Chăm sóc bệnh nhi hen tại nhà

Hen suyễn là tình trạng viêm phế quãn mãn tính khó hồi phục và không thể điều trị dứt điểm. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thể chất và tinh thần người bệnh. Trẻ bị hen phế quản phải giới hạn hoạt động thể lực, suy hô hấp và có thể có nguy cơ tử vong… khi lên cơn. Vì vậy, cha mẹ và người thân cần biết chăm sóc trẻ bị hen phế quản đúng cách tại nhà.

Tuy không điều trị dứt điểm được, nhưng chúng ta có thể kiểm soát bằng các kế hoạch chăm sóc bệnh nhân hen phế quản, dùng thuốc để kiểm soát bệnh, trong đó hàng đầu là tránh các yếu tố khởi phát bệnh và giáo dục bệnh hen suyễn.

Khi chăm sóc trẻ mắc hen phế quản tại nhà cần phải biết cách nhận biết và xử trí khi trẻ lên cơn, tránh nguyên nhân làm khởi phát cơn hen, biết cách tự phòng ngừa bằng thuốc và tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ.

Mục tiêu của chăm sóc bệnh nhân hen bao gồm:

    • Đạt và duy trì kiểm soát triệu chứng
    • Duy trì hoạt động bình thường, bao gồm gắng sức
    • Duy trì chức năng phổi gần với bình thường
    • Phòng đợt kịch phát
    • Tránh tác dụng phụ của thuốc
    • Phòng tử vong do hen

1.Tránh các yếu tố khởi phát bệnh

Các yếu tố kịch phát hen phế quản
1.1. Những yếu tố môi trường
– Dị nguyên trong nhà: nấm mốc, mạt nhà, gián, chó mèo..
– Dị nguyên ngoài nhà: khói bụi, ô nhiễm, phấn hoa…
– Nhiễm trùng: chủ yếu là nhiễm virus đường hô hấp
– Các yếu tố nghề nghiệp. tình trạng này gặp chủ yếu ở người lớn
– Thuốc lá: Hút thuốc chủ động và thụ động
– Ô nhiễm môi trường không khí

Những yếu tố gây khởi phát cơn hen
1.2. Những yếu tố nguy cơ kích phát cơn hen
– Tiếp xúc với các dị nguyên
– Thay đổi thời tiết, khí hậu, không khí lạnh.
– Vận động quá sức, gắng sức.
– Một số mùi vị đặc biệt, hương khói các loại (đặc biệt khói thuốc lá).
– Cảm xúc mạnh.

Để phòng tránh, cha mẹ cần cho trẻ:
– Tránh hoặc giảm tiếp xúc yếu tố nguy cơ nên được áp dụng bất cứ lúc nào có thể.
– Giảm tiếp xúc với yếu tố nguy cơ sẽ cải thiện kiểm soát hen và giảm dùng thuốc.
– Giảm tiếp xúc với dị nguyên trong nhà
– Tránh khói thuốc
– Tránh khói xe
– Phát hiện chất kích thích nơi ở
– Phòng nhiễm trùng ở trẻ em và nhũ nhi
– Bệnh nhân hen nên được chích ngừa cúm, nhưng dường như không phòng ngừa được đợt kịch phát và kiểm soát hen.

2. Lập kế hoạch hành động khi cơn hen cấp đến

Nếu con bạn chưa có, hãy làm việc với bác sĩ để lập kế hoạch hành động khi cơn hen cấp. Bạn có thể nhờ bác sĩ giải thích, sau đó hỏi lại và học thuộc lòng hoặc ghi lại và dán nó vào những nơi dễ thấy trong nhà hoặc cơ quan làm việc. Nó sẽ giúp ích bạn trong những đợt cấp đầu tiên khi bạn chưa quen đối phó với cơn hen cấp
Ví dụ, kế hoạch hành động của con bạn có thể bao gồm:

  • Triệu chứng và dấu hiệu của cơn hen cấp
  • Bao nhiêu thuốc để dùng và khi nào dùng.
  • Danh sách các yếu tố kích phát cơn hen suyễn và kế hoạch tránh chúng
  • Phải làm gì khi bạn có các triệu chứng cụ thể của cơn hen suyễn cấp: cách dùng thuốc đúng cách, liều lượng.

Dấu hiệu cơn hen cấp và các xử lý

  • Các triệu chứng của cơn hen cấp ở trẻ em bao gồm: khò khè, khó thở, ho dữ dội, nặng ngực, quấy khóc, phải ngồi thở, không thể nói câu dài

Khi trẻ có các dấu hiệu trên, cần cho dùng thuốc cắt cơn có tác dụng nhanh.

    • Hoặc Ventolin MDI 100mcg 2 lần nếu không dùng buồng đệm, hoặc 4-6 lần nếu có buồng đệm. Mỗi lần cách nhau 1 phút.
    • Hoặc xông khí dung ventoline 2,5 mg cho trẻ < 5 tuổi; 5 mg cho trẻ > 5 tuổi.

Có thể lặp lại 3 lần, mỗi lần cách nhau 20 phút. Sau khi dùng thuốc cắt cơn, nếu trẻ chuyển biến tốt thì có thể cho trẻ nghỉ ngơi, khám lại sau đó. Nếu trẻ không có chuyển biến tốt, vẫn còn thở nhanh, khó thở, hoặc trẻ có biểu hiện nói không nổi, tím tái, cánh mũi phập phồng, co kéo hõm trên ức, thượng đòn, cơ ức đòn chũm,… cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế. Không nên dùng thuốc cắt cơn dạng uống khi trẻ đang lên cơn hen vì tác dụng chậm và yếu. 

3. Điều trị dự phòng hen phế quản

Điều trị dự phòng hay điều trị duy trì nhằm khống chế phản ứng viêm mãn tính trong phế quản, từ đó cải thiện chức năng hô hấp, giảm nguy cơ lên cơn hen cấp và giúp phổi của trẻ phát triển bình thường

Điều trị dự phòng không dùng thuốc cần áp dụng cho mọi trường hợp hen phế quản. Các biện pháp chủ yếu bao gồm tránh các yếu tố dị ứng và yếu tố nguy cơ ở trên.

Điều trị dự phòng bằng thuốc trong các trường hợp: Hen không kiểm soát hoặc kiểm soát một phần; Hen dai dẳng, có triệu chứng 1lần/tuần hoặc hơn, cơn hen về đêm 2 lần/tháng; Hen phế quản từng cơn, nhưng có tiền căn nhập viện vì cơn hen khởi phát nặng; Hen phế quản theo mùa, điều trị dự phòng bắt đầu mùa hoặc khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên và ngừng khi hết mùa.

Thuốc điều trị có thể là thuốc uống, thuốc xịt (thuốc hít) hay xông khí dung. Các thuốc này đã được chứng minh là có hiệu quả, ít tác dụng phụ nếu dung đúng cách, không gây nghiện hay lệ thuộc thuốc.

    • Đối với thuốc uống, bạn cần uống vào 1 giờ cố định trong ngày để không bị quên. Không uống bù thuốc nếu bạn lỡ quên 1 ngày uống thuốc
    • Đối với thuốc dạng hít hay xông khí dung, thuốc thường sử dụng có thành phần corticoid dạng hít. Bạn cần vệ sinh miệng bé bằng cách rơ với nước ấm sạch hay súc miệng, đánh răng sau khi hít thuốc

Điều cần ghi nhớ là thuốc điều tri dự phòng chỉ được ngưng hay thay đổi liều bởi bác sỹ. Bạn không nên tự ý ngưng thuốc cho dù bệnh hen của trẻ có vẻ khá hơn.

Ghi nhật ký theo dõi bệnh hen suyễn của con bạn
Nhật ký là một cách để theo dõi mức độ kiểm soát hen suyễn của trẻ. Hàng ngày, viết ra:

  • Bất kỳ triệu chứng hen nào mà trẻ có và biểu hiện của trẻ.
  • Trẻ ở đâu và những gì trẻ đang làm ngay trước khi có cơn hen cấp.
  • Khi nào bạn cho trẻ sử dụng thuốc và với liều lượng bao nhiêu.
  • Chỉ số PEF của trẻ nếu có.

Tất cả các thông tin này, được ghi lại trong nhật kí một cách khoa học, giúp bạn và bác sĩ có thể hiểu được tình trạng bệnh suyễn của riêng bạn vì mỗi người là một cá thể riêng biệt. Bạn có thể lên kế hoạch để không tiếp xúc các yếu tố khởi phát cơn hen cấp hoặc có thể có các biện pháp đối phó nếu sắp tiếp xúc các yếu tố kịch phát.Bác sĩ cũng có thể kiểm tra nhật ký của bạn để lên kế hoạch điều chỉnh tăng giảm liều.

Lưu ý cho trẻ tái khám đúng hẹn, tái khám ngay cả khi cảm thấy trẻ khỏi bệnh, không lên cơn hen. Bác sĩ sẽ theo dõi và xem lại diễn tiến của bệnh, đánh giá hiệu quả điều trị để có thể tăng, giảm liều hoặc thay thuốc phù hợp.

Ở trường, cần cho thầy cô giáo biết về tình trạng của trẻ.  Trẻ vẫn tập thể dục, chơi thể thao vừa sức bình thường nhưng trước đó 15 phút cần cho trẻ hít giãn phế quản.

BS TRỊNH HỒNG NHIÊN
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ