Chăm sóc trẻ khi đi bơi

Mùa hè đến, khí hậu cũng nóng bức oi ả hơn. Vì thế mà bơi lội luôn là hoạt động thể thao được những bậc cha mẹ lựa chọn hàng đầu cho các con thân yêu của mình. Bơi lội giúp đốt cháy năng lượng dư thừa. Áp lực nước cộng với áp lực của cơ ép vào các mạnh máu giúp lưu thông máu trở lại tim phổi. Nhờ đó mà cơ thể trở nên dẻo dai, linh hoạt hơn.

Vậy các bậc cha mẹ cần chăm sóc những gì khi trẻ đi bơi?

Trước khi đưa trẻ đi bơi:

Cần chuẩn bị: khăn lông, dầu gội, xà phòng tắm, thuốc nhỏ mắt, dầu nóng, quần áo bơi, kính, mũ bơi và phao

Nên cho trẻ đến những hồ bơi dành cho thiếu nhi vì nơi đó hồ bơi có độ sâu phù hợp với trẻ.

Nên nhắc nhở và dạy con trẻ những nguyên tắc an toàn cơ bản như: không được chạy nhảy ở gần hồ bơi vì rất dễ bị trơn trượt, không xuống nước hoặc lại gần hồ bơi khi không có người lớn đi kèm

Các bậc cha mẹ cũng nên học các biện pháp sơ cấp cứu cơ bản để áp dụng ngay khi cần thiết và cẩn trọng khi dùng phao bơi cho trẻ. Theo lời khuyên của AAP và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), các bậc cha mẹ nên cẩn trọng khi cho con dùng phao vì khi đó cả các bậc phụ huynh lẫn trẻ nhỏ đều có một cảm giác an toàn giả tạo và rất dễ trở nên lơ đãng, bất cẩn. Dù cho có huấn luyện viên và nhân viên cứu hộ ở bể bơi thì cha mẹ vẫn phải luôn để mắt trông chừng con.

Khi trẻ đi bơi:

Cần cho trẻ tắm trước bằng nước sạch để theo dõi phản ứng của trẻ với nước. Nếu thấy trẻ có biểu hiện chóng mặt, loạng choạng, mệt mỏi thì tuyệt đối không cho trẻ bơi lúc này.

Tuyệt đối không để trẻ quá no hoặc quá đói khi đi bơi vì:

Bơi khi đói sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu ăn và chức năng tiêu hóa của trẻ hoặc có thể xảy ra tình trạng chóng mặt và mất sức.

Bơi trong lúc dạ dày còn quá no, máu sẽ tập trung ở những cơ bắp đang vận động, khiến việc tiêu hóa bị cản trở, ngoài ra còn có thể dẫn đến hiện tượng đau bụng, buồn nôn…cản trở quá trình hấp thụ dinh dưỡng và đốt cháy năng lượng trong trẻ.

Cần tập cho trẻ thói quen làm nóng cơ thể trước khi bơi bằng các động tác thể dục để tránh nguy cơ bị chuột rút, vọp bẻ.

Thời gian thích hợp nhất để trẻ bơi là 9-11 giờ sáng, nước âm ấm và không khí ít bụi bẩn. Tuyệt đối không để trẻ đi bơi vào giữa trưa và tối muộn. Vì trong khoảng thời gian này nhiệt độ cơ thể của trẻ đang cao, mồ hôi ra nhiều, nếu gặp nước sẽ rất dễ nhiễm lạnh.

Cha mẹ không để trẻ ở dưới nước quá lâu vì trẻ có thể bị nhiễm lạnh và nước ở bể bơi luôn có hóa chất, việc bơi quá lâu và không tắm rửa kỹ càng sau khi bơi có thể làm ảnh hưởng đến da trẻ. Thời gian tối đa cho trẻ bơi không nên quá 1 tiếng đồng hồ.

Nếu là lần đầu tiên trẻ đi bơi, nên để trẻ tiếp xúc từ từ với nước. Tránh đẩy mạnh trẻ xuống khiến trẻ có tâm lý sợ hãi và không dám đi bơi nữa.

Sau khi trẻ bơi:

Cần choàng ngay khăn để tránh trẻ bị nhiễm lạnh, sau đó tắm kỹ bằng nước sạch để tránh nhiễm bẩn từ nước hồ bơi.

Làm khô tai nhẹ nhàng bằng cách quấn một góc nhỏ khăn giấy hoặc khăn vải để lau tai. Nếu nước vào tai, dạy trẻ nghiêng đầu, lắc nhẹ để nước ra khỏi tai, kéo nhẹ vành tai tạo đường thẳng cho nước chảy ra ngoài.

Xoa đều dầu nóng lên các huyệt, nhỏ mắt, mũi và tai bằng nước muối sinh lý hay thuốc sát trùng nhẹ. Sau cùng, cho trẻ súc miệng bằng nước súc miệng thông dụng.

Giữ ấm cơ thể cho trẻ sau bơi hoặc dạy trẻ những bài tập thể dục khởi động tại chỗ để làm nóng cơ thể hoặc ôm túi chườm ấm, túi sưởi ở bụng.

Lưu ý: Trẻ mắc những bệnh này không nên đi bơi:

Trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm thì không nên đi bơi để tránh lây truyền bệnh xuống hồ.

Trẻ đang bị cảm cúm, viêm tai giữa, thủng màng nhĩ, viêm xoang mũi tái phát hoặc các bệnh đường hô hấp (viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn…) cũng không nên đi bơi vì bệnh sẽ có nguy cơ nặng thêm.

Trẻ bị hen phế quản: Trẻ bị hen phế quản không nên đi bơi vì khi tiếp xúc với nguồn nước lạnh trẻ rất dễ bị lên cơn khò khè, khó thở, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.

Trẻ bị viêm da dị ứng: Hóa chất được pha trong nguồn nước của hồ bơi gây nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của trẻ.

 

CNĐD NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC
PHÒNG ĐIỀU DƯỠNG
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHÔ