lần tiêm chủng tiếp theo. Ngược lại, hãy dỗ dành khi trẻ khóc và không bao giờ trách cứ trẻ đã “không dũng cảm”.  

Sau khi trẻ đã được tiêm tất cả các mũi tiêm đã được chỉ định, phụ huynh cần bế, ôm ấp, và cho trẻ sơ sinh bú. Giọng nói nhẹ nhàng kết hợp với lời khen ngợi và những cái ôm sẽ giúp trấn an trẻ rằng mọi thứ đều ổn và con đang làm rất tốt.

Sau khi tiêm chủng
Ghi chú ngày tiêm tiếp theo của trẻ để tránh trễ mũi tiêm. Việc đi tiêm đúng ngày hẹn sẽ giúp bé được bảo vệ tốt nhất khỏi bệnh tật. Khi về nhà, phụ huynh hãy dành chút ít thời gian để đọc các thông tin trong tờ rơi được cơ sở y tế cung cấp sau khi tiêm chủng cho bé. Tờ rơi này sẽ giúp quý phụ huynh hiểu rõ hơn về các tác dụng ngoại ý bé có thể gặp phải sau tiêm. Các phản ứng nhẹ như sưng, đau chỗ tiêm, phát ban hoặc sốt là các phản ứng thường gặp và sớm biến mất. Dùng khăn ướt chườm mát có thể giảm đỏ, đau và sưng tại chỗ tiêm. Nếu bé sốt cao trên 38.5 độ C, phụ huynh có thể cho uống thuốc hạ sốt acetaminophen theo liều chỉ định của bác sĩ để giảm sốt. Một số trẻ có thể ăn ít hơn bình thường sau khi tiêm chủng và vẫn tỉnh táo, vui chơi như thường ngày. Triệu chứng này thường không kéo dài quá 24 giờ sau tiêm. Hãy cho trẻ uống nhiều nước và theo dõi sát nhiệt độ của trẻ. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào khiến phụ huynh lo lắng, hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

KHOA SỨC KHỎE TRẺ EM
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ