10 thành tựu nổi bật về áp dụng kỹ thuật chuyên sâu trong cứu sống người bệnh nặng và nguy kịch tại các bệnh viện thuộc Ngành Y tế thành phố trong năm 2018 – Sở Y tế

Tiếp nối những thành tựu trong hoạt động khám, chữa bệnh trong những năm trước, trong năm 2018, các bệnh viện đầu ngành của thành phố tiếp tục triển khai nhiều ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị bệnh nặng và phức tạp. Dưới đây là 10 thành tựu ở nhiều góc cạnh khác nhau trong ứng dụng khoa học kỹ thuật tại các bệnh viện đầu ngành góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của Ngành Y tế thành phố trong năm 2018.

Thành tựu 1. Tiếp tục phát huy hiệu quả quy trình báo động đỏ cứu sống nhiều người bệnh trong tình trạng nguy kịch

Huyết khối lấp gần hoàn toàn các nhánh động mạch phổi hai bên, trong nhĩ phải và tĩnh mạch chủ dưới lan xuống tận các tĩnh mạch trên gan được y, bác sĩ BV Nhân Dân Gia Định kích hoạt báo động đỏ và cứu sống trong “gang tấc”

“Báo động đỏ” là quy trình phối hợp khẩn cấp những chuyên gia có kinh nghiệm thuộc các chuyên ngành khác nhau trong nội viện, cũng như giữa các bệnh viện với nhau. Từ tháng 04/2016, các bệnh viện đã triển khai quy trình “báo động đỏ nội viện và liên viện” cứu sống được nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Riêng trong năm 2018, các bệnh viện đã thực hiện 379 ca báo động đỏ nội viện và 99 ca báo động đỏ liên viện cứu sống bệnh nhân. Dưới đây là những ca tiêu biểu trong năm.

Trường hợp điển hình đầu tiên là người bệnh N.V.T (49 tuổi) ngụ ở quận Tân Bình, bị té từ độ cao 4 mét xuống mặt đất vào ngày 20/8/2018, được bệnh viện Tân Phú chuyển đến bệnh viện Nhân Dân 115 trong tình trạng lơ mơ, sốc mất máu nặng, mạch, huyết áp không đo được, vết thương bụng vùng hố chậu phải, nhiều quai ruột non lộ ra ngoài, có đoạn ruột đứt lìa, chấn thương đầu. Êkíp cấp cứu đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, phối hợp các chuyên khoa: Ngoại Tổng quát, Ngoại Lồng ngực Mạch máu, Hồi sức Ngoại để hồi sức tích cực và phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân. Bệnh nhân ổn định và xuất viện sau một tuần.

Bệnh nhân thứ hai là N.T.H (55 tuổi), quê Vĩnh Long, cấp cứu tại bệnh viện Nhân dân Gia định với triệu chứng khó thở. Ê kíp cấp cứu nhận định bệnh nhân bị thuyên tắc do huyết khối tại động mạch phổi hai bên, trong nhĩ phải và tĩnh mạch chủ dưới lan xuống tận các tĩnh mạch trên gan và đã kích hoạt quy trình báo động báo đỏ nội viện, huy động chuyên gia nội và ngoại tim mạch để tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu lấy huyết khối, tái lập lưu thông hệ động mạch phổi, dưới tuần hoàn ngoài cơ thể, lọc máu và hạ thân nhiệt chỉ huy. Các ê kíp đã kịp thời xử trí cấp cứu nhanh và phối hợp nhóm tốt, mang đến sự hồi sinh cho người bệnh. Người bệnh xuất viện ổn, tái khám tại bệnh viện hai lần không còn dấu hiệu thuyên tắc. Đây là trường hợp hiếm gặp, nếu không phẫu thuật hoặc phẫu thuật muộn, bệnh nhân sẽ rơi vào tử vong.

Trường hợp thứ ba là bệnh nhân N.Q.H (63 tuổi) được chuyển từ Lâm Đồng xuống bệnh viện Nhân dân Gia Định với kết quả chụp mạch vành xác định bệnh nhân bị bệnh thân chung và 3 nhánh mạch vành, thương tổn nhiều tầng, tim gần như không được tưới máu. Bệnh nhân bị ngưng tim hoàn toàn khi đang tiến hành chuẩn bị phẫu thuật, tuần hoàn cơ thể; tình huống đặt ra lúc này là phải xoa bóp ngực và mổ tim trên cùng một vị trí! Kíp phẫu thuật đã quyết định vừa xoa bóp tim vừa mở ngực khẩn cấp trong tình huống tim ngừng đập hoàn toàn, sau khi mở ngực cực nhanh và mở màng tim, tim đã ngưng hoàn toàn, giãn to và khá căng; xoa bóp tim trực tiếp được tiến hành tức thì đồng thời phải thực hiện đặt các canules để khởi động hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể. Sáng hôm sau đồng tử bệnh nhân đã co lại và bệnh nhân hồi tỉnh, như một phép màu.

Trường hợp thứ tư là bệnh nhân N.T.T.A (35 tuổi) tại tỉnh Long An bị đâm thấu ngực gây thủng tim, thủng cơ hoành, thủng gan và mạch máu trên gan gây sốc mất máu nặng đe dọa tính mạng. Bệnh nhân được bệnh viện Long An Segaero chuyển đến bệnh viện Xuyên Á cấp cứu ngay trong đêm 10/12/2018 với vết thương đâm sắc gọn ở ngay giữa mũi ức và vết thương ở ngực trái, trong tình trạng da, niêm mạc trắng nhợt, lơ mơ, mạch li ti khó bắt, huyết áp không đo được. Ngay lập tức, bệnh viện Xuyên Á kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện huy động các chuyên gia Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực, Ngoại Tổng quát, Gây mê Hồi sức. Bệnh nhân được khâu cầm máu vết thương tim, vết thương nhu mô gan và chỗ rách cơ hoành; tiếp tục theo dõi, hồi sức tim mạch tích cực. Sau phẫu thật 2 ngày, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, không có di chứng tổn thương não và bình phục hoàn xuất viện sau 2 tuần điều trị.

Trường hợp thứ năm là bệnh nhân L.T.G (44 tuổi), quê quán tỉnh Đồng Nai, bị cưa cắt ngang bụng nhập cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức vào ngày 01/10/2018 trong tình trạng thở ngáp, mạch huyết áp không đo được, vết thương thấu bụng 15cm vùng hố chậu trái, lòi ruột ra ngoài. Ngay lập tức, Bệnh viện kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, vừa hồi sức vừa chuyển phòng mổ để xử trí thương tổn đồng thời kích hoạt báo động đỏ liên viện với bệnh viện Nhân Dân Gia Định để hỗ trợ mang mảnh ghép mạch máu cùng ê-kíp phẫu thuật gây mê hồi sức hỗ trợ cấp cứu kịp thời. Việc phối hợp nhịp nhàng giữa 2 bệnh viện đã góp phần quan trọng cứu sống người bệnh. Người bệnh được xuất viện sau 1 tháng điều trị và trở về cộng đồng sinh hoạt bình thường.

Trường hợp thứ sáu là bệnh nhân N.H.N (41 tuổi), ngụ tại quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 25/02/2018, bệnh nhân được đưa vào bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cấp cứu với tình trạng đa vết thương, trong đó có 01 vết thương trước ngực trái khoang liên sườn 4-5, mạch nhanh, huyết áp tụt. Bệnh nhân được đưa lên phòng mổ và bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ liên viện với bệnh viện Nhân Dân 115. Sau 20 phút ê kip bệnh viện Nhân dân 115 có mặt tại phòng mổ. Ê kip phẫu thuật tiến hành khâu vết thương, sau đó đóng ngực và dẫn lưu. Bệnh nhân khỏe mạnh được xuất viện sau 10 ngày nằm viện.

Trường hợp thứ bảy là bệnh nhân T.Đ.T (18 tuổi) cư ngụ tại quận Bình Tân, được người quen đưa vào bệnh viện quận Bình Tân cấp cứu lúc 20 giờ 45 ngày 16/9/2018 trong tình trạng nguy kịch, lơ mơ, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được, da niêm xanh nhạt, máu chảy rất nhiều từ vết chém hông lưng trái, lộ nhiều quai ruột non. Lập tức tua trực cấp cứu kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ trong vòng 10 phút sau đó. Tại phòng mổ, bệnh nhân được hồi sức, truyền máu, tiến hành phẫu thuật cắt thận trái, cắt lách, khâu cầm máu vết thương. Sau 2 giờ phẫu thuật, đội ngũ y bác sĩ ê kip phẫu thuật của bệnh viện quận Bình Tân đã kịp thời cứu sống bệnh nhân. Kết thúc 15 ngày điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân xuất viện trong tình trạng ổn định.

Trên đây chỉ là 7 trong số nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch trong năm 2018 đã được các bệnh viện cứu sống nhờ áp dụng quy trình báo động đỏ, phối hợp nhịp nhàng nhiều chuyên khoa và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu để cứu sống người bệnh. Có được thành tựu như trên đó là kết quả của sự nỗ lực phát triển chuyên môn kỹ thuật và nhất là sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau của các bệnh viện giữa các tuyến trên địa bàn thành phố trong hoạt động cấp cứu người bệnh.

Thành tựu 2. Triển khai hiệu quả “hoạt động phối hợp liên viện, phản ứng nhanh” xử lý thành công ổ dịch trong bệnh viện, ngăn chặn kịp thời và tránh lây lan trong cộng đồng

Nhân viên bệnh viện Bệnh nhiệt đới làm việc xuyên đêm nhanh chóng xác định tác nhân gây ra ổ dịch tại Khoa Nội soi – BV Từ Dũ

Cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A/ H1N1. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao trong cộng đồng và dễ diễn tiến nặng trên đối tượng nguy cơ cao. Phát hiện sớm ca bệnh, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan rộng trong cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống dịch.

Vào sáng ngày 01/06/2018, tại Khoa Nội soi, bệnh viện Từ Dũ xuất hiện trường hợp bệnh nhân đang chờ phẫu thuật có biểu hiện nghi cúm. Đến chiều, số lượng người có triệu chứng tương tự đã tăng lên đến con số 20. Ngay lập tức, bệnh viện Từ Dũ báo cáo Sở Y tế và tiến hành hội chẩn chuyên môn với bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã khẩn trương khởi động qui trình “phản ứng nhanh” huy động ê kip xét nghiệm làm việc xuyên đêm thực hiện tất cả các mẫu bệnh phẩm từ bệnh viện Từ Dũ gửi sang để có kết quả sớm nhất. Nhờ có kết quả sớm, công tác phòng chống dịch trong bệnh viện được triển khai và dịch bệnh đã được khống chế sau 3 ngày.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm của các nhân viên y tế bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa 2 bệnh viện, dịch bệnh đã được khống chế kịp thời, giúp người bệnh tránh được cảm giác hoang mang, lo lắng.

Thành tựu 3. “Ghép thận từ người cho chết não” lần đầu tiên thực hiện tại bệnh viện chuyên khoa Nhi

Bệnh nhân Đ.V.H đã được ghép thận thành công từ người cho chết não tại Bệnh viện Nhi đồng 2

Ngày 10/12/2018, bệnh viện Nhi Đồng 2 nhận được thông tin trường hợp chết não có mong muốn hiến tạng (thận) từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia. Bệnh viện đã nhanh chóng thông báo cho gia đình bệnh nhân Đ.V.H (15 tuổi) trong danh sách chờ ghép đến bệnh viện để làm một số xét nghiệm hòa hợp miễn dịch.

Trong vòng 24 giờ, bệnh viện đã huy động được toàn bộ ê kip ghép thận gồm các bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa Ngoại thận – Tiết niệu, gây mê, hồi sức và nhóm chuyên gia của bệnh viện Chợ Rẫy sẵn sàng cho ca ghép. 16 giờ 00 ngày 12/12/2018, thận hiến được vận chuyển từ bệnh viện Việt Đức đến Thành phố bằng đường hàng không và ngay sau đó được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 2. Trải qua 6 giờ phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức và tiếp tục điều trị với phác đồ sau ghép. Hiện tại, bệnh nhân ổn định, chức năng thận cải thiện, cung lượng nước tiểu tốt và chuẩn bị đi học trở lại như bao bạn bè khác.

Thành tựu 4. Triển khai phẫu thuật robot bán khẩn cứu thai phụ song sinh thoát khỏi nguy cơ bị nhiễm trùng đường mật và viêm tụy cấp

Phẫu thuật viên đang điều khiển robot mổ bán khẩn cho thai phụ

Lần đầu tiên, Bệnh viện Bình Dân đã thực hiện phẫu thuật bằng robot khẩn cấp cho một thai phụ thoát khỏi nguy cơ sốc nhiễm trùng đường mật do sỏi ống mật chủ diễn tiến viêm tụy cấp, đảm bảo an toàn cho song thai 17 tuần tuổi.

Trước đó, chị T. nhập cấp cứu tại bệnh viện Bình Dân trong tình trạng đau dữ dội vùng thượng vị kèm nôn ói dịch vàng liên tục. Kết quả khảo sát hình ảnh cho thấy ống mật chủ có sỏi với kích thước khoảng 6mm, bên trong túi mật chứa nhiều sỏi kèm sỏi 20x36mm kẹt ở cổ túi mật, vách túi mật phù nề, đường mật trong và ngoài gan giãn nhẹ ứ đọng dịch mật. Xét nghiệm máu của chị T. gợi ý tình trạng nhiễm trùng và diễn tiến viêm tụy cấp.

Ê kíp phẫu thuật đã loại bỏ túi mật viêm cấp, phù nề với kích thước khoảng 10cm. Dụng cụ bắt sỏi được đưa qua nội soi ống mềm chuyên dụng đã tiếp cận và lấy sỏi tại đoạn cuối ống mật chủ ra ngoài. Thám sát qua nội soi đường mật trong và ngoài gan, đảm bảo không có sỏi đường mật sót trong thai kỳ. Ống mật chủ được khâu kín. Kết quả phẫu thuật can thiệp bán cấp thành công, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Thành tựu 5. Ứng dụng thành công “kỹ thuật dị ghép tế bào gốc trong điều trị hội chứng thực bào máu nguyên phát”

Ứng dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh nhân bị Hội chứng thực bào máu nguyên phát

Hội chứng thực bào máu là một bệnh lý rối loạn miễn dịch được đặc trưng bởi sự phóng thích quá mức các cytokine trong cơ thể, dẫn đến tình trạng tổn thương đa cơ quan trong cơ thể. Phương pháp điều trị hiệu quả chữa khỏi hội chứng thực bào máu nguyên phát là dị ghép tế bào gốc. Nếu không được điều trị kịp thời người bệnh sẽ nhanh chóng tử vong. Đối với hội chứng thực bào máu, việc tiến hành ghép tế bào gốc rất khó khăn do những vấn đề sau: bệnh nhân thường diễn tiến nặng nhanh chóng trước khi tiến hành ghép, hạn chế trong việc tìm người cho, khó tiếp cận nguồn thuốc hóa chất dành cho ghép.

Kỹ thuật dị ghép tế bào gốc được thực hiện tại bệnh viện Truyền máu Huyết học từ năm 1995, chủ yếu dành cho các bệnh lý huyết học ác tính. Năm 2018, bệnh viện Truyền Máu Huyết Học lần đầu thực hiện thành công kỹ thuật dị ghép tế bào gốc cho bệnh nhân: T. H, (34 tuổi), cư ngụ tại quận Gò Vấp được chẩn đoán là hội chứng thực bào máu nguyên phát; từ người cho là chị gái phù hợp HLA 10/10. Đánh giá sau 21 ngày dị ghép: tình trạng lâm sàng của bệnh nhân được cải thiện đáng kể, tủy đồ ghi nhận mật độ tủy trung bình, với sự hồi phục các dòng tế bào, xét nghiệm thể khảm (chimersim) chứng minh 100% tế bào mọc trong tủy từ chị gái của bệnh nhân.

Với thành tựu này, một lần nữa bệnh viện Truyền máu Huyết học được ghi nhận là bệnh viện đầu tiên trong cả nước đã thực hiện thành công kỹ thuật kỹ thuật dị ghép tế bào gốc trong điều trị hội chứng thực bào máu nguyên phát.

Thành tựu 6. Ứng dụng thành công “kỹ thuật hạ thân nhiệt nội mạch phục hồi chức năng não ở bệnh nhân ngừng tim, nhồi máu cơ tim cấp”

Bệnh nhân đang được điều trị bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy qua catheter nội mạch

Kỹ thuật hạ thân nhiệt nội mạch là một kỹ thuật điều trị hồi sức chuyên sâu đòi hỏi đầu tư thiết bị chuyên dung với chi phí cao, bên cạnh đó chi phí điều trị khi thực hiện kỹ thuật này tương đối cao, BHYT chưa thanh toán nhưng sẽ giúp sự hồi phục não của bệnh nhân tốt hơn sau ngừng tim, giúp họ thêm cơ hội sống không tàn phế, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, bệnh viện Nhân dân Gia định đã quyết định đầu tư máy hạ thân nhiệt nội mạch từ 2017.

Tính đến nay, đã có 05 trường hợp bệnh nhân được cứu sống nhờ áp dụng phương pháp này. Trường hợp đáng chú ý trong năm 2018 có thể nhắc đến là trường hợp bệnh nhân T.T.T, Việt kiều Mỹ (54 tuổi), ngưng tim ngưng thở 3 lần, được báo động đỏ liên viện và chuyển viện từ bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức về bệnh viện Nhân dân Gia định. Tại bệnh viện Nhân dân Gia định, bệnh nhân tiếp tục được báo động đỏ nội viện với ê kíp gồm các khoa Cấp cứu, HSTC – CĐ và Tim mạch can thiệp. Bệnh nhân được can thiệp bằng các kỹ thuật như “can thiệp động mạch vành cấp cứu qua da”, “đặt bóng đối xung động mạch chủ” và nhất là “hạ thân nhiệt chỉ huy qua catheter nội mạch” là kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng tại khu vực phía Nam. Hạ thân nhiệt chủ động và có kiểm soát thông qua catether nội mạch giúp các tế bào, nhất là tế bào não được “ngủ đông”, mục đích làm giảm tổn thương não do bệnh nhân bị ngừng tim, ngừng thở kéo dài. Bệnh nhân sau đó được tiếp tục chuyển về Mỹ trong tình trạng bệnh ổn, hồi phục tim phổi và xuất viện sau 2 tuần, trở về cuộc sống đời thường.

Thành tựu 7. Ứng dụng “phẫu thuật vi phẫu nối mạch chi bằng bộ nối mạch máu nhỏ Anstomosis Coupler”

Tay bệnh nhân trước và sau phẫu thuật vi phẫu nối mạch chi bằng bộ nối mạch máu nhỏ Anstomosis Coupler

Khi một mạch máu bị tổn thương hay chi bị đứt rời cần nối lại mạch máu nhanh nhất và an toàn nhất để tái lập tuần hoàn một cách ổn định đảm bảo sự sống của mô, nhất là trong trường hợp bị đứt lìa chi.

Trước đây, bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình sử dụng phương pháp khâu nối mạch máu bằng chỉ khâu. Phương pháp này thường chậm và có thể bị tắc mạch lại do mối khâu không chuẩn xác. Từ tháng 11/2018, bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật vi phẫu nối mạch máu nhỏ bằng bộ nối mạch máu.

Ngày 11/11/2018, bệnh nhân H.T (64 tuổi), ngụ tại Bình Thuận, được bệnh viện Đức Linh – Bình Thuận sơ cứu và chuyển đến bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình trong tình trạng cổ tay T bị vết thương do dao chém, mất nhiều máu, tê bàn tay, không gập được các ngón tay, toàn bộ gân cơ mặt trước cổ tay bị đứt cùng với bó mạch thần kinh trụ, thần kinh giữa. Ê-kíp cấp cứu đã sử dụng bộ nối mạch máu để nối động mạch trụ và rút ngắn thời gian phẫu thuật gần 30 phút. Tình trạng người bệnh sau đó ổn định và được xuất viện vào ngày 18/11/2018. Sau đó, bệnh nhân tái khám và được kiểm tra động mạch trụ đã nối dưới siêu âm với kết quả tuần hoàn lưu thông tốt. Hiện nay bệnh nhân đang theo chương trình phục hồi chức năng của bệnh viện để phục hồi chức năng bàn tay và sớm hòa nhập cộng đồng.

Thành tựu 8. Ứng dụng thành công kỹ thuật xâm lấn tối thiểu trong xử trí cấp cứu băng huyết sau sinh

Băng huyết sau sinh là một cấp cứu sản khoa và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ (chiếm 25% trên thế giới). Nếu mẹ được cứu sống thì khả năng sinh sản cũng bị ảnh hưởng do phẫu thuật cắt tử cung cấp cứu. Bệnh viện Nhân dân Gia định đã áp dụng qui trình kĩ thuật điều trị băng huyết sau sinh bằng can thiệp thuyên tắc động mạch tử cung gồm sự tham gia của nhiều chuyên khoa (X-quang can hiệp cùng Sản phụ khoa, Gây mê hồi sức) điều trị thành công 3 trường hợp băng huyết sau sinh nặng đe dọa tính mạng với tỉ lệ cầm máu 100%, không ghi nhận tai biến, biến chứng nặng và vẫn bảo tồn được chức năng sinh sản của sản phụ; đồng thời hỗ trợ chuyên môn một trường hợp báo động đỏ liên viện, cứu sống sản phụ băng huyết sau sinh tại bệnh viện quận 9 vào tháng 9 năm 2018.

Trường hợp đáng chú ý trong năm 2018 là sản phụ T.T.T.H (30 tuổi), PARA 2012, nhập viện vì thai 39 tuần, băng huyết sau sinh tiên phát giờ thứ 8 sau mổ bắt con vì vết mổ cũ, máu mất trước can thiệp là 2400 ml, sinh hiệu mạch, huyết áp được giữ ổn định. Bệnh nhân được can thiệp bơm tắc thành công động mạch tử cung 2 bên bằng vật liệu tắc mạch xốp sinh học (gelfoam), bảo tồn động mạch buồng trứng 2 bên sau 40 phút. Sau can thiệp, bệnh nhân không ra máu âm đạo thêm và xuất viện sau 7 ngày.

Thành tựu 9. “Ứng dụng telemedicine cứu sống bé 2 tuổi bị tay chân miệng nguy kịch”

Qua hệ thống telemedicine, các bác sĩ BV Nhi đồng 1 trao đổi, hướng dẫn BV Cà Mau các biện pháp hồi sức tích cực, khi tình trạng ổn định bé được chuyển đến BV Nhi đồng 1 tiếp tục điều trị và đã xuất viện

Ngày 5/11/2018, bệnh viện Nhi đồng 1 nhận được điện thoại hội chẩn từ bệnh viện Cà Mau đề nghị hỗ trợ tiếp nhận điều trị bé trai Đ.T.C 2 tuổi bệnh tay chân miệng rất nặng (độ 4).

Nhận thấy bệnh nhi rất nguy kịch, có thể tử vong trên đường chuyển viện, qua điện thoại bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 đã thuyết phục người nhà và bệnh viện Cà Mau tạm hoãn việc chuyển tuyến để hồi sức ban đầu cho bé. Đồng thời qua hệ thống telemedicine, bệnh viện Nhi đồng 1 trao đổi, hướng dẫn bệnh viện Cà Mau các biện pháp hồi sức tích cực. Lập tức bệnh nhi được đặt nội khí quản, giúp thở, dùng thuốc vận mạch, song song đó các bước đầu trong quy trình lọc máu cũng được bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 hướng dẫn cụ thể và triển khai thành công. Từng diễn biến của người bệnh đều được bác sĩ của 2 bệnh viện thông tin và thảo luận nhằm ổn định tình trạng của bé trước khi chuyển viện.

Trên đường chuyển viện, bác sĩ của 2 bệnh viện tiếp tục giữ liên lạc qua điện thoại để kịp thời xử trí những diễn tiến bất thường của bệnh nhi. Cùng lúc, tại bệnh viện Nhi Đồng 1 chuẩn bị sẵn sàng giường bệnh với đầy đủ trang thiết bị hồi sức, máy thở, máy lọc máu, chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhi. Sau khi chuyển vào khoa HSTCCĐ (ngày 06/11/2018), bệnh nhi được nhanh chóng gắn máy thở, tiếp tục dùng thuốc vận mạch và lọc máu. Sau khi lọc máu 24 giờ tình trạng bé cải thiện. Đến ngày 12/11/2018, bé được cai máy thở, tình trạng ổn định và chuyển khoa Nhiễm tiếp tục điều trị. Bé xuất viện vào ngày 23/11/2018 trong tình trạng sức khỏe ổn định hoàn toàn, không di chứng.

Thành tựu 10. Bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu tiên triển khai kỹ thuật ECMO, cứu sống ngoạn mục các trường hợp suy hô hấp tuần hoàn nặng

Bệnh nhi được chạy ECMO tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố

ECMO (Extracorporeal Membrane Oxygenation) là kỹ thuật hỗ trợ tuần hoàn và oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể để hỗ trợ tạm thời hô hấp và tuần hoàn cho bệnh nhân suy hô hấp – tuần hoàn nặng, đe dọa tính mạng.

Tháng 02/2018, bệnh viện Nhi đồng Thành phố là bệnh viện nhi đầu tiên trong khu vực phía Nam triển khai kỹ thuật ECMO. Tính đến nay, bệnh viện đã cứu sống 3 trường hợp suy hô hấp tuần hoàn nặng, trong đó trường hợp được cứu sống ngoạn mục là bé trai P.N.H (9 tuổi), với chẩn đoán viêm cơ tim cấp – sốc tim – rối loạn nhịp do bệnh viện Nhi Cần Thơ chuyển. Ngay khi nhập viện, bệnh nhi đã được đặt máy tạo nhịp tạm thời và chuyển qua khoa Hồi sức Tích cực Chống độc. Sau 24 giờ điều trị tích cực, bệnh nhi cải thiện chậm với vận mạch nên được hỗ trợ kỹ thuật ECMO. Kết quả sau 48 giờ chạy ECMO, bệnh nhân ngưng được vận mạch và hồi phục hoàn toàn sau 10 ngày nằm viện.

Việc triển khai thành công kỹ thuật ECMO, giúp cứu sống những bệnh nhi nguy kịch có nguy cơ tử vong lên đến 60-70%, là nỗ lực lớn của tập thể bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong công tác chăm sóc điều trị bệnh nhân nặng, góp phần vào những thành tựu nổi bật của ngành y tế Thành phố trong thời gian vừa qua.

Nguồn: Sở Y tếTP.HCM